--> -->
Dòng sự kiện:

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

10/02/2025 20:00

Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Quốc hội đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5% Nhiều cơ sở để GDP năm 2025 đạt 8-10%

Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên

Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quốc hội

Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025: Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng...

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định

Qua thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô...

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 – 5%; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung trọng tâm, bám sát yêu cầu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Kết luận của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình và trách nhiệm xây dựng trình Quốc hội các luật, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chất lượng của các luật, nghị quyết; chất lượng và thời gian ban hành văn bản hướng dẫn và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung vào các điểm nghẽn trong việc thi hành pháp luật...

Phương Thảo

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm