--> -->
Dòng sự kiện:

Đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hiến ghép tạng

02/07/2024 14:25

Chia sẻ
Mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều trường hợp người bệnh không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn rất thấp so với các nước trên thế giới.
Y tế Việt Nam dần vươn tầm thế giới trong lĩnh vực ghép tạng Gần 120 bác sĩ xuyên đêm lấy tạng từ người cho chết não

95% nguồn tạng hiến là người cho sống

Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi... và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật, công nghệ ghép mô tạng, sánh ngang với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến tại Việt Nam, đặc biệt là từ người hiến đã chết hoặc chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng từ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tại Việt Nam mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới, chỉ có 6%, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ này lên đến từ 40-60%...

Đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hiến ghép tạng
Ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng trong ngành y tế. Ảnh: Minh Khuê

Phát biểu tại lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi giữa Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: Hiện nay nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới. Vì vậy, người dân đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời mang lại ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chỉ còn ghép tạng mới mang lại sự sống cho họ.

Theo bà Tiến, năm 2023 là năm Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca, nhưng 95% là từ người cho sống, chỉ có 5% người cho chết não, trong khi các nước có từ 80-95% nguồn tạng từ người cho chết não. Tạng của người chết ở Việt Nam chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử.

Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng cho biết thêm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ít nhất có 1.000 ca chết não tử vong/năm, đây cũng là bệnh viện vận động hiến tạng sau chết não tốt nhất cả nước, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Vì vậy, mô hình thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện là rất cần thiết. Nếu bệnh viện nào cũng có tổ tư vấn như các bệnh viện mô hình ở Tây Ban Nha (mỗi ngày có từ 2-3 ca hiến tạng, người 80 tuổi vẫn hiến tạng), thì trong tương lai, số người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam sẽ tăng cao.

Nhân rộng những tấm gương điển hình

Hiện mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện, trong đó có 24 bệnh viện ở miền Bắc, 29 bệnh viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn.Theo đó, việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, cũng như các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.

Vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức chương trình đào tạo về hiến, ghép tạng từ người chết não với sự tham gia của đông đảo cán bộ y tế trong bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thực hiện hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế về đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc cũng như triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não.

Cũng nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Công đoàn Y tế Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi.Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh việc vận động hiến tạng trong Công đoàn toàn ngành Y tế có ý nghĩa trong việc cứu sống thêm nhiều người bệnh.

Thời gian qua, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong ngành Y tế hiến tạng sau khi qua đời. Điển hình như trường hợp nữ điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh, Bệnh viện E sau khi chết não đã hiến tạng cứu sống 4 bệnh nhân trong đó có 1 người bệnh được ghép tim và 2 người được ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, 1 người được ghép gan ở Bệnh viện 108. Nữ điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh được Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", Công đoàn Y tế Việt Nam cũng tặng Bằng khen để tri ân và lan toả hành động nhân văn trong toàn ngành Y tế.

Từ trường hợp điển hình trên, bà Bình kêu gọi đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trên toàn quốc sẽ chung tay cùng Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trở thành những tấm gương nhân hậu, giúp ích cho đời ngay cả khi đã mất. Sự hiến tặng này chính là thể hiện tinh thần y đức, là thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển nền y học và kinh tế nước nhà.

Theo ký kết giữa 3 đơn vị, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam và Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về ý nghĩa nhân văn của việc hiến mô, tạng bộ phận người, từ đó tự nguyện đăng ký hiến. Ngoài ra, còn tổ chức tôn vinh, tri ân, huy động nguồn lực để động viên chăm lo cho người hiến sống và gia đình người hiến mô tạng sau chết não…Từ hành động này sẽ lan tỏa phong trào đăng ký hiến mô tạng cứu người nhân rộng đến toàn dân.

“Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: Hội đang đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sửa đổi một số điều trong Luật Hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia hiến máu nhân đạo thêm chức năng “hiến máu nhân đạo và hiến tạng”. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, mạng lưới tư vấn hiến tạng sau chết não và các chi hội vận động hiến tạng ở các bệnh viện sẽ phát triển, để số người hiến tạng sau chết não tăng cao, giúp nhiều người bệnh hiểm nghèo được ghép tạng và nối dài sự sống.

Minh Khuê

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông, không để đội vốn, tham nhũng

Về thực hiện các dự án của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu cơ bản với các dự án là không thay đổi, phải bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không kéo dài, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường...

Hà Nội triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc hoàn thiện Hiến pháp - văn bản pháp lý quan trọng nhất của quốc gia.

Nâng cao công tác An toàn vệ sinh lao động tại Sơn Tây

Thời điểm này, thị xã Sơn Tây đang đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa và tiến bộ. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp, Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay tại Sơn Tây được kỳ vọng tạo thêm động lực để công nhân, viên chức, lao động phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xem thêm