--> -->
Dòng sự kiện:

Đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh

16/05/2023 08:01

Chia sẻ
Từ thực tế rà soát địa bàn, năm 2023, Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Thành phố cũng yêu cầu tăng cường rà soát, chỉnh trang các tuyến phố nâng cao mỹ quan đô thị, từ đó hạn chế các tác động xấu đến hệ thống cây xanh.
Bảo đảm an toàn cây xanh mùa mưa bão Đảm bảo không gian xanh dưới gầm đường sắt trên cao

Luôn được quan tâm

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp Thành phố đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn. Số còn lại thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện quản lý khoảng 366.000 cây trên các tuyến đường, ngõ, công viên, vườn hoa, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khu di tích và trong các khu đô thị...

Đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh
Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội thực hiện cắt tỉa, hạ thấp tán cây, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

Không thể phủ nhận, hệ thống cây xanh đô thị Thủ đô đem lại không gian xanh, chống ồn, chống bụi, chống hiệu ứng nhà kính, mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô. Nhiều con đường, tuyến phố đã gắn bó với các loại cây như những biểu tượng đẹp, mang nhiều dấu ấn lịch sử như phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương; một số tuyến phố cũ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền rồi xung quanh khu vực Bờ Hồ như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ.

Tuy vậy, cây xanh sống trong môi trường đô thị chịu tác động bởi nhiều yếu tố: Không gian sống bị thu hẹp, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế,... dẫn đến nhiều cây phát triển nghiêng, lệch, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, trong số các cây bóng mát trên địa bàn Thành phố, có đến 20% đã có tuổi đời 80 - 100 năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây.

Một khó khăn nữa cũng cần nhắc đến, đó là lâu nay, cây xanh luôn là vấn đề nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của dư luận. Điển hình như đề xuất của quận Đống Đa về việc di dời hàng cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hay như việc di dời hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng cũng đã vấp phải nhiều phản đối, những ý kiến trái chiều chỉ lắng đi khi các hàng cây mới đang dần khoe sắc, tạo nên khung cảnh xanh mướt trên một trong những cung đường hiện đại bậc nhất của Thủ đô.

Nâng cao chất lượng quản lý

Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, hằng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cây bóng mát đang quản lý, khối lượng cây cần cắt tỉa, đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng. Sở Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm trên địa bàn phân cấp quản lý.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2023, qua việc rà soát, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây. Khu vực thành phố quản lý khoảng 199.500 cây; khu vực cấp huyện quản lý khoảng 148.500 cây. Theo kế hoạch này, các cây ưu tiên cắt sửa là những cây có đường kính, chiều cao lớn, cây nặng tán, lệch tán, cành vươn, dễ bị gãy, đổ khi gặp mưa, bão. Trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột, cây có dấu hiệu bị xâm hại sẽ được xử lý ngay. Việc cắt tỉa cây bóng mát bảo đảm yêu cầu nâng cao vòm lá để bảo đảm tầm nhìn, an toàn giao thông; chỉnh hình tán cây bảo đảm cảnh quan; làm thưa tán, hạ độ cao các cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy, đổ nhằm phòng, chống thiên tai.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng cắt sửa cây nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, thời gian hoàn thành trong quý II/2023. Khi vào mùa mưa bão, hệ thống cây bóng mát trên nhiều tuyến phố cơ bản được cắt tỉa nhẹ tán, thưa tán, làm thấp tán và hạ độ cao. Với các tuyến đường hệ thống cây chưa thực sự nặng tán, sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và thực hiện trong quý III và quý IV/2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù hàng năm Sở Xây dựng Hà Nội đều lên kế hoạch cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, tuy nhiên công tác chăm sóc và bảo tồn cây xanh đô thị vẫn gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là đặc thù hệ thống cây xanh tại Hà Nội được rải rác trên các tuyến phố, trong khi mật độ phương tiện giao thông ngày càng gia tăng. Vấn đề thứ hai, là việc xâm hại đối với hệ thống cây xanh vẫn luôn là một thách thức trong công tác quản lý cây xanh đô thị. Đặc biệt, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, nhiều tuyến phố vỉa hè chưa đồng bộ vẫn phải thực hiện công tác cải tạo ngoài vỉa hè; hệ thống cáp thông tin, hệ thống viễn thông rồi các công trình hạ tầng khác như hệ thống ngầm, nổi là những yếu tố ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của hệ thống cây xanh. Đây là những vấn đề cốt lõi gây tác động xấu đến sự phát triển chung của hệ thống của cây xanh đô thị.

Trên cơ sở rà soát thực tế, trong năm 2023, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão sắp tới.

Tuấn Dũng

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm