--> -->
Dòng sự kiện:

"Lửa từ Đất": Lời tri ân sâu sắc dành cho những người con ưu tú của Thủ đô

16/03/2025 20:42

Chia sẻ
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025), vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" ra đời như một lời tri ân sâu sắc dành cho những người con ưu tú của Thủ đô đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Tác phẩm đã tái hiện những trang sử hào hùng của Đảng bộ Hà Nội và khắc họa sâu sắc tinh thần cách mạng kiên cường của những người cộng sản Việt Nam trong những ngày đầu thành lập Đảng.
Vở nhạc kịch "Lửa từ Đất": Khắc họa chân dung Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội Sao mai Lê Việt Anh chia sẻ về hành trình hóa thân thành Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Hà Nội Công diễn vở nhạc kịch đặc biệt “Lửa từ Đất”

Niềm tự hào, lòng biết ơn hóa thành tác phẩm nghệ thuật

Vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" do Ban Tuyên giáo - Thành ủy Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng.

Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kiêm Tổng đạo diễn vở nhạc kịch, đây là kết quả của nhiều năm trăn trở với khát khao tạo nên một tác phẩm xứng tầm dành cho Hà Nội.

"Bao năm trăn trở, mong muốn làm một điều gì đó cho Hà Nội, một tác phẩm xứng tầm, tôi đã tìm kiếm nguồn cảm hứng, chất liệu nghệ thuật ở tất cả những gì vọng về từ lịch sử, tất cả những gì hiện hữu quanh mình.

Cho đến khi, đọc những tài liệu ghi chép về ông Nguyễn Ngọc Vũ, tôi đã thực sự tìm thấy điều tôi muốn làm và phải làm cho bằng được. Vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" đã ra đời với trọn vẹn cảm xúc thiêng liêng đầy tự hào", NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ.

NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kiêm Tổng đạo diễn vở nhạc kịch.

Nguồn cảm hứng cho vở nhạc kịch đến từ câu chuyện về đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội (1930 - 1932). Với tư cách là cháu của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, NSƯT Cao Ngọc Ánh đã mang vào tác phẩm này tất cả tình cảm, niềm tự hào và lòng biết ơn của mình đối với người cậu ruột đã hy sinh vì cách mạng khi mới 24 tuổi.

Vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" kể về cuộc đời và sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - người thanh niên xuất sắc đã trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên khi mới 22 tuổi. Sinh năm 1908 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Hà Nội, đồng chí là con trai đầu lòng của ông Nguyễn Ngọc Toản và bà Đàm Thị Lan.

Cụ Toản có tác phong sống, nếp suy nghĩ, cách dạy dỗ giáo dục con cháu và quản lý gia đình theo tam cương, ngũ thường rất nề nếp. Bởi dòng họ Nguyễn Ngọc ở thôn Cựu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương theo Nho giáo.

Sao mai Lê Việt Anh vào vai đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ (áo trắng).

Tổ phụ là ông Nguyễn Ngọc Kim (1831 - 1901), một người yêu nước đã có nhiều hành động dũng cảm bất chấp nguy hiểm để bảo vệ danh dự cho Hà Nội. Năm 1882, khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2, các quan lại dưới quyền của Tổng đốc Hoàng Diệu đã bỏ chạy hết. Tổng đốc Hoàng Diệu khi ấy thà chết không sa vào tay giặc đã tuẫn tiết, xác của người nằm đó không ai dám liều lĩnh chăm sóc mai táng. Cảm kích trước tấm gương trung liệt bất khuất của vị Tổng đốc, cụ Ngọc Kim đã đứng ra tổ chức chôn cất chu đáo cho Tổng đốc Hoàng Diệu tại vườn dinh đốc học (sau ga Hàng Cỏ ngày nay).

Dù xuất thân từ gia đình có điều kiện, được học hành đầy đủ và hoàn toàn có thể chọn cho mình một cuộc sống an nhàn, nhưng trước nỗi đau của dân tộc bị đô hộ, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và hiểm nguy. Đồng chí đã góp phần xây dựng và phát triển Đảng bộ Hà Nội từ chỉ 3 người ban đầu trở thành tổ chức ngày càng lớn mạnh.

Khi bị địch bắt và giam cầm tại Hỏa Lò, dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai báo, bảo vệ tổ chức và đồng đội đến cùng. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí đã thắp lên ngọn lửa cách mạng, lan tỏa khắp Hà thành và trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người cộng sản Việt Nam.

Hình tượng người mẹ Hà Nội kiên trung

Bên cạnh hình tượng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Vũ kiên cường là hình ảnh người mẹ Hà Nội dũng cảm, tháo vát - bà Đàm Thị Lan.

NSƯT Thanh Tâm thủ vai bà Đàm Thị Lan (áo dài).

NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ: "Ngôi nhà của ông bà Toản ở Khâm Thiên trở thành một trong những cơ sở bí mật của Thành uỷ in truyền đơn, tài liệu bí mật của Đảng bộ. Đặc biệt phải nói đến bà Đàm Thị Lan là một người mẹ đặc trưng phụ nữ Việt Nam hiền hậu đảm đang tháo vát lo toan cho chồng con bà xứng đáng là dâu con của gia đình có truyền thống yêu nước, hy sinh lợi ích cá nhân gia đình mình để cống hiến cho đất nước.

Bà đã theo sát từng bước chân của con trai, tất cả các hoạt động của tổ chức cách mạng như in ấn truyền đơn các cuộc họp bí mật của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ và đồng đội đều được bà canh gác cẩn thận thậm chí trong nhiều trường hợp nguy cấp bà còn nhanh trí, dũng cảm giải vây cho các đồng chí trốn thoát, bà nuôi ăn ở trong lúc kinh tế khó khăn không nề hà. Có lần bà cải trang cho đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh) đóng giả đầu bếp đi chợ để thoát ra ngoài".

Vở nhạc kịch được công diễn vào 15 và 16/3 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

NSƯT Thanh Tâm, người thủ vai bà Đàm Thị Lan đã chia sẻ những xúc động sâu sắc khi được hóa thân vào nhân vật này. "Được vào vai bà Đàm Thị Lan - mẹ đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, một người mẹ tiêu biểu cho phụ nữ Hà thành, tôi rất hạnh phúc và sống trọn vẹn với vai diễn để truyền tải hết khí phách, phẩm chất nhân hậu, dám hi sinh vì nghĩa lớn của nhân vật", NSƯT Thanh Tâm bày tỏ.

Kể về quá trình chuẩn bị cho vai diễn, NSƯT Thanh Tâm cho biết: "Khi đọc kịch bản, tôi đã rất xúc động. Câu chuyện chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn và cuộc sống của tôi". Mỗi ngày, ngoài việc tập luyện cùng các nghệ sĩ khác, cô còn dành hai giờ ngồi bên hồ Gươm để ngắm nhìn nhịp sống Hà Nội, lắng nghe lại những bản nhạc, đọc lại kịch bản để nuôi dưỡng cảm xúc cho vai diễn.

Là thể loại nghệ thuật đòi hỏi cao về kỹ thuật, nhạc kịch buộc các nghệ sĩ phải vừa diễn xuất, vừa hát, vừa thực hiện vũ đạo một cách linh hoạt. Đặc biệt, với những bài aria thể hiện cảm xúc cao trào, nghệ sĩ Thanh Tâm đã phải rèn luyện thể lực và thanh nhạc rất kỹ lưỡng, đồng thời điều chỉnh cảm xúc để "khóc đấy mà vẫn hát được đúng nốt, đúng lời".

"Lửa từ Đất" không chỉ là câu chuyện về một cá nhân anh hùng mà còn là bức tranh sinh động về sự hình thành và phát triển của Đảng bộ Hà Nội cùng phong trào cách mạng của Thủ đô trong những năm 1930. Tên gọi vở nhạc kịch mang ý nghĩa sâu sắc: "Ngọn lửa của lòng yêu nước, của lý tưởng Cộng sản và niềm tin về một tương lai tươi sáng. Đó cũng là ngọn lửa của đấu tranh giải phóng dân tộc, ngọn lửa của những người Anh hùng tiên phong, dám hy sinh thân mình và cảm hóa được các tầng lớp nhân dân", NSƯT Cao Ngọc Ánh giải thích.

Vở nhạc kịch là lời tri ân sâu sắc của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu để đổi lấy hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc. Đồng thời, tác phẩm cũng góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền cảm hứng cống hiến cho các thế hệ trẻ hôm nay.

Vở nhạc kịch "Lửa từ Đất" ra mắt trong dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ là hoạt động nghệ thuật ý nghĩa mà còn là dịp để nhìn lại, tôn vinh những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Qua câu chuyện về đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ và gia đình, vở nhạc kịch đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng hết sức hào hùng của Thủ đô và dân tộc. Từ đó, khơi gợi trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Hà Nội và quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước.

Như lời NSƯT Cao Ngọc Ánh khẳng định: "Tôi sẽ nỗ lực hơn để mỗi tác phẩm nghệ thuật của mình vươn cao, vươn xa. Đó cũng chính là cách mà tôi thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mình, xứng đáng với truyền thống của dòng họ Nguyễn Ngọc ở Hà Nội".

Phương Bùi

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm