--> -->
Dòng sự kiện:

Đảm bảo an toàn vận hành và phòng chống dịch tuyến Cát Linh - Hà Đông

13/11/2021 21:20

Chia sẻ
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý, vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong ngày 12/11, lượng khách có xu hướng tăng 19,4% so với ngày trước đó. Đặc biệt, công tác vận hành và phòng chống dịch tuyến Cát Linh - Hà Đông được đảm bảo.
Kỳ vọng bức tranh đường sắt đô thị Thủ đô Chủ động các giải pháp phòng dịch ở đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi lượng hành khách tăng đột biến Trải nghiệm ngày đầu tàu điện Cát Linh - Hà Đông hoạt động

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, ngày 12/11, số hành khách vào ga là 18.293 người, đơn vị cũng vận hành 136 lượt tàu phục vụ hành khách. Qua đánh giá sơ bộ, lượng khách tăng 19,4% so với ngày 11/11 và bằng 33,8% so với thực hiện ngày 7/11.

Liên quan đến việc điểm trông giữ xe dọc tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông để phục vụ hành khách, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội có phương án tổ chức, quản lý các điểm trông xe cho khách tại các ga tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Đảm bảo an toàn vận hành và phòng chống dịch tuyến Cát Linh - Hà Đông
Hành khách được hướng dẫn chu đáo các bước chuẩn bị trước khi lên tàu. (Ảnh: Đinh Luyện)

Trước đó, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, ngay ngày đầu tuyến đường sắt đô thị đi vào khai thác đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” phí gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc và chấn chỉnh tình trạng này. Hiện công tác này đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan chú trọng triển khai, duy trì và đảm bảo an ninh trật tự ở các điểm ga trên toàn tuyến.

Về công tác phòng, chống dịch, ghi nhận thực tế của Báo Lao động Thủ đô cho thấy, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, tại các ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị quản lý đã bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt hành khách và yêu cầu khách khai báo y tế điện tử hoặc ghi giấy. 100% khách đi tàu, nhân viên nhà ga đều đeo khẩu trang.

Để điều tiết, giãn sự tập trung đông người ở tầng 1 và tầng 2 các ga, đơn vị quản lý cũng bố trí các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng. Tăng cường nhân viên phân luồng, kiểm soát và hướng dẫn. Tại các nhà ga cũng được bố trí phòng cách ly y tế tạm thời nhằm cách ly trường hợp hành khách có biểu hiện triệu chứng nhiễm dịch Covid-19.

Đảm bảo an toàn vận hành và phòng chống dịch tuyến Cát Linh - Hà Đông
Các tuyến buýt được kết nối đồng bộ, phục vụ hành khách tham gia tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông di chuyển thuận tiện nhất. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường sắt này trong tương lai gần sẽ mang lại hiệu quả đột phá từ tính chất vận tải khối lượng lớn của mình, chuyên chở cả nghìn hành khách trên mỗi chuyến, góp phần tăng cường năng lực của tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.

Chẳng hạn, trên dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có khoảng 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc. Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt kết nối. Tại điểm đầu cuối là ga Cát Linh và Yên Nghĩa là 16 tuyến. Các nhà ga có bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp.

Giá vé của tuyến đường sắt cũng được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Giá vé chặng 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Các đối tượng được miễn phí xe buýt cũng sẽ được miễn phí sử dụng đường sắt đô thị.

Đảm bảo an toàn vận hành và phòng chống dịch tuyến Cát Linh - Hà Đông
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác đã và đang từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân. (Ảnh: Đinh Luyện)

Theo tìm hiểu, kế hoạch vận hành giai đoạn đầu của tuyến đường sắt đô thị tính tối thiểu 1 năm từ thời điểm bàn giao. Trong đó, 6 tháng đầu sau tiếp nhận sẽ vận hành từ thấp đến cao để phù hợp với mức độ sử dụng dịch vụ của người dân và điều hành một cách linh hoạt.

Chẳng hạn, giờ mở tuyến 5h và đóng tuyến 23h, 1 tuần đầu 15 phút/chuyến, tuần sau 10 phút chuyến, nhưng nếu khách đông sẽ điều chỉnh tần suất giờ tàu chạy nhằm tiết kiệm và hiệu quả. Trong vòng 15 ngày đầu, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ miễn phí hành khách đi tàu, sau đó mới bắt đầu thu tiền. 6 tháng sau, sẽ mở tuyến từ 5h30 và đóng tuyến 23h30, tần suất 6 phút/chuyến.

Đinh Luyện

Giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.200 đồng/kWh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% kể từ ngày 10/5/2025, lên mức hơn 2.200 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chi phí sản xuất điện đang tăng mạnh do cơ cấu nguồn điện và tỷ giá ngoại tệ biến động.

Nỗ lực "siết chặt" kỷ cương đô thị xung quanh bệnh viện

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, dừng đỗ phương tiện tùy tiện và kinh doanh trái phép tại khu vực xung quanh các bệnh viện lớn ở trung tâm Hà Nội đang ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị, những vi phạm này còn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn và mất an toàn cho người dân. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự và xây dựng một môi trường đô thị văn minh, an toàn, thân thiện. Ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn quận Đống Đa.

Giá xăng dầu hôm nay (10/5): Thế giới tiếp tục tăng

Hôm nay (10/5): Giá dầu thế giới đã tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và đang trên đà ghi nhận tuần tăng đầu tiên kể từ giữa tháng 4. Cụ thể, giá dầu Brent ở mốc 63,87 USD/thùng, tăng 1,62%, giá dầu WTI ở mốc 60,95 USD/thùng, tăng 1,69%.
Xem thêm