--> -->
Dòng sự kiện:
Công ty CP Dệt mùa Đông di dời địa điểm sản xuất

Đảm bảo quyền lợi người lao động

27/10/2015 17:02

Chia sẻ
Báo Lao động Thủ đô nhận được đơn của tập thể lao động làm việc tại Công ty CP Dệt mùa Đông, kiến nghị về chế độ của người lao động (NLĐ) khi công ty di dời địa điểm sản xuất. Qua tìm hiểu, việc giải quyết chế độ và hỗ trợ cho NLĐ đã được doanh nghiệp thực hiện đúng luật, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Điểm đến tin cậy của doanh nghiệp và người lao động
Chú trọng chăm lo, bảo vệ người lao động
Giải tỏa lo lắng của người lao động

Theo đơn phản ánh: Năm 2010, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 20.000m2 đất của Công ty CP Dệt mùa Đông để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà cao tầng. Theo kế hoạch, tháng 9/2015, Cty sẽ di dời toàn bộ nhà máy tại 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) về khu công nghiệp Thạch Thất (huyện Quốc Oai). Lo ngại việc di dời nhà máy ảnh hưởng đến cuộc sống nên tập thể NLĐ đã làm đơn gửi ban lãnh đạo Cty đề nghị thông báo, trả lời cho NLĐ rõ về chế độ cũng như phương án hỗ trợ NLĐ. Đại diện lãnh đạo Cty đã có buổi nói chuyện với NLĐ và đưa ra phương án dự kiến, hỗ trợ 1/2 tháng lương cho công nhân tiếp tục làm việc tại nhà máy mới. Công nhân không tiếp tục làm việc sẽ được chi trả theo Bộ luật Lao động. NLĐ đề nghị phía Cty hỗ trợ cho công nhân theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo các điều khoản trong Quyết định số 86/2010/QĐ-TTG ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Cụ thể: Hỗ trợ 1 tháng lương và phụ cấp cho mỗi năm làm việc thực tế; 6 tháng tiền lương và phụ cấp để tìm việc mới; 1 tháng tiền lương và phụ cấp cho mỗi tháng ngừng việc; 12 tháng tiền học nghề tại cơ sở đạo tạo dạy nghề.

Đảm bảo quyền lợi người lao động
Buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cty cùng một số ban, ngành với NLĐ

Sau cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của thành phố, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, ban lãnh đạo Cty đã có ý kiến đề xuất với HĐQT về việc hỗ trợ CBCNV để nhanh chóng ổn định sản xuất tại địa điểm mới. Căn cứ vào nghị quyết cuộc họp bất thường của HĐQT ngày 22/10, HĐQT đã thống nhất phương án hỗ trợ theo đề nghị của ban lãnh đạo Cty. Theo đó, những CBCNV đi theo Cty về địa điểm mới sẽ được hỗ trợ mỗi năm công tác 1 tháng lương, thời gian công tác tính theo thời gian làm việc thực tế tại Cty. Những CBCNV do điều kiện không thể đi theo Cty về địa điểm mới sẽ được trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 48, Bộ luật Lao động năm 2012, mỗi năm công tác được trợ cấp 1/2 tháng lương. Ngoài ra Cty hỗ trợ thêm 1/2 tháng lương cho mỗi năm công tác. Thời gian tính trợ cấp thôi việc và hỗ trợ là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người SDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia đóng BHTN theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người SDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.

Trao đổi với PV, bà Hoàng Thu Hồng (Phó chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội) cho biết: Công ty CP Dệt mùa Đông đã rất tích cực và rất thiện chí trong quá trình giải quyết chế độ cho NLĐ. Quá trình giải quyết đã thấu tình đạt lý, quyền lợi của NLĐ đã được đảm bảo. Riêng kiến nghị của tập thể lao động về chính sách hỗ trợ theo Quyết định 86/2010 QĐ-TTG ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phía doanh nghiệp và Công đoàn ngành cũng đã đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Về thời gian chi trả hỗ trợ, đối với CBCNV tiếp tục làm việc tại địa điểm mới chia làm 2 đợt: Đợt 1, chi trả 50% tiền hỗ trợ sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký và cam kết. Đợt 2, chi trả 50% số tiền còn lại sau 3 tháng kể từ ngày chi trả đợt 1. Đối với CBCVN không tiếp tục làm việc tại địa điểm mới, chi trả tiền hỗ trợ sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn xin đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 47, Bộ luật Lao động năm 2014. Theo bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt mùa Đông: Chúng tôi đã đề ra những phương án tối ưu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Công ty đã mời đại diện Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật của LĐLĐ TP Hà Nội cùng tổ chức tư vấn, đối thoại trả lời những thắc mắc, kiến nghị của NLĐ. Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ như đã thông báo. Ngoài ra, công nhân sẽ được xe đưa đón đi làm, thời gian đi làm sẽ được tính vào giờ làm việc… Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn không đồng tình. Đối với những trường hợp không nộp đơn đăng ký, cam kết, đơn xin đơn phương chấm dứt HĐLĐ và vi phạm nội quy của Cty, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Hoàng Duy

Giải Futsal nữ châu Á 2025: Futsal nữ Việt Nam trước thử thách mang tên Nhật Bản

Futsal nữ Việt Nam vừa khép lại vòng đấu bảng Giải Futsal nữ châu Á 2025 với vị trí nhất bảng B, sau trận hòa chiến thuật 0-0 đầy toan tính trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Iran. Kết quả này không chỉ thể hiện sự tính toán sâu sắc từ ban huấn luyện mà còn đặt ra một thử thách lớn ở vòng tứ kết: Đương kim Á quân Nhật Bản.

Phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm năm 2025: Kết nối thành công cung - cầu lao động

Với hàng ngàn chỉ tiêu tuyển dụng để người lao động có thể dễ dàng lựa chọn vị trí việc làm phù hợp, và ngược lại với sự tham gia tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh cũng như ứng tuyển của hàng ngàn người lao động, học sinh, sinh viên… tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng lựa chọn được những ứng viên tiềm năng, Phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm năm 2025 đã thực sự trở thành cầu nối để cung - cầu lao động gặp nhau.

Đánh bại Thể Công - Viettel 2-1, Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi nhóm cuối bảng

Trên sân Pleiku tối 11/5, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã tạo nên một cú sốc lớn tại vòng 22 V.League 2024/25 khi lội ngược dòng đầy kịch tính để giành chiến thắng 2-1 trước Thể Công - Viettel, đội bóng đang cạnh tranh chức vô địch. Kết quả này không chỉ giúp đội bóng phố núi vươn lên nhóm an toàn, mà còn khiến đội khách gần như chấm dứt hy vọng lên ngôi.

Tổ chức Công đoàn góp phần xây dựng huyện Thường Tín giàu đẹp

Trong thời gian qua, tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Thường Tín đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng cao; phát huy vai trò và có những đóng góp để góp phần lớn vào cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng quê hương, đất nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động

Trong những năm qua công tác tuyên truyền đã kịp thời truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tổ chức Công đoàn đến với người lao động huyện Thạch Thất, nhằm nâng cao nhận thức, cổ vũ động viên người lao động tích cực thi đua lao động, sản xuất, công tác, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Xem thêm