--> -->
Dòng sự kiện:

Giảm trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên: Cần nghiên cứu kỹ

07/05/2015 10:25

Chia sẻ
Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi đang được đưa ra thảo luận trong đó nội dung giảm trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người chưa thành niên (NCTN) được nhiều người quan tâm và có ý kiến trái chiều. Báo Lao động Thủ đô xin trích đăng  ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.
Đại diện của người chưa thành niên
Gia tăng tội phạm chưa thành niên

Ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp:

Vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS), BLHS hiện hành quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định này thì diện trẻ em phải chịu TNHS là khá rộng. Hơn nữa, thực tế cho thấy, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn là các trường hợp các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa… bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình…). Do đó, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Vì vậy, TNHS của các em cần giới hạn trong phạm vi tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể.

Giảm trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên: Cần nghiên cứu kỹ
Có nên giảm TNHS với trẻ vị thành niên ?. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, do vậy dự thảo BLHS đã đưa ra hai phương án để thảo luận (phương án 1: Người từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành.

TS. Đinh Thế Hưng - Trưởng phòng Tư pháp hình sự – Viện Nhà nước và pháp luật – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam:

Trước hết cần nhận thức, việc quy định độ tuổi chịu TNHS là 14 tuổi và 16 tuổi như hiện nay là phù hợp với tình hình tội phạm cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, phòng ngừa tội phạm đối với NCTN phạm tội không phụ thuộc hoàn toàn vào việc có áp dụng TNHS nghiêm khắc với họ hay không mà còn phụ thuộc vào tổng hợp các yếu tố khác, đó là trách nhiệm của xã hội, gia đình và nhà trường… Nói cách khác, xử lý nghiêm khắc chưa chắc đã có tác dụng bởi đặc thù của tội phạm của nhóm người này. Giải quyết vấn đề này BLHS đã có những quy định theo tôi là hợp lý thể hiện ở việc quy định cả một chương về TNHS đối với NCTN với các nguyên tắc, các biện pháp TNHS ...

TNHS nói chung và TNHS của NCTN là hậu quả pháp lý bất lợi mà một người phạm tội phải gánh chịu trước nhà nước. TNHS không đồng nhất với hình phạt, nói cách khác chịu TNHS không có nghĩa là chịu hình phạt. Bên cạnh hình phạt TNHS còn có các biện pháp tư pháp. NCTN phạm tội phải chịu TNHS nhưng hạn chế áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội. NCTN phạm tội có thể được áp dụng các hình thức TNHS khác như đưa vào trường giáo dưỡng, giáo dục tại xã phường, thị trấn….

Chính vì vậy, theo tôi vấn đề không nằm ở luật định mà nằm ở chỗ các cơ quan tư pháp vận dụng đúng đắn các quy định này chưa? Nếu vận dụng đúng đắn các quy định này thì chẳng những phòng ngừa tội phạm NCTN mà còn đảm bảo nguyên tắc nhân đạo, góp phần vào biện pháp đồng bộ giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay.

Ông Dương Kim Sơn - Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Với quy định của BLHS hiện nay:“Người từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” thì theo tôi, phạm vi chịu TNHS đối với NCTN là hơi rộng. Thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Viện KSND tối cao và Cục CSĐT tội phạm về TTXH thì cơ cấu tội phạm trong những năm gần đây cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của NCTN tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng. Trong đó, tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, tội giết người là 1,4% trong tổng số tội phạm do NCTN thực hiện. Còn những nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình; các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; các tội xâm phạm hoạt động tư pháp…thì số NCTN phạm tội những nhóm tội này hầu như không xảy ra.

Bên cạnh đó, trẻ em là tương lai của đất nước, là độ tuổi cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Tại khoản 1 điều 3 Công ước Liên hợp quốc về quyền con người năm 1989 nêu rõ: “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Chính vì vậy khi trẻ em phạm tội cũng cần được sự khoan dung, độ lượng của pháp luật để các em có cơ hội sửa chữa, làm lại cuộc đời, trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Do đó, pháp luật nên thu hẹp lại phạm vi chịu TNHS đối với trẻ em từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng: Người từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Quy định như trên không chỉ đúng với thực tiễn tội phạm ở nước ta mà còn phù hợp với xu hướng pháp luật chung của thế giới và quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

Võ Hoàng

Nâng cao công tác An toàn vệ sinh lao động tại Sơn Tây

Thời điểm này, thị xã Sơn Tây đang đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa và tiến bộ. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp, Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay tại Sơn Tây được kỳ vọng tạo thêm động lực để công nhân, viên chức, lao động phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bayern Munich vs M'Gladbach: Quyết không khoan nhượng

Trận đấu giữa Bayern Munich và Borussia Mönchengladbach diễn ra vào lúc 23h30 ngày 10/5 tại vòng 33 Bundesliga mang đến một bối cảnh trái ngược rõ rệt về mặt tâm lý và mục tiêu. Bayern Munich đã chính thức lên ngôi vô địch trước hai vòng đấu, trong khi M'Gladbach vẫn đang nuôi hy vọng, dù rất nhỏ, để giành vé tham dự cúp châu Âu mùa sau.
Xem thêm