--> -->
Dòng sự kiện:

Tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng

12/05/2025 15:59

Chia sẻ
Nằm ở ngoại thành Hà Nội, làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến bởi bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc. Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ… du lịch làng nghề gốm Bát Tràng đang rất hút khách.
Làng nghề gốm Bát Tràng chuẩn bị sẵn sàng vào hội Gốm Bát Tràng chinh phục thị trường bằng bản sắc văn hóa Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới

Điểm đến hấp dẫn du khách

Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có quá trình gắn bó lâu dài với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua thời gian, cộng đồng và nhân dân làng Bát Tràng đã hình thành, bồi đắp nên bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa quý báu. Đến nay, làng gốm Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội và là niềm tự hào của người dân Hà thành.

Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Nơi đây đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm như: Men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam… Những đặc trưng của các loại men cùng các họa tiết trang trí đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng của làng.

Tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng
Du lịch làng nghề gốm Bát Tràng hiện nay đang rất hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Gốm Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng với 3 dòng chính: Đồ gốm gia dụng; đồ gốm dùng để thờ cúng; đồ trang trí được bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng.

Sản phẩm gốm của Bát Tràng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế. Hiện các sản phẩm gốm Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc.

Đặc biệt, nét đẹp và độ tinh xảo của gốm nơi đây được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn, phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày…

Ngày nay, đến làng gốm sứ Bát Tràng, du khách không chỉ tham quan chợ gốm, tham gia trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân, mà còn khám phá nhiều công trình kiến trúc từ cổ đến kim độc đáo và hấp dẫn. Đặc biệt, du khách không thể bỏ lỡ điểm check-in thú vị, đó là Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mà nhiều người quen gọi là “Bảo tàng gốm Bát Tràng”.

Tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng
Ngày nay, đến làng gốm sứ Bát Tràng, du khách không chỉ tham quan chợ gốm, tham gia trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân, mà còn khám phá nhiều công trình kiến trúc từ cổ đến kim độc đáo và hấp dẫn.

Có dịp thăm quan làng nghề gốm Bát Tràng, chị Nguyễn Thị Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Khi tham quan làng nghề, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của người Việt Nam. Tôi cảm thấy tự hào về truyền thống và tinh thần sáng tạo của người dân Bát Tràng. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội quay lại và khám phá thêm về làng nghề này”.

Phát triển du lịch làng nghề

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cho biết, không chỉ là làng nghề cổ, Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, 4 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị.

Có thể kể đến như: Đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, Văn Chỉ Bát Tràng; có 1 di tích cách mạng kháng chiến, là nơi nhạc sĩ Văn Cao in lần đầu tiên Bài hát “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; khu làng cổ rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ.

Đặc biệt, Bát Tràng còn là mảnh đất khoa bảng với truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. Tình yêu với nghề và trọng con đường học vấn, Bát Tràng đã trở thành một “làng nghề, làng văn”. Đây thực sự là những điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với du khách đến thăm Bát Tràng.

“Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền các cấp, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của Bát Tràng đã bước đầu khởi sắc. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Năm 2022, nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Lễ hội truyền thống Hội làng Bát Tràng là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”; Bát Tràng là một trong 2 làng nghề đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới”, bà Hà Thị Vinh nhấn mạnh.

Tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng
Việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại Bát Tràng được thành phố Hà Nội coi là vấn đề cốt lõi.

Cũng theo bà Vinh, vừa qua, Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã khẳng định Hà Nội sẽ đi đầu trong công nghiệp văn hóa của cả nước và làng nghề là một trong năm trụ cột trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đây là cơ hội vàng cho làng gốm cổ truyền Bát Tràng trên tinh thần đoàn kết của 19 dòng họ trong làng gốm cổ cùng nhau xây dựng “Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng” trên nguyên tắc người dân là chủ sở hữu, là chủ thể vận hành và người dân tự hưởng lợi.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, đầu năm 2024, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt phối hợp với Ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng đã mời các chuyên gia hàng đầu về bảo tàng sinh thái tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa để xây dựng Đề án thiết lập mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng.

“Hơn một năm qua, chúng tôi đã tiến hành các hoạt động báo cáo xin ý kiến các cấp về Dự thảo Đề án. Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị giới thiệu về mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng tới các đối tượng như chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu văn hoá, lịch sử, đặc biệt là cộng đồng dân cư làng Bát Tràng.

Khảo sát nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của dân làng tham gia vào hoạt động phát triển du lịch của Bát Tràng. Thành lập Hội đồng tư vấn và các Nhóm chuyên gia tư vấn chuyên sâu các lĩnh vực: Kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, du lịch, truyền thông, trùng tu và tôn tạo di tích; vận hành - tài chính kế toán để triển khai thực hiện Đề án”, bà Hà Thị Vinh cho biết.

Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, thời gian qua, làng nghề Bát Tràng đã phối hợp với các công ty công nghệ triển khai du lịch 4.0, số hóa toàn bộ các dữ liệu về điểm di tích, tour du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn, giới thiệu làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ, phủ sóng wifi miễn phí tại 19 điểm tham quan tập trung đông khách du lịch, tiến tới phủ sóng trong toàn bộ xã…

Cùng với đó, xã Bát Tràng cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân để thuyết minh hướng dẫn du khách đến tham quan. Ngoài ra, xã cũng đã khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng, ra mắt các doanh nghiệp du lịch địa phương; tổ chức hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng…

Xã Bát Tràng hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ giải quyết cho hơn 8 vạn lao động mỗi ngày. Bên cạnh việc đón nhận lượng lao động lớn Bát Tràng còn đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại Bát Tràng được thành phố Hà Nội coi là vấn đề cốt lõi. Nhờ đó, địa phương đã quy hoạch lại tổng thể, đầu tư đồng bộ về giao thông, kết nối hạ tầng, điện, nước, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm sứ, quy trình sản xuất…
Kim Tiến

Biểu dương 95 công nhân giỏi, 665 sáng kiến sáng tạo và 78 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

Từ các phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua, số công nhân giỏi thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội được khen thưởng cấp trên cơ sở là 870 đồng chí, sáng kiến sáng tạo là 2.360 sáng kiến sáng tạo. Qua đó, khẳng định hiệu quả của phong trào thi đua và sự sáng tạo đổi mới về nội dung, hình thức trong hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Công đoàn chủ động, sáng tạo chăm lo và đồng hành cùng người lao động

Thời gian qua, Công đoàn Trường THCS Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tiếp tục khẳng định vai trò là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công đoàn đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên.

Công an thành phố Hà Nội chung tay vì mục tiêu không còn nhà dột nát

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an phát động, đến nay, gần 27 tỷ đồng đã được cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô ủng hộ và nộp về Bộ Công an để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, ưu tiên hỗ trợ những địa phương còn nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn trên khắp cả nước.

Hà Nội: Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến một số thủ tục hành chính về đất đai

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội vừa có quyết định số 731/QĐ-TTPVHCC về việc phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để ưu tiên cung cấp bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn Thành phố.
Xem thêm