--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển du lịch

19/05/2025 17:21

Chia sẻ
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống. Mỗi làng nghề có một nét đặc trưng, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hấp dẫn mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Do vậy, phát triển làng nghề bền vững gắn với văn hóa, du lịch đang là hướng đi được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn.
Bước đi then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa Thủ đô Tạo cơ hội phát triển hơn nữa cho văn hóa, du lịch của Thủ đô Tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng

Thu hút du khách quốc tế

Du lịch Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh như phát triển du lịch văn hóa di sản, du lịch làng nghề. Song song với du lịch di sản, du lịch làng nghề ngày càng được chú trọng đẩy mạnh cả ở khu vực nội thành và ngoại thành. Việc làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến, không chỉ bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề mà du khách còn được tham quan, hòa mình cùng nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm.

Đến làng nghề Đa Sỹ (quận Hà Đông), địa danh nổi tiếng về nghề rèn dao kéo thủ công truyền thống những ngày này, đâu đâu cũng vang tiếng máy mài, tiếng búa đập, bễ lò rèn đỏ lửa suốt đêm ngày. Tâm huyết với nghề và hướng tới phát triển bền vững, một số gia đình ở làng rèn Đa Sỹ đã gắn việc giữ gìn truyền thống với phát triển du lịch. Tiêu biểu trong đó có anh Lê Ngọc Lâm - chủ một cơ sở sản xuất có tiếng ở Đa Sỹ. Anh Lâm từng tốt nghiệp đại học và đã mạnh dạn bỏ nghề giám đốc “quần là áo lượt” để về quê làm nghề “tay đe, tay búa” lấm lem trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Hà Nội bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển du lịch
Anh Lê Ngọc Lâm hướng dẫn khách nước ngoài trải nghiệm chế tác dao.

Anh Lâm chia sẻ, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng cho đến thời điểm này, anh không phải ân hận về lựa chọn của mình. Hiện tại, anh không những nuôi sống được gia đình, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác. Và điều khiến anh vui nhất, là anh có được tình yêu, tâm huyết với công việc mình đang làm.

Theo anh Lâm, việc kết hợp giữa nghề truyền thống và du lịch là một hướng đi mới mẻ, không chỉ quảng bá văn hoá làng nghề Việt Nam mà còn mang lại cho du khách một trải nghiệm trọn vẹn, khác biệt.

“Chúng tôi muốn không chỉ giữ gìn nghề rèn truyền thống mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra những sản phẩm thủ công đặc biệt. Vào những dịp lễ, Tết, lượng khách quốc tế tới tham gia trải nghiệm rất đông. Mọi người đều rất thích thú khi được cầm búa và tham gia vào công đoạn rèn dao”, anh Lâm cho biết.

Hà Nội bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển du lịch
Làng nghề Đa Sỹ mỗi ngày vang tiếng máy mài, tiếng búa đập.

Bên cạnh khách quốc tế, làng nghề Đa Sỹ còn trở thành điểm đến yêu thích của những ai muốn khám phá văn hóa nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Năm 2024, xưởng rèn Lê Lâm đã thu hút hơn 500 lượt khách từ trong lẫn ngoài nước, thuộc mọi lứa tuổi. Trong 4 tháng đầu năm 2025, mỗi ngày có trung bình khoảng 5-7 lượt khách nước ngoài tới xưởng rèn trải nghiệm.

Không giấu nổi sự háo hức khi được tham gia vào quy trình chế tác dao tại làng rèn Đa Sỹ, anh Bryan - một du khách người Đức cho hay: “Nghề rèn rất khổ cực nhưng tôi thấy những người thợ luôn thân thiện tươi cười. Ông chủ cơ sở sản xuất còn trực tiếp hướng dẫn cho đoàn khách của chúng tôi thông tin về sản phẩm và giúp chúng tôi thực hiện một số công đoạn trong quá trình sản xuất. Chúng tôi cũng có thể khắc tên mình lên sản phẩm để lưu niệm. Nhất định lần sau tôi sẽ quay lại và mang theo nhiều bạn bè tới trải nghiệm”.

Phát huy thế mạnh nội tại, đẩy mạnh phát triển du lịch

Tại Hà Nội, nhắc tới làng nghề nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch không thể không nhắc tới Bát Tràng (huyện Gia lâm). Theo tìm hiểu, xã Bát Tràng hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ, giải quyết cho hơn 8 vạn lao động mỗi ngày. Bên cạnh việc đón nhận lượng lao động lớn Bát Tràng còn đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm.

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cho biết, Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá đã khẳng định Hà Nội sẽ đi đầu trong công nghiệp văn hóa của cả nước và làng nghề là một trong năm trụ cột trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đây là cơ hội vàng cho làng gốm cổ truyền Bát Tràng trên tinh thần đoàn kết của 19 dòng họ trong làng gốm cổ cùng nhau xây dựng “Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng” trên nguyên tắc người dân là chủ sở hữu, là chủ thể vận hành và người dân tự hưởng lợi.

Hà Nội bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển du lịch
Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá là cơ hội vàng cho làng gốm cổ truyền Bát Tràng.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, đầu năm 2024, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt phối hợp với Ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng đã mời các chuyên gia hàng đầu về bảo tàng sinh thái tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa để xây dựng Đề án thiết lập mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng.

“Hơn một năm qua, chúng tôi đã tiến hành các hoạt động báo cáo xin ý kiến các cấp về Dự thảo Đề án. Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị giới thiệu về mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng tới các đối tượng như chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu văn hoá, lịch sử, đặc biệt là cộng đồng dân cư làng Bát Tràng.

Khảo sát nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của dân làng tham gia vào hoạt động phát triển du lịch của Bát Tràng. Thành lập Hội đồng tư vấn và các Nhóm chuyên gia tư vấn chuyên sâu các lĩnh vực: Kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, du lịch, truyền thông, trùng tu và tôn tạo di tích; vận hành - tài chính kế toán để triển khai thực hiện Đề án”, bà Hà Thị Vinh cho biết.

Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, thời gian qua, làng nghề Bát Tràng đã phối hợp với các công ty công nghệ triển khai du lịch 4.0, số hóa toàn bộ các dữ liệu về điểm di tích, tour du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn, giới thiệu làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ, phủ sóng wifi miễn phí tại 19 điểm tham quan tập trung đông khách du lịch, tiến tới phủ sóng trong toàn bộ xã…

Cùng với đó, xã Bát Tràng cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân để thuyết minh hướng dẫn du khách đến tham quan. Ngoài ra, xã cũng đã khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng, ra mắt các doanh nghiệp du lịch địa phương; tổ chức hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng…

Với bước chuyển mình từ các làng nghề như tại Hà Đông, Gia Lâm… phần nào đã cho thấy, sự chuyển biến này đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế làng nghề. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến du lịch làng nghề truyền thống hấp dẫn, thu hút du khách, thì các địa phương cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các sản phẩm dịch vụ ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống nông thôn. Đồng thời, xây dựng kết nối tour, tuyến với điểm đến du lịch của các địa phương lân cận nhằm tăng tính hiệu quả, trải nghiệm và kết nối. Qua đó, đưa mô hình phát triển du lịch làng nghệ đạt hiệu quả tối ưu nhất, qua đó vừa phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Lê Thắm

Messi đối đầu Yamal: Khúc giao mùa giữa hai thế hệ bóng đá

Tháng 3/2026, bóng đá thế giới đứng trước một khoảnh khắc thiêng liêng và giàu biểu tượng: Lionel Messi, huyền thoại sống của bóng đá đương đại, nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên chạm trán với Lamine Yamal, ngôi sao trẻ sáng giá bậc nhất thế giới hiện tại - trong trận Finalissima Liên lục địa giữa đội tuyển Argentina và Tây Ban Nha.

Cao điểm truy quét hàng giả, hàng lậu trên phạm vi toàn quốc

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17/5/2025 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới trên phạm vi toàn quốc.

Bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, trong đó có Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên.

Quận Hoàn Kiếm khen thưởng 25 tập thể, 14 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

Sáng 19/5, Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổng kết Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V năm 2025.
Xem thêm