--> -->
Dòng sự kiện:

Cúc Phương - Độ rừng vào Hội

29/04/2021 12:10

Chia sẻ
Từ trung tuần tháng 4 đến khoảng trung tuần tháng 6, cao điểm là dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 hàng năm là khoảng thời gian Cúc Phương - Cánh rừng già nguyên sinh thực sự biến thành một không gian kì diệu. Du khách đến đây sẽ được hòa mình đắm chìm vào mùa lễ hội của mẹ thiên nhiên kì vĩ.
Tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ “Thêm xanh”, một sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo tại Vườn Quốc gia Cúc Phương Bế mạc Hội Xuân Cúc Phương - Thêm xanh cho cánh rừng già

“Carnaval” của Bướm

Không một tính từ nào có thể diễn tả hết tâm trạng và cảm xúc của bạn khi lạc vào mùa bướm Cúc Phương. Dọc hành trình tham quan, vào những ngày nắng đẹp, những luồng bướm sặc sỡ với hàng triệu cá thể sẽ nối đuôi nhau tràn từ trong rừng già ra như chào đón bạn. Những luồng bướm như một dải khăn của cô sơn nữ cõi Mường được tô điểm một cách tự nhiên, dịu dàng, dập dờn quanh bạn.

Vui trong ngày Hội của rừng già - Ảnh Mạnh Quyền
Vui trong ngày Hội của rừng già - Ảnh Mạnh Quyền

“Thời tiết thuận từ dịp cuối năm trước là điều kiện tuyệt vời cho ấu trùng bướm sinh sôi. Khoảng tháng ba vừa rồi, khắp rừng sâu nở nhiều. Dấu hiệu đó cho phép chúng tôi nhận định, năm nay Cúc Phương sẽ “được mùa bướm”. Từ trung tuần tháng 4, nhiều luồng bướm đã xuất hiện dọc hành trình tham quan. Chắc chắn về rừng năm nay, du khách sẽ lạc vào vũ hội kì thú của mẹ thiên nhiên”. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Cúc Phương) phấn khởi chia sẻ.

Theo ghi nhận, thời điểm này, cứ vào khoảng buổi trưa đến gần cuối buổi chiều của những ngày nắng đẹp, nhiều luồng bướm sặc sỡ đã tụ hội khắp rừng Cúc Phương. Đã có hàng ngàn lượt khách về với nơi đây, chứng kiến, trải nghiệm và lưu lại khoảnh khắc kì thú này.

“Dải Ngân hà” đêm rừng nguyên sinh

Không chỉ trao cho du khách thức quà vô giá ấy vào ban ngày, mà đêm về, bà mẹ thiên nhiên nơi cánh rừng nức tiếng này còn hào phóng dành tặng chúng ta một điều đặc biệt thuộc về loài côn trùng hết sức thân thuộc và đáng yêu. Dù đã trải nghiệm xem đom đóm ở bất cứ đâu, nhưng nếu chưa trải nghiệm một đêm của mùa đom đóm Cúc Phương, chắc chắn sẽ là điều bạn tiếc nuối nhất.

Khởi đầu là những đốm sáng li ti, lập lòe trong những tán rừng đêm. Hãy dừng lại, tập trung ánh mắt vào khoảng tối thẫm ấy. Chỉ một lúc sau, trước mắt bạn là một điều kì diệu. Hàng ngàn, hàng vạn, rồi hàng triệu triệu những đốm sáng đua nhau đánh lên nền rừng đêm thứ sắc màu lấp lánh mê mẩn. Bạn sẽ thỏa sức đẩy tâm tưởng của mình bồng bềnh trôi theo những hình dung, liên tưởng. Từng đường sáng uốn lượn đẹp như một dải ngân hà.

Đêm rừng kì diệu - Ảnh Mạnh Quyền
Đêm rừng kì diệu - Ảnh Mạnh Quyền

Dịu dàng và tần tảo thiêu mình dâng cho đời khung cảnh thần tiên, nhưng dưới góc độ khoa học, đây cũng là giai đoạn quan trọng trong vòng đời của đom đóm. Chính những đốm sáng ấy sẽ kích hoạt cơ chế duy trì nòi giống của chúng, góp phần quan trọng vào việc giữ nhịp cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học của một cánh rừng. Trên cung đường huyền ảo và mê mẩn từ khu vực Vườn thực vật vào tới hồ Mạc, bạn sẽ được các hướng dẫn viên nhiệt thành và am hiểu của Cúc Phương trao cho rất nhiều thông tin bổ ích. Chính họ và cánh rừng này, chúng ta sẽ khởi lên những xúc cảm trong trẻo về thiên nhiên đất nước.

Giữ gìn di sản - Lan tỏa tình yêu

Với tiềm năng sinh thái và cảnh quan giàu có ấy, Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang chuyển mình trong bối cảnh mới. Không chỉ đom đóm và bướm, những tặng vật thiên nhiên đang được đội ngũ cán bộ của Vườn nghiên cứu và xây dựng thành những sản phẩm du lịch sinh thái mang bản sắc.

Quan sát linh trưởng quý hiếm, ngắm bình minh rừng già và nghe tiếng chim hót vào sáng sớm tại Khu vực Bán hoang dã; Hành trình khám phá hệ thống hang động Cát-tơ kì vĩ; Xuyên rừng nguyên sinh và tìm hiểu văn hóa Mường; Những đêm “ngủ lại cùng cỏ cây hoa lá” giữa lõi rừng với “đặc sản ba không” để sáng ra ngắm nhìn những chú công xòa cánh đón ban mai; Ngắm nhìn những chú hươu, chú nai thấp thoáng dưới tán rừng tại khu bảo tồn nguồn gien quý; chiêm ngưỡng bộ sưu tập mẫu vật thiên nhiên quý giá tại Bảo tàng Cúc Phương; “Thêm xanh cho cánh rừng già” với việc du khách được tham gia trồng cây trong vườn quốc gia, hưởng ứng Chương trình “Trồng một tỷ cây xanh” của Chính phủ… Và đặc biệt là tour trải nghiệm độc đáo mang tên “Về Nhà” – nơi mà chính du khách sẽ được tham gia vào quy trình tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Tất cả những sản phẩn du lịch sinh thái ấy, là hướng đi mang ý nghĩa giáo dục môi trường sâu sắc và bền vững mà vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam đang nỗ lực triển khai.

Khách du lịch thực hiện rửa tay sát khuẩn trước khi vào tham quan
Khách du lịch thực hiện rửa tay sát khuẩn trước khi vào tham quan.

“Năm 2021 là Năm Du lịch Quốc gia tại Ninh Bình. Và sang năm 2022 sẽ đánh dấu chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Cúc Phương. Chúng tôi đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các chức nặng, nhiệm vụ của Vườn. Bảo vệ rừng là căn cốt, làm tiền đề cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch sinh thái. Hy vọng rằng, với quyết tâm đổi mới và nỗ lực của chúng tôi, cùng với sự ủng hộ của du khách và xã hội, Cúc Phương là nơi trở về bình yên và mang đi thông điệp bảo tồn mạnh mẽ hơn nữa”. Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn chia sẻ.

Phạm Quốc Vinh

Siết trách nhiệm của người có ảnh hưởng khi truyền tải quảng cáo

Ngày 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nhiều vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo... được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông, không để đội vốn, tham nhũng

Về thực hiện các dự án của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu cơ bản với các dự án là không thay đổi, phải bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không kéo dài, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường...

Hà Nội triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc hoàn thiện Hiến pháp - văn bản pháp lý quan trọng nhất của quốc gia.
Xem thêm