--> -->
Dòng sự kiện:

Cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn để phòng, chống lừa đảo trực tuyến

11/05/2025 18:33

Chia sẻ
Năm 2024 thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước khoảng 18.900 tỷ đồng. Các chuyên gia cảnh báo trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về an ninh mạng. Lừa đảo trực tuyến không chỉ gây thiệt hại kinh tế của người dùng mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động, ảnh hưởng tới chương trình chuyển đổi số quốc gia, do đó cần những biện pháp ứng phó hiệu quả hơn.
Cảnh báo 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến Chiêu trò lừa đảo mới thông qua tính năng hợp nhất cuộc gọi Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bảo vệ dữ liệu người sử dụng

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền. Xu hướng tấn công mạng năm 2025 gồm tấn công chủ đích (APT), mã độc gián điệp spyware và mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) vẫn là những hình thức tấn công chính; đồng thời các hệ thống điều khiển công nghiệp, xe tự hành, máy bay không người lái (drone) sẽ là mục tiêu mới của tin tặc.

Trong đó, tấn công ransomware nhằm vào sự thiếu hiểu biết hoặc nhận thức chưa cao về các mối đe dọa của người dùng (là các tổ chức, doanh nghiệp…) gây mức độ ảnh hưởng rất lớn, đem đến khoản tiền bất hợp pháp qua tiền ảo nên tin tặc (hacker) luôn ưu tiên lựa chọn. Tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến, thường nhắm đến đối tượng thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về nền tảng số,...

Cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn để phòng, chống lừa đảo trực tuyến
Ảnh minh họa.

Năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Tin tặc sẽ sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công. Ngoài ra, công nghệ 5G phát triển sẽ kéo theo số lượng thiết bị IoT tăng mạnh và các thiết bị này (như camera an ninh, đồng hồ thông minh,…) có thể bị tin tặc khai thác để tấn công mạng…

Do đó, những năm qua dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2023, người dùng trong nước bị thiệt hại khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng do lừa đảo trực tuyến, năm 2024 thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước khoảng 18.900 tỷ đồng. Cơ quan Công an cũng đã khởi tố hàng nghìn vụ với tội danh lừa đảo trên không gian mạng.

Đáng nói, lừa đảo trực tuyến không chỉ gây thiệt hại kinh tế của người dùng mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động, ảnh hưởng tới chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Báo cáo của Hiệp hội Di động Toàn cầu cho biết, tại Việt Nam 74% người tiêu dùng hiện sử dụng ví điện tử, nhưng 89% lo sợ bị xâm nhập tài khoản, và 95% quan ngại về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng trên môi trường trực tuyến.

Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Di động Toàn cầu nhận định: “Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định trong hành trình số hóa. Một mặt, tỷ lệ sử dụng di động cao và thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Mặt khác, lừa đảo gia tăng và đe dọa liên quan đến danh tính đang làm lung lay niềm tin của người dùng. Việt Nam cần có những hành động thiết thực - từ quy định sáng suốt hơn đến các giải pháp chống gian lận sáng tạo nhằm đảm bảo tương lai số của Việt Nam duy trì được sự an toàn, toàn diện và dựa trên sự tin cậy”.

Theo đó, để giúp người dân không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhiều ứng dụng phòng, chống lừa đảo trực tuyến đã được ra mắt, đưa vào sử dụng. Tháng 7/2024, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chính thức ra mắt phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.

Tháng 4/2025, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã ra mắt ứng dụng phòng, chống lừa đảo qua tin nhắn sms scam protection. Ứng dụng giúp người dùng điện thoại di động phòng tránh lừa đảo khi nhận được tin nhắn lừa đảo, khi mua sắm, duyệt web, khi kết nối wifi.

Cuối tháng 4/2025, dự án Chống lừa đảo ra mắt trang giao diện mới tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) giúp tra cứu nhanh, chính xác về lừa đảo trực tuyến; đồng thời, thống kê xu hướng lừa đảo, tự động gợi ý thông tin trùng khớp và hỗ trợ người dùng nhận diện rủi ro.

Đáng chú ý, trang web xây dựng một tiện ích mở rộng cài trên trình duyệt web và chatbot AI để cảnh báo người dùng khi truy cập vào các trang web nguy hiểm, lừa đảo, chứa mã độc, giả mạo hoặc có nội dung xấu,…

Bên cạnh các ứng dụng cùng các biện pháp cơ quan chức năng đang triển khai, để không trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo trực tuyến, mỗi người dân cần tự bảo vệ mình khi tham gia không gian mạng. Theo đó, người dùng cần nắm rõ, cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại, đồng thời người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội; trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp; sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ các tài khoản cá nhân.

Người dùng không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; không nhấp vào liên kết lạ, đặc biệt là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc; hạn chế sử dụng wifi công cộng nếu chuyển tiền, đăng nhập tài khoản. Người dân cần chủ động thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các hình thức lừa đảo phổ biến mới để tránh trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo mới.

Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng.

“Điều nguy hiểm là đối tượng lừa đảo khai thác yếu tố tâm lý, việc thiếu kỹ năng và lòng tham của con người. Chừng nào người dùng chưa nâng cao nhận thức, chưa có kỹ năng cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn, phi thực tế trên không gian mạng thì lừa đảo trực tuyến vẫn còn tiếp tục”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.

N.Hoa

Nghị quyết số 68: Mở rộng cánh cửa tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp SME

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận vốn, đất đai và cơ hội thị trường, Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như “cú hích” thể chế mạnh mẽ, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Những thay đổi không chỉ đến từ nhận thức chiến lược, mà còn thể hiện quyết tâm tháo gỡ thực chất các nút thắt kéo dài trong môi trường pháp lý và hạ tầng.

Cần một chính sách công bằng và phù hợp hơn cho khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng rõ nét trong bức tranh tăng trưởng của Việt Nam, không chỉ về tỷ trọng đóng góp, mà còn là động lực cải cách, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự “cất cánh”, điều kiện tiên quyết là phải có một chính sách đủ bao trùm, công bằng và đúng hướng - nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc thể chế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho 22 hộ gia đình có đất nằm trong dự án

Báo Lao động Thủ đô phản ánh khó khăn của 22 hộ gia đình từng là công nhân Nông trường Đông Anh II khi nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sai tại ngã ba Kim nhưng không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ngay sau khi báo đăng, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội cho biết đã có báo cáo đề xuất Thành phố chấp thuận chính sách hỗ trợ khác đối với các hộ dân, bao gồm, hỗ trợ về đất và hỗ trợ về tài sản (nhà, công trình xây dựng trên đất).

Tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành giáo dục huyện Mỹ Đức

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mỹ Đức đã tổ chức tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2024 - 2025, đồng thời tuyên dương 42 tập thể và 25 cá nhân tiêu biểu trong khối giáo dục, khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành, chăm lo và động viên đội ngũ nhà giáo.

Nhận định Sevilla vs Las Palmas: Khi điểm tựa quá khứ lên tiếng

Vào lúc 02h30 ngày 14/5, sân vận động Ramón Sánchez Pizjuán sẽ trở thành tâm điểm của vòng 36 La Liga 2024/25 với cuộc chạm trán giữa chủ nhà Sevilla và các vị khách Las Palmas. Đây không chỉ đơn thuần là một trận đấu cuối mùa giải, mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với cả hai đội, đặc biệt là Sevilla khi họ vẫn chưa thể chắc chắn tấm vé trụ lại sân chơi cao nhất Tây Ban Nha.
Xem thêm