--> -->
Dòng sự kiện:

Áo dài Trạch Xá sống mãi với thời gian

29/03/2016 16:40

Chia sẻ
Dạo qua các phố Lương Văn Can hay Cầu Gỗ ở Hà Nội, mọi người sẽ bắt gặp những hiệu áo dài có tên rất giống nhau như Vinh Trạch, Đức Trạch, Phương Trạch, Nghĩa Trạch... Từ “Trạch” ấy xuất phát từ làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa - Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Người Trạch Xá dù làm nghề ở đâu cũng đều giữ cốt cách của nghề tổ, nên việc gắn tên làng trên biển hiệu vì lẽ đó.
Rực rỡ sắc màu tại Lễ hội Áo dài 2016

Về thăm Trạch Xá, hình ảnh đầu tiên ai cũng dễ thấy là ngôi đền thờ bà Tổ nghề may khang trang nơi đầu làng. Nghệ nhân may áo dài Tạ Duy Mạnh cũng là quản lý di tích đền thờ cho biết, bà Tổ nghề tên là Nguyễn Thị Sen - là Tứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng. Với sự thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà đã dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ để phát triển nghề may trong cung đình mà trước đây chưa hề có. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con rời hoàng cung về làng Trạch Xá, truyền dạy nghề may áo dài và áo cung đình cho dân làng. Sau khi bà mất, Vua Lý Công Uẩn thương tiếc, truyền chỉ thị cho dân làng lập đền thờ bà tại đây.

Áo dài Trạch Xá sống mãi với thời gian
Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt và các sản phẩm áo dài.

Từ đó đến nay, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may đã gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng. Trưởng thôn Nghiêm Văn Miến cho biết: “Làng có 500 hộ gia đình thì có khoảng 400 hộ làm may. Từ trẻ con đến người già ai cũng yêu và gắn bó với nghề”. Cũng theo ông Miến, trẻ con trong làng từ 8 tuổi đã được làm quen với việc đơm cúc, thêu áo. Với đứa trẻ sáng dạ, khéo léo, thì tới 15 tuổi đã có thể may được chiếc áo dài đẹp. Các cụ già trong làng rất tâm huyết với nghề, hằng ngày truyền dạy lại bí quyết cho con cháu.

Một trong những nét đặc sắc của làng may áo dài Trạch Xá chính là trong cách thức may. Áo dài ở đây chủ yếu được làm thủ công. Từng tà áo, vạt áo đều được khâu bằng tay mà mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Đa số người ngoài chỉ biết khâu tay ngang thì người dân ở đây khâu tay dọc, bởi đây là kỹ thuật rất khó. Chính vì vậy, áo dài Trạch Xá luôn thướt tha, mềm mại, chứ không cứng và thô như áo dài may bằng máy ở các nơi khác.

Theo nghệ nhân Mạnh, khó nhất là công đoạn may những đường luôn (đường tà), bởi phải khâu tay sao cho “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” - nghĩa là phải khâu đường tà thật khéo để khi lật bên trong như giấy dán hồ, còn bên ngoài, mũi chỉ nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng chỉ trắng khâu cho áo màu đen mà cũng không sợ bị lộ đường khâu.

Đặc biệt, những người nghệ nhân lành nghề nơi đây có còn khả năng chỉ cần nhìn dáng người là ước chừng được số đo và kiểu dáng phù hợp với họ. Người dân trong làng vẫn truyền tụng về nghệ nhân Tạ Văn Khuất - người được vinh dự mời vào cung may áo dài cho Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Dù phải đứng cách xa hoàng hậu đến 50m, với cách ước lượng chính xác, ông vẫn may được những bộ áo vừa vặn và đẹp mắt. Sau đó, ông được triều đình thưởng rất hậu.

Nghệ nhân Mạnh cho hay: “Ngày xưa, các cụ may áo dài thủ công hoàn toàn, thì mỗi ngày chỉ may được một cái. Hiện nay, với sự trợ giúp của máy móc, một người có thể sản xuất được 5 - 7 chiếc áo dài. Xưa kia, để thành một người thợ giỏi thì phải học từ 5 - 10 năm, còn bây giờ với sự phát triển của xã hội thì thời gian học đã rút ngắn đi nhiều”. Chính vì thế, nhiều người từ khắp nơi trên đất nước đều tìm về làng Trạch Xá để học cách may áo dài mà nay đều đã trở thành chủ những cửa hàng may có tiếng. Họ thường đệm chữ “Trạch” ở biển hiệu để khẳng định thương hiệu may có nguồn gốc từ làng Trạch Xá. Ở Huế, có hẳn một làng tên Phó Trạch là do những dân Trạch Xá vào truyền dạy nghề may.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Mạnh, ở thời phong kiến trước đây, người dân Trạch Xá chỉ truyền nghề cho con trai trong làng để đảm bảo giữ bí quyết truyền thống. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, người dân nơi đây đã thay đổi tư duy làm nghề khi truyền dạy nghề cho rất nhiều người nơi khác để nghề may áo dài Việt Nam phát triển.

Áo dài cách tân – một sáng tạo thu hút người trẻ

“Dù đất nước có phát triển đến đâu chăng nữa, dân làng nghề Trạch Xá vẫn quyết tâm giữ vững nghề may với cách thức khâu tay truyền thống. Các nghệ nhân cùng chính quyền địa phương luôn tâm niệm, cần phải giữ gìn cốt cách nghề tổ và mong các cơ quan chức năng đầu tư kinh phí để mở doanh nghiệp lớn nhằm góp phần ổn định kinh tế cho làng nghề” - Trưởng thôn Nghiêm Văn Miến tâm sự.

Hiện nay, áo dài cách tân là một trong những trang phục được giới trẻ rất ưa chuộng. Khác với tà áo dài truyền thống, áo dài cách tân với màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đa dạng, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt mà còn giúp người sử dụng thoải mái trong mọi hoạt động. Làng may Trạch Xá chính là nơi khởi nguồn của chiếc áo dài cách tân rất được ưa chuộng hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt - Chủ nhiệm HTX làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá - tự hào chia sẻ: “Vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11.2015 bắt đầu rộ mốt áo dài cách tân do tôi thiết kế. Cái “duyên” này là do người nước ngoài đặt may, nhưng do nhỡ chuyến bay, nên họ không lấy nữa. Từ đó, tôi tung ra thị trường thì được rất nhiều người đón nhận.Trong đó, Công ty Thời trang NEM đã đặt may đầu tiên, rồi được sản xuất ngày càng nhiều với nhiều mẫu mã như hiện nay”.

Theo nghệ nhân Đạt, xưởng may của anh mỗi ngày sản xuất được từ 30 - 50 chiếc áo dài, tiền công may áo dài đẹp, cầu kỳ thì khoảng 400.000 đồng, còn với những áo dài đơn giản thì khoảng 80.000 – 100.000 đồng.

Chia sẻ về chiến lược phát triển làng nghề, chủ nhiệm HTX cho biết: “Tuy là làng nghề truyền thống, nhưng không phải ai cũng sống được với nghề, bởi nghề này như “bắc nước chờ gạo người”. Đa số người làng Trạch Xá đều phụ thuộc vào những đơn hàng trong nội thành gửi về. Các hộ may với tính chất nhỏ lẻ, không có nhà xưởng rộng rãi nên khó nhận được những đơn hàng lớn”.

Phương Bùi

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm