--> -->
Dòng sự kiện:

Quận Hoàn Kiếm đề xuất 10 khu phát triển thương mại và văn hóa

18/04/2025 18:46

Chia sẻ
Quận Hoàn Kiếm đã chủ động rà soát các khu phố, tuyến phố nghề, khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa và dự kiến 10 khu vực có tiềm năng để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn.
Khu phát triển thương mại và văn hóa: Cầu nối giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế Bước đi then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa Thủ đô Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát huy tiềm năng văn hóa - thương mại tại quận trung tâm

Trong khuôn khổ Hội thảo "Các giải pháp để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội" do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 18/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã trình bày tham luận với nhiều đề xuất cụ thể về việc phát triển các không gian văn hóa - thương mại trên địa bàn quận.

Quận Hoàn Kiếm đề xuất 10 khu phát triển thương mại và văn hóa
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại Hội thảo.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm với diện tích tự nhiên 5,28 km², là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, quận cũng được biết đến là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, Hoàn Kiếm còn là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội và di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Với những đặc điểm này, quận Hoàn Kiếm được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để hình thành các Trung tâm công nghiệp văn hóa, Khu phát triển thương mại và văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô, quận Hoàn Kiếm đã chủ động xây dựng Dự thảo Đề án Trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi sông, bãi nổi sông Hồng. Theo đại diện quận Hoàn Kiếm, việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa tại khu vực này không chỉ là một dự án văn hóa - du lịch mà còn là một bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô, hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm đã chủ động rà soát các khu phố, tuyến phố nghề, khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa và dự kiến 10 khu vực có tiềm năng để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn.

Các khu vực này bao gồm: Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông; Khu phố Tạ Hiền - Lương Ngọc Quyến - Đào Duy Từ; Khu phố Tạm Thương - Yên Thái; Khu vực Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua; Khu phố Hàng Bạc; Khu phố Hàng Mã - Hàng Lược; Khu phố Nhà Thờ - Ấu Triệu - Lý Quốc Sư; Khu phố Hàng Đào - Hàng Ngang; Khu phố Nguyễn Quang Bích - Nguyễn Văn Tố và Khu phố Lãn Ông.

Quận Hoàn Kiếm đề xuất 10 khu phát triển thương mại và văn hóa
Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân.

Trong tham luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trước hết, đây là một nội dung mới nên hành lang pháp lý còn thiếu, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình thành lập và cơ cấu tổ chức quản lý đối với các trung tâm này. Bên cạnh đó, còn thiếu quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển lâu dài cho các trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại - văn hóa.

Khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Một bộ phận các hộ dân trong Khu phát triển thương mại và văn hóa không đủ điều kiện về tài chính để đầu tư nâng cấp không gian kinh doanh. Thêm vào đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ngại thay đổi hoặc sợ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, thiếu nhận thức về vai trò của mô hình này đối với sự phát triển về du lịch và kinh tế.

Nguồn nhân lực về công tác quản lý mô hình Trung tâm công nghiệp văn hóa, Khu phát triển thương mại và văn hóa còn hạn chế, ít được đào tạo về chuyên môn trong việc quản trị văn hóa - thương mại kết hợp.

Khó khăn cuối cùng là việc bảo tồn văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - nếu không có quy định cụ thể rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ các không gian văn hóa bị lấn lướt bởi các hoạt động thương mại dịch vụ.

Tháo gỡ khó khăn, kiến nghị cơ chế chính sách phát triển

Để thúc đẩy việc hình thành và phát triển các Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại - văn hóa, đại diện quận Hoàn Kiếm đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Trước tiên, quận đề nghị HĐND Thành phố sớm ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của các trung tâm này để có căn cứ triển khai thực hiện tại các quận, huyện, thị xã.

Ngay sau khi HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết, cần xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc hình thành và phát triển các không gian văn hóa - thương mại này.

Quận cũng đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển lâu dài phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tránh trường hợp sao chép, nhân rộng các mô hình giống nhau dẫn đến sự nhàm chán không có dấu ấn đặc thù của địa phương.

Một kiến nghị quan trọng khác là xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư Trung tâm công nghiệp văn hóa, các hộ kinh doanh và nhân dân trong Khu phát triển thương mại và văn hóa. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, thẩm quyền quản lý cụ thể của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và nhân dân khi tham gia vào hoạt động của các trung tâm này.

Đối với việc thành lập các Trung tâm công nghiệp văn hóa, quận Hoàn Kiếm đề xuất cần xác định mô hình đầu tư và cách thức đầu tư (đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất); cách thức tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; tính toán về giá, thời hạn, ưu đãi giá thuê, ngành nghề ưu tiên (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư gắn với cho thuê tài sản công).

Còn đối với việc thành lập các Khu phát triển thương mại và văn hóa, cần quy định rõ về những khu vực ưu tiên phát triển, các tiêu chí lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Đồng thời, làm rõ cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư trong việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình hạ tầng, công trình mỹ thuật, công trình biểu tượng tại các khu này.

Theo đánh giá của quận Hoàn Kiếm, việc phát triển các Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu thương mại - văn hóa không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô trong thời gian tới.

Phương Bùi

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm