--> -->
Dòng sự kiện:

“Nước rút” trước kỳ thi vào lớp 10 công lập

29/04/2025 18:44

Chia sẻ
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2025 - 2026 ở Hà Nội đang cận kề. Với tính chất cạnh tranh gay gắt khi số lượng học sinh dự thi đông, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào công lập có hạn, cả thầy và trò các nhà trường đều đang dồn sức để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Đặc biệt khi đây là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.
Một số mốc thời gian cần nhớ liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội: Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập, công lập tự chủ năm học 2025 - 2026 Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký

Gồng mình chạy “nước rút”

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 7 - 8/6. Lịch thi chuyên được tổ chức trong ngày 9/6 - ngay sau khi các học sinh hoàn thành 3 môn thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên. Trước đó, sáng 6/6, các học sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.

Dù đã tăng 3% so với năm học trước nhưng kỳ thi vẫn được dự báo là có tính cạnh tranh cao khi chỉ có khoảng 64% học sinh dự thi có suất vào các trường công lập.

“Nước rút” trước kỳ thi vào lớp 10 công lập
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội.

Qua ghi nhận, thời điểm hiện tại, nhiều học sinh đang miệt mài ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi. Xác định học lực của bản thân chỉ ở trên mức khá, Trần Hiếu Ngân (học sinh lớp 9 một trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm) đã lên kế hoạch “học ngày, cày đêm” để cải thiện điểm số với hy vọng có thể trúng tuyển vào ngôi trường công lập mà em yêu thích. Nguyện vọng cao nhất của Hiếu Ngân là thi đỗ vào Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Năm ngoái, trường này có mức điểm chuẩn là 41,25 điểm - tức trung bình mỗi môn phải đạt 8,25 điểm. Trong khi đó, mức học lực hiện tại của nữ sinh chỉ khoảng 7,5 - 8 điểm mỗi môn. Do đó, Hiếu Ngân đã phải đầu tư toàn bộ thời gian để ôn luyện 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

“Từ khi bắt đầu vào lớp 9, em đã chuẩn bị tâm thế chủ động, ưu tiên và tập trung tối đa cho việc học. Ngoài giờ học trên lớp, em cũng tham gia lớp học thêm 2 môn Toán và Ngoại ngữ. Thời gian còn lại ở nhà, em sắp xếp để ôn đều cả 3 môn, làm đề thi thử bám sát cấu trúc mới để rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và làm quen với áp lực phòng thi thực tế”, Hiếu Ngân chia sẻ.

Tương tự Hiếu Ngân, đặt mục tiêu thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (quận Hà Đông), hiện tại, Nguyên Dũng (học sinh lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông) cũng dành phần lớn thời gian cho việc ôn luyện. Lịch trình của em gần như kín mít từ sáng đến đêm. Quay cuồng với việc học, em không có nhiều thời gian để giải trí nên thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. “Gần 2 tháng nay, em duy trì cường độ học tập cao với 2 tiếng dành để ôn lại kiến thức cũ và ít nhất 3 tiếng để luyện đề. Bây giờ là thời điểm “nước rút” để ôn tập nên em đã tạm gác tất cả sở thích cá nhân, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, dành trọn thời gian và tâm trí để tập trung cho mục tiêu lớn nhất là kỳ thi chuyển cấp sắp tới”, Nguyên Dũng bày tỏ.

Không chỉ học sinh, các phụ huynh cũng lo lắng không kém. Chị Đinh Thúy Quỳnh (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, gia đình chị không có kế hoạch tham gia hoạt động vui chơi, giải trí hay đi du lịch để tập trung toàn lực cho con trai năm nay thi vào lớp 10. Có lực học tương đối khá nên con trai chị đã đặt mục tiêu thi vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - trường có điểm đầu vào thuộc tốp đầu ở quận Bắc Từ Liêm.

“Không hôm nào con đi ngủ trước 1 giờ sáng, thành ra vợ chồng tôi cũng thao thức không ngủ nổi, vừa thương vừa lo cho sức khỏe của con. Hằng ngày, vợ chồng tôi đều dành thời gian để bên cạnh động viên giúp con đỡ căng thẳng, áp lực”, chị Quỳnh tâm sự.

Tạo thuận lợi nhiều nhất cho học sinh

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Đây cũng là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với quy chế thi mới và những điều chỉnh đáng kể như: Đề thi gắn với thực tiễn, đánh giá năng lực học sinh thay vì kiểm tra kiến thức, cách tính điểm có sự thay đổi khi không còn nhân đôi hệ số với môn Toán và Ngữ văn. Thời điểm hiện tại, các đơn vị, trường học trên địa bàn Thành phố đều đang “tăng tốc”, tập trung tối đa thời gian, nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

Ghi nhận tại Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập theo từng chuyên đề. Hàng tháng, nhà trường tổ chức khảo sát 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; qua đó giúp học sinh rèn kỹ năng làm bài, tâm lý phòng thi. Kết quả khảo sát cũng là căn cứ quan trọng giúp các giáo viên biết học sinh còn yếu ở điểm nào, các lỗi dễ mắc để có sự bổ sung, hỗ trợ kịp thời; là cơ hội để học sinh tự đánh giá năng lực ở từng phần, từng môn, từ đó chủ động ôn tập bù đắp kiến thức.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) Lê Kim Anh, để học sinh vững vàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, bên cạnh việc củng cố kiến thức còn đòi hỏi sự đồng hành của thầy cô giáo và sự đôn đốc từ phụ huynh. Cùng với việc hoàn thành chương trình, giáo viên vừa dạy vừa ôn tập củng cố kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh. Học sinh học bài nào sẽ luyện tập để nắm vững bài đó. Sau khi hoàn thành chương trình, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập thi vào lớp 10. Mặt khác, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên trực tiếp giảng dạy xây dựng đề thi theo cấu trúc đề mới để học sinh được cọ xát và làm quen.

Năm học 2025 - 2026, 122 trường THPT công lập, công lập tự chủ ở Hà Nội được giao 79.740 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường này đạt 64%, tăng 3% so với năm học trước.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là công bố điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển cùng một thời điểm. Thời gian công bố dự kiến chậm nhất ngày 6/7/2025.

Vừa qua, nhà trường đã mời các thầy cô giáo là Hiệu trưởng các trường THCS, THPT đến chia sẻ thông tin về điểm mới của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cách chọn trường THPT sao cho phù hợp, tăng khả năng trúng tuyển. Với tinh thần thầy cô đối thoại, lắng nghe và gỡ rối tận gốc, nỗi lo của phụ huynh, học sinh cuối cấp dường như vơi bớt phần nào, từ đó yên tâm hơn về kỳ thi.

Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, Nguyễn Nhật Linh (học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, điều quan trọng nhất trong quá trình ôn thi chính là sự đều đặn. Chỉ cần mỗi ngày các học sinh dành một chút thời gian để học tập nghiêm túc, tích lũy từng chút một thì dần dần, khối kiến thức sẽ được bồi đắp đủ đầy. “Khi ấy, các em sẽ có nền tảng vững vàng để tự tin bước vào phòng thi và hoàn thành tốt bài làm của mình”, Nhật Linh chia sẻ.

Gửi gắm lời khuyên tới các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thời điểm này, học sinh không nên quá lo lắng, tránh bị phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. Các em hãy bình tĩnh, tự tin, tích cực ôn tập trong nội dung chương trình đã được học để đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tuyển sinh năm nay. Các phụ huynh động viên con em tập trung ôn tập và cùng đồng hành, hỗ trợ tốt nhất để các con có sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi.

Thảo Nguyên

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm