-->
Dòng sự kiện:

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4: Cần minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ

03/04/2025 21:16

Chia sẻ
Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cần thực hiện minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ.
Nỗ lực hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chất lượng, an toàn Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành Các dự án trọng điểm của Thành phố đang triển khai tới đâu?

Đó là ý kiến được nêu lên tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chiều nay (3/4).

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4: Cần minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ
Đại biểu tham gia phản biện Dự thảo Đề án.

Cần thiết sớm ban hành Đề án

Theo Dự thảo Đề án: Quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn 8 quận, huyện có diện tích khoảng 18.450 ha. Trong đó, huyện Sóc Sơn là 724 ha; Mê Linh là 2.441ha; Đan Phượng là 2.094ha; Hoài Đức là 3.345ha; Hà Đông là 775ha; Thanh Oai là 2.562ha; Thanh Trì là 533ha; Thường Tín là 5.976ha với 40 khu đất; trong đó diện tích có thể khai thác là khoảng 8.725,5ha.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 58,2 km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, làm giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng, mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Tuyến đường cũng là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.

Cùng với việc khẩn trương tập trung đầu tư, thi công xây dựng tuyến đường, việc định hướng phát triển đô thị hai bên trục Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra nhằm khai thác không gian, đất đai, tăng hiệu quả đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho các địa phương. Do đó, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố Hà Nội nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 5/5/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu cũng nhất trí cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, cần sớm được ban hành.

Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ những tác động của Đề án

Góp ý vào dự thảo, Ths Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng thành phố Hà Nội cho rằng, Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, an sinh của người dân nên cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, toàn diện và khoa học. Đặc biệt, cần xem xét tác động của đề án đối với môi trường và quyền lợi của người dân.

Theo ông Hải, cần xác định rõ quỹ đất này theo vùng như nào và việc thực hiện quỹ đất phải dựa trên các quy định của Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, quá trình thu hồi, sử dụng đất cần phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm việc khai thác quỹ đất phải mang lại lợi ích kinh tế cao nhất, đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân…

“Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông nhưng cần thực hiện minh bạch công bằng và có sự giám sát chặt chẽ. Cạnh đó, cần xây dựng chính sách khai thác quỹ đất rõ ràng minh bạch có sự tham gia của cộng đồng. Ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt về tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, cần thành lập hội đồng giám sát độc lập để theo dõi quá trình triển khai đề án”, ông Hải kiến nghị.

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4: Cần minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý vào Dự thảo Đề án.

Đồng thuận với quan điểm trên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Để thực hiện đảm bảo kế hoạch, đề nghị trong dự thảo bổ sung làm rõ hơn cơ chế chính sách giám sát, kiểm tra (đây là điểm nghẽn của nhiều dự án trong thành phố và cả nước).

Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo đề án mới nêu nguyên tắc chung mà các luật nghị định đã nêu đề nghị thành phố xem xét để có phân cấp cụ thể. Nhìn chung dự thảo đề án đã khái quát nhưng chưa tiếp cận các đột phá mới đang thực hiện cần nghiên cứu để điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi khi được khi đề án được ban hành.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp thu và hoàn thiện đề án.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cần cập nhật tất cả các cơ sở pháp lý, những nội dung mới, làm rõ khái niệm vùng phụ cận, khảo sát phân rõ vùng phụ cận, nội dung kết nối trong phạm vi Thủ đô và Vùng Thủ đô; hình thức khai thác, sử dụng quỹ đất trong vùng phụ cận… Cùng đó cần đánh giá kỹ những tác động của Đề án, trong đó cần đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.

Bảo Duy

Danh sách 133 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn số 2154/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học cùng các trường cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non về việc miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng năm 2025.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Thời gian qua, các cấp Công đoàn huyện Hoài Đức đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nhằm động viên, khích lệ nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, từ đó nâng cao đời sống, việc làm của mỗi đoàn viên.

Tập thể cũ - không chỉ là nơi để ở

Với thế hệ đầu 8X như chúng tôi, những khu nhà tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Bởi nơi ấy đã cho chúng tôi có một cuộc sống dù giản dị nhưng hết sức êm đềm, nơi đó “tình làng, nghĩa xóm” là điều không thể thiếu giữa bộn bề phố thị. Có thể, vào thời điểm đó cuộc sống của không ít gia đình còn những khó khăn, vất vả nhưng bọn trẻ con chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của chính mình.

“Giải phóng” kinh tế tư nhân

Doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế, thành hay bại của nền kinh tế ngoài cơ chế, chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân được xác định đặc biệt quan trọng.

Đàm phán thương mại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Thủ tướng lưu ý, cần chuẩn bị tốt việc đàm phán với Hoa Kỳ; các hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh.
Xem thêm