--> -->
Dòng sự kiện:

Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp

23/10/2024 16:06

Chia sẻ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất: Người có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2,25 triệu đồng ở khu vực nông thôn; dưới 3 triệu đồng ở khu vực thành thị được xác định là người có thu nhập thấp.
TP.HCM: Hơn 3 năm chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội Hà Nội đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp Phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng thu nhập

Đề xuất này được Bộ LĐTBXH nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, hiện đang được xây dựng. Trong đó, có bổ sung quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp.

Chưa triển khai được việc hỗ trợ học nghề cho người có thu nhập thấp

Bộ LĐTBXH cho biết ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đã xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm, để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp.

Tuy nhiên hiện nay, đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể, nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Theo báo cáo của 73 cơ quan bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai, do chưa có văn bản xác định cụ thể. Vì vậy, theo Bộ LĐTBXH, việc xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ, cơ sở thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, có 29 địa phương có văn bản kiến nghị; nhiều địa phương phản ánh, kiến nghị, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể về đối tượng người lao động có thu nhập thấp, để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

Đề xuất tiêu chí xác định người có thu nhập thấp

Tại dự thảo, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung điểm c1 vào khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình: Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 3 triệu đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4,17 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị là 6,26 triệu đồng/người/tháng. Mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người của hộ để làm căn cứ xác định người lao động có thu nhập thấp dự kiến của chính sách chỉ bằng 48-54% mức thu nhập bình quân năm 2023.

Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cũng cho thấy thu nhập bình quân đầu người một tháng trong kỳ 9 tháng năm nay ước đạt gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, trong đó thành thị đạt gần 6,7 triệu đồng/người/tháng, và nông thôn là gần 4,7 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2024 tăng 7,8%, cao hơn mức tăng thu nhập năm 2023 so với 2022 (tăng 6,2%).

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025, và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong khả năng bố trí ngân sách của trung ương và địa phương. Việc này bảo đảm đúng mục tiêu, tiết kiệm hiệu quả theo đúng quy định.

Quy định này sẽ đảm bảo việc hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc Chương trình, mà không làm phát sinh thêm ngân sách đã được phê duyệt. Tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp chỉ áp dụng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Quy trình rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp áp dụng theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó, tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề được áp dụng từ năm 2024 cho đến hết năm 2025, thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 kết thúc, không áp dụng các tiêu chí này để thực hiện hỗ trợ cho các năm từ 2021 đến năm 2023.

Bộ LĐTBXH tính toán, đề xuất trên nếu được thông qua sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (bổ sung quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp) dự kiến trình Chính phủ vào quý 1/2025.

P.Diệp

Nghị quyết số 68: Mở rộng cánh cửa tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp SME

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận vốn, đất đai và cơ hội thị trường, Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như “cú hích” thể chế mạnh mẽ, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Những thay đổi không chỉ đến từ nhận thức chiến lược, mà còn thể hiện quyết tâm tháo gỡ thực chất các nút thắt kéo dài trong môi trường pháp lý và hạ tầng.

Cần một chính sách công bằng và phù hợp hơn cho khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng rõ nét trong bức tranh tăng trưởng của Việt Nam, không chỉ về tỷ trọng đóng góp, mà còn là động lực cải cách, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự “cất cánh”, điều kiện tiên quyết là phải có một chính sách đủ bao trùm, công bằng và đúng hướng - nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc thể chế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho 22 hộ gia đình có đất nằm trong dự án

Báo Lao động Thủ đô phản ánh khó khăn của 22 hộ gia đình từng là công nhân Nông trường Đông Anh II khi nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sai tại ngã ba Kim nhưng không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ngay sau khi báo đăng, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội cho biết đã có báo cáo đề xuất Thành phố chấp thuận chính sách hỗ trợ khác đối với các hộ dân, bao gồm, hỗ trợ về đất và hỗ trợ về tài sản (nhà, công trình xây dựng trên đất).

Tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành giáo dục huyện Mỹ Đức

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mỹ Đức đã tổ chức tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2024 - 2025, đồng thời tuyên dương 42 tập thể và 25 cá nhân tiêu biểu trong khối giáo dục, khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành, chăm lo và động viên đội ngũ nhà giáo.
Xem thêm