--> -->
Dòng sự kiện:

Đề xuất tăng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản: Cần khảo sát kỹ thực tế

18/03/2025 12:51

Chia sẻ
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đang là một trong những nguồn thu quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Mới đây, tại Hội thảo “Luật thuế thu nhập cá nhân - Đảm bảo công bằng, thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế 20% trên phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Tổng cục Thuế cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này.
Bộ Tài chính không đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm Bộ Tài chính hoàn tất lấy ý kiến Luật Thuế thu nhập cá nhân Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế với cá nhân kinh doanh

Có nên tăng đến 20%?

Hiện nay, thuế TNCN đánh vào hoạt động chuyển nhượng BĐS được tính là 2% trên giá trị giao dịch. Nghĩa là, người bán phải nộp thuế bằng 2% tổng giá trị BĐS ghi trên hợp đồng chuyển nhượng, không quan tâm đến việc lãi hay lỗ.

Mặc dù phương án 2% trên giá trị giao dịch đơn giản, dễ thu, nhưng nó lại tạo ra lỗ hổng lớn trong việc kê khai giá bán. Người bán thường khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn khiến thị trường BĐS thiếu minh bạch.

Tiến sĩ Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất chỉ thu thuế khi bán nhà có lãi, áp dụng mức 20% trên chênh lệch giá mua - bán để ngăn chặn tình trạng lách thuế. Như vậy, nếu người bán nhà bị lỗ sẽ không phải chịu mức thuế TNCN, nhưng nếu người bán nhà có lãi thì phải chịu mức thuế TNCN 20% trên chênh lệch giá mua - bán. Phương án thuế 20% trên chênh lệch giá mua và giá bán có lợi thế hơn vì phản ánh chính xác thu nhập thực tế.

Đề xuất tăng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản: Cần khảo sát kỹ thực tế
(Ảnh minh họa: BT)

Áp dụng thuế 20% trên lợi nhuận thực tế sẽ giúp hạn chế tình trạng đẩy giá nhà đất. Nếu thực thi nghiêm ngặt chính sách đánh thuế trên giá trị tăng thêm, các công ty BĐS cũng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi quyết định mức giá bán, từ đó giúp thị trường vận hành minh bạch và thực chất hơn.

Sự phát triển của kinh tế - xã hội và các hình thức kinh doanh mới kéo theo sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân đặt ra yêu cầu bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế TNCN để bao quát được thực tiễn có thể phát sinh, chống thất thu thuế và đảm bảo tính công bằng.

Tham luận về chính sách thuế TNCN tại Hội thảo này, đại diện Ban Chính sách - Cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng phân tích kỹ: Để chính sách thu thuế TNCN đảm bảo thực hiện đúng theo bản chất giao dịch kinh tế và phù hợp với chức năng đánh trên thu nhập phát sinh, cần thiết nghiên cứu phương án quy định thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, quyền sử dụng đất được xác định bằng: Thuế suất (đề xuất mức 20% để tương đồng với thuế suất của tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế TNDN đối với chuyển nhượng BĐS) nhân với thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến BĐS chuyển nhượng).

Tuy nhiên, việc áp dụng xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân từ chuyển nhượng BĐS theo phương pháp này cần xem xét trên cơ sở khảo sát kỹ thực tế và đánh giá khả năng thực hiện.

Cần giải bài toán định giá

Cũng theo Ban Chính sách - Cục Thuế, để thực hiện được việc tính thuế theo phương pháp mức thu trên tổng tiền lãi thu được từ hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt hiệu quả cần có 2 điều kiện: Cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của thửa đất phản ánh đúng giá cả giao dịch của các lần chuyển nhượng; Quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật các khoản chi phí được trừ và điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh, cũng như giá vốn của BĐS chuyển nhượng.

Về cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của thửa đất: Hiện nay cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế đã có chức năng tra cứu lịch sử giao dịch của thửa đất và tra cứu lịch sử giao dịch của người nộp thuế (từ năm 2018).

Tuy nhiên, mức giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng vẫn chưa đảm bảo đúng với giá giao dịch thực tế. Việc kiểm soát của cơ quan nhà nước để đảm bảo người mua, người bán ghi giá giao dịch trên hợp đồng đúng giá giao dịch thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nên việc thu nhập cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường cần thời gian và các công cụ tìm kiếm.

Về thu thập chứng từ, chứng minh liên quan đến chi phí chuyển nhượng BĐS cũng như giá vốn của BĐS chuyển nhượng: Với tình hình thực tế hiện nay thì việc xác định, chứng minh các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do có khá nhiều loại chi phí liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Ngoài các loại chi phí để xác định như chi phí mua, chi phí xây dựng, sửa chữa, chi phí làm thủ tục, thì còn các khoản chi phí khó chứng minh như chi phí môi giới, chi phí lãi vay, chi phí bồi thường các bên liên quan,... dẫn đến khó khăn trong việc xác định đúng khoản lãi thu được trên thực tế, đặc biệt trong trường hợp người nộp thuế cố tình khai sai nhằm giảm số thuế phải nộp. Một số trường hợp BĐS chuyển nhượng có từ xưa hoặc được thừa kế, cho tặng… nên không xác định được giá vốn.

Điều này đặt ra yêu cầu cần gia tăng các công cụ để kiểm soát thu nhập thực tế phát sinh đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS của hộ gia đình, cá nhân thông qua việc kiểm soát đúng giá trị giao dịch trên thực tế. Trong trường hợp thiếu thông tin đối chiếu, giám sát để xác định đúng lãi chuyển nhượng trên thực tế sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh: thất thu thuế, gánh nặng thủ tục hành chính cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc chứng minh lãi chuyển nhượng, thời gian xử lý hồ sơ chuyển nhượng kéo dài,…

Theo đó, để thực hiện được phương án thu thuế phần chênh lệch các lần giao dịch thì cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Luật Thuế TNCN theo phương án quy định thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, quyền sử dụng đất được xác định bằng thuế suất nhân với thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến BĐS chuyển nhượng) và thực hiện liên thông các thủ tục từ giao dịch BĐS, công chứng, thuế và đăng ký giao dịch đất đai trên môi trường điện tử.

Bảo Thoa

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.

Cấp thiết xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình và Thủ đô Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính cấp thiết đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình và Thủ đô Hà Nội đồng bộ với tiến độ của sân bay Gia Bình, vì vậy, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, bảo đảm hiệu quả đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đơn giá, định mức không để xảy ra sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Xem thêm