-->
Dòng sự kiện:

Giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống

17/03/2025 14:17

Chia sẻ
Từ xưa đến nay, những nghệ nhân làng thêu tay truyền thống Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn duy trì tạo ra những sản phẩm cầu kỳ và tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ.
Cô gái Hà Nội thổi hồn vào nhung lụa, góp phần hồi sinh làng nghề thêu truyền thống Đẩy mạnh số hóa để làng nghề Thủ đô phát triển Du khách được trải nghiệm thêu thủ công tại đình Tú Thị

Cái nôi của nghề thêu tay truyền thống

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km về phía Nam, Quất Động vốn được xem là nơi khởi nguồn của nghề thêu tay truyền thống tại Việt Nam. Về thăm làng nghề thêu tay Quất Động, người viết có dịp được ngắm nhìn và cảm phục những sản phẩm thêu tinh tay xảo và đẹp mắt của những nghệ nhân nơi đây.

Trải qua hàng trăm năm, Quất Động vẫn duy trì tạo ra những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. Với người dân Quất Động, công việc thêu tranh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Bên những khung thêu, người già, trẻ nhỏ cần mẫn làm nghề.

Giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống
Nghệ nhân làng thêu tay Quất Động vẫn duy trì tạo ra những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế.

Kế thừa và phát triển nghề truyền thống, Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính (đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương). Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức Chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá cao.

Ngày nay, Quất Động còn được biết đến là nơi tạo ra những sản phẩm thêu tay đa dạng cầu kỳ và tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ như: Tranh phong cảnh, cây đa, bến nước, con thuyền... và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Nghệ nhân Quất Động đã kết hợp hài hòa sắc màu tươi sáng của chỉ tạo nên bức tranh thêu đậm nét văn hóa Việt. Bên cạnh nhóm hàng truyền thống, các nghệ nhân còn thêu nên nhiều tác phẩm nghệ thuật, các bức tranh chân dung truyền thần và sáng tạo.

Đặc biệt, nơi đây cũng thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan và mua tranh. Bên cạnh đó, tranh thêu Quất Động cũng đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, các hộ sản xuất sản phẩm thêu Quất Động đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống như: Khăn lụa, túi thêu thủ công, áo dài thiết kế... Đồng thời, các doanh nghiệp, công ty đã nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm thêu thủ công của quê hương đến những thị trường quốc tế khó tính và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giữ gìn và phát triển

Hiện nay, những nghệ nhân, thợ thêu của làng Quất Động vẫn luôn nỗ lực giữ gìn và phát huy nét đặc trưng các sản phẩm thêu tay truyền thống. Sinh ra và lớn lên ở Quất Động, bà Lê Thị Loan cũng đã gắn bó với nghề thêu nhiều năm. Bà Loan cho biết, gia đình có nghề thêu tay truyền thống, do vậy, những năm qua, bà cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi.

Giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống
Các nghệ nhân đã kết hợp hài hòa sắc màu tươi sáng của chỉ tạo nên bức tranh thêu đậm nét văn hóa Việt.

“Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200 - 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu.

Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hi vọng tốt đẹp ở tương lai”, bà Loan chia sẻ.

Tương tự, bà Phạm Thị Đào có hơn 50 năm gắn bó với nghề thêu tại làng Quất Động cho biết, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, để làng nghề thêu truyền thống phát triển được là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương cũng như sự nỗ lực của những người làm nghề..

"Nghề thêu tay có thu nhập thấp so với mặt bằng chung của nhiều nghề trong xã hội, nhưng lại đòi hỏi người lao động phải khéo léo, bền bỉ, siêng năng. Mà để đạt được độ khéo léo tinh xảo trong các sản phẩm thì người thợ phải được những nghệ nhân đào tạo, phải có nhiều năm kinh nghiệm, phải thực sự yêu và tâm huyết với nghề, phải trở thành những người nghệ sĩ sáng tạo trong từng tác phẩm", bà Đào chia sẻ.

Có dịp được trò chuyện với nghệ nhân thêu Hoàng Thị Khương, một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề, bà Khương chia sẻ, người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu.

Không may mắn khi mang trên mình đôi chân tật nguyền. Không khuất phục trước số phận, bà luôn cố gắng vươn lên, vừa học hỏi từ mẹ, vừa tự mày mò những cách thêu mới để có những bức tranh xuất sắc của riêng mình. Chính tình yêu với nghề đã giúp bà vượt qua nhiều khó khăn, mặc cảm của bản thân để tiếp tục với niềm đam mê.

Giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống
Tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương.

Nhờ niềm đam mê với nghề thêu truyền thống của quê hương, người phụ nữ khuyết tật làm việc cần mẫn, đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật, giúp họ thoát nghèo thành công.

Những bức tranh thêu của bà rất đa dạng, phong phú như tranh thêu phong cảnh: Cây đa, bến nước, con thuyền…; các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Văn Miếu… Các bức tranh được “dệt” lên từ những đường kim, mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật, thường được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích.

Ngoài tranh phong cảnh và những bức thêu được đặt hàng, nghệ nhân Hoàng Thị Khương chia sẻ, bản thân bà có cơ duyên đặc biệt với những bức tranh thêu về Bác Hồ. Thêu hình Bác, khi bản thân thấy mệt mỏi, bà dường như lại được tiếp thêm động lực để phấn đấu.

“Nghề thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với đức tính cẩn thận, cần mẫn. Để có một bức tranh thêu đẹp, cần hội tụ các yếu tố, đó là tạo hình phải ấn tượng, đường kim mũi chỉ phải mịn màng và đặc biệt, người thêu phải biết tạo “hồn” cho bức tranh thông qua các đường nét và sự sáng tạo độc đáo”, bà Khương cho biết.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, làng nghề thêu tranh tay như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng những nghệ nhân nơi đây đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại.

Đến nay, những người thợ thêu Quất Động đều tự hào khi tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Mặc dù, đời sống của người thợ thêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời.
Kim Tiến

Danh sách 133 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn số 2154/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học cùng các trường cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non về việc miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng năm 2025.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Thời gian qua, các cấp Công đoàn huyện Hoài Đức đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nhằm động viên, khích lệ nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, từ đó nâng cao đời sống, việc làm của mỗi đoàn viên.

Tập thể cũ - không chỉ là nơi để ở

Với thế hệ đầu 8X như chúng tôi, những khu nhà tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Bởi nơi ấy đã cho chúng tôi có một cuộc sống dù giản dị nhưng hết sức êm đềm, nơi đó “tình làng, nghĩa xóm” là điều không thể thiếu giữa bộn bề phố thị. Có thể, vào thời điểm đó cuộc sống của không ít gia đình còn những khó khăn, vất vả nhưng bọn trẻ con chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của chính mình.

“Giải phóng” kinh tế tư nhân

Doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế, thành hay bại của nền kinh tế ngoài cơ chế, chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân được xác định đặc biệt quan trọng.

Đàm phán thương mại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Thủ tướng lưu ý, cần chuẩn bị tốt việc đàm phán với Hoa Kỳ; các hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh.
Xem thêm