--> -->
Dòng sự kiện:

Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý phương pháp làm "sống" lại sông Tô Lịch

17/01/2025 13:54

Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, theo kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội.
“Chốt” thời điểm hoàn thành bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch Sẽ làm “sống lại” những dòng sông của Thủ đô Chi tiết hệ thống trạm bơm 550 tỷ đồng hồi sinh sông Tô Lịch

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đánh giá việc xây dựng đề án là "hết sức cần thiết, cấp bách và thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư". Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng phương án được thành phố đề xuất lượng nước bổ cập (bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng 3-5 m3/s) bằng lượng nước thải thu gom đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, do đó chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý phương pháp làm
2 phương án chi tiết hệ thống trạm bơm và đường ống dẫn nước được thành phố Hà Nội đề xuất nhằm hồi sinh sông Tô Lịch.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp Thủ tướng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng theo phương án này, cần rà soát bổ sung một số nội dung.

Trong đó, bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng khu vực cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng cần xem xét bổ sung nghiên cứu việc ô nhiễm thứ cấp đến sông Tô Lịch (do sông Hồng có hàm lượng phù sa lớn) và rác thải tại ba đập dâng trên sông trong quá trình vận hành; đồng thời xem xét, bổ sung giải pháp sơ lắng nước sông Hồng trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.

Việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200 mm dọc theo đường Võ Chí Công với chiều dài khoảng 5,5 km cũng cần nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để giải quyết các rủi ro như phá hỏng công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ tắc đường ống trong quá trình vận hành.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết cơ bản các vấn đề của sông Tô Lịch, đảm bảo cảnh quan ven sông, phù hợp quy hoạch Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chuyên ngành cần bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng khoảng 15-20 m3/s, duy trì vận tốc trung bình trên sông khoảng 0,2-0,3 m/s.

Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý phương pháp làm
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội là Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển) đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực.

Cụ thể phương án của Viện Khoa học Thủy lợi là lấy nước khu vực thượng lưu bãi đá sông Hồng, quận Tây Hồ, cách cầu Nhật Tân khoảng 1,5 km tại vị trí giữa hai kè mỏ hàn chỉnh trị sông do Bộ Giao thông vận tải xây dựng từ năm 1992 đến 1997. Các hạng mục ngoài bãi sông còn có hồ lắng tự nhiên 10 ha, kênh dẫn, trạm bơm khai thác với công suất trạm 18 m3/s.

Nước sông được dẫn qua đê vào hồ Tây, sau đó theo kênh đến cửa cống vào sông Tô Lịch, dài khoảng 4 km. Trên sông Tô Lịch có một đập dâng tại hạ lưu cầu Quang để dâng mực nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông, giao thông thủy. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án trên gần 500 tỷ đồng, kinh phí vận hành hàng năm khoảng 25 tỷ đồng.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận xét phương án của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có cùng tổng mức đầu tư dự kiến và thời gian thi công như phương án đề xuất của Hà Nội, nhưng lượng nước bổ cập có thể được tối đa là 18 m3/s. Như vậy, sơ bộ với phương án của Viện Khoa học có thể đáp ứng được mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy của sông Tô Lịch.

Hiện phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường đã được thành phố báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến bộ ngành liên quan. Nếu phương án được chấp thuận, Hà Nội cam kết hoàn thành trước tháng 9/2025.

Tuấn Dũng

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm