--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội mùa sấu chín

11/08/2016 13:43

Chia sẻ
Hà Nội vào thu có biết bao thức quà như cốm Vòng, quả hồng đỏ, chả rươi… Nhưng có lẽ với nhiều người, thứ khiến họ nhớ nhất lại là sấu chín. Những trái sấu chín vàng, căng mọng được gọt vỏ, khía thành vòng, chấm muối ớt là đặc sản của mùa thu Hà Nội, khiến ai đi xa cũng nhớ nao lòng.
tin nhap 20160811105837 Hoài niệm cửa hàng thuê truyện cũ
tin nhap 20160811105837 Dấu ấn thu Hà Nội

Khi thời tiết bắt đầu chớm thu, những cơn gió heo may sáng sớm thoảng qua da thịt thì cũng là thời điểm báo hiệu mùa sấu chín đã về. Chẳng biết tự bao giờ, những hàng sấu già lặng lẽ đã trở nên quá đỗi thân thuộc với tất cả những con người Hà Nội.

Chỉ là loài cây trồng làm bóng mát, song cây sấu còn có một giá trị là cung cấp quả cho con người - thứ quả có thể dùng để nấu, luộc rau ăn có vị chua mát hoặc chế biến thành món giải khát sấu đá và ăn khi nó đã chín vàng thì thật là tuyệt vời, khó quên.

tin nhap 20160811105837

Hà Nội có nhiều con phố trồng sấu, nhưng đặc trưng nhất phải kể đến các phố Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo…Cây rất cao, tán lá dày, nên khó thấy những quả sấu chín vàng. Nhưng với những người làm nghề hái sấu chỉ cần bỏ ra nửa buổi, họ có thể thu về cả bao tải sấu chín.

Anh Đức (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đến mùa sấu chín là mang đồ nghề gồm cái sào dài có gắn rọ ở đầu và bao tải đi mót sấu trên các con phố Hà Nội. Anh kể: “Ngày xưa, bố tôi trồng 4 cây sấu trong vườn. Ông bảo các con sau này trông vào mấy cây sấu để dưỡng già. Trong số cây ấy có một cây sấu Đường. Chỉ có sấu Đường khi chín mới thơm ngọt, đậm đà còn các loại khác vẫn chua lắm. Khi cây cho quả sai trĩu cành, ông bán cho thợ 3 cây, họ tự hái lấy quả. Còn cây sấu Đường, ông để lại cho các con. Khi thu về có gió heo may, sấu chín vàng lấp ló sau tán lá, anh em tôi đi học về lại trèo lên cây, mang cả dao lên gọt sấu chín ăn no rồi mới xuống. Ăn không hết, tôi lại hái rồi đem ra Hà Nội bán, dành tiền mua quần áo vào năm học mới”.

Chính vì đã quen với việc leo trèo hái sấu, chỉ trong vòng một buổi chiều, anh Đức có thể hái được cả bao tải sấu, bán hết veo chưa đầy tiếng đồng hồ.

Sấu chín ở chợ được bán với giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Nếu đã được gọt sẵn vỏ thì sẽ phải thêm 5.000 - 10.000 đồng tiền công. Dù với giá không hề rẻ, nhưng mặt hàng sấu chín vẫn luôn thu hút người mua, đặc biệt là giới nữ.

Sấu chín rộ nhất vào khoảng cuối tháng 8 sang tháng 9 dương lịch. Đó là lúc những bà, những mẹ quẩy gánh sấu chín đầy ăm ắp vào khắp các phố, các chợ lớn, nhỏ của Hà Nội. Trái sấu chín vàng ươm, mỡ màng không còn vị chua chát của trái sấu non mà thay vào đó là thứ vị ngọt thanh, chua nhẹ rất dễ chịu. Vì thế, sấu chín không dùng nấu canh chua hoặc ngâm nước giải khát được như sấu xanh, mà được trộn với đường, muối ớt tạo nên món sấu dầm - thức ăn vặt được cánh các chị em ưa chuộng bậc nhất. Bởi chỉ cần cắn một miếng sấu nhỏ là đã thấy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn tan trong miệng.

Bạn Hà Chi (cựu học sinh Trường Phan Đình Phùng, Hà Nội) hoài niệm kể: “Trước học Trường Phan Đình Phùng, sáng nào đi học tới đầu phố mình cũng dắt xe đi bộ dưới hàng cây sấu để cố tìm cho mình những quả sấu chín rơi trên vỉa hè. Không thể quên được những lần sấu chín rụng rơi vào đầu rồi lăn lăn dưới đất, mình vội chạy theo nhặt lên quẹt quẹt vào áo và cắn ăn ngon lành. Sáng sớm mùa thu đi dọc phố mà ăn sấu chín thật là những kỷ niệm nhớ mãi của tuổi học trò”.

Có lẽ cũng chính vì những điều giản dị như thế, người ta không thể quên câu hát “trái sấu chín lăn lăn trên hè” trong bài “Hà Nội những năm 2000” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Trái sấu chín nhỏ, tròn, có màu vàng ươm chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm của những người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Khi tiết thu man mác tràn về cũng là lúc gánh sấu chín đầy ắp xuất hiện trên các đường phố ở Hà Nội.

Thời gian trôi đi, nhiều người đã đi xa Hà Nội, nhưng người ta cứ nhớ về mùa sấu chín như trong câu hát “Anh muốn bây giờ hóa cánh chim bay/ Ra nhặt sấu giữa phố phường Hà Nội/ Cho hai đứa mình xòe tay chấm muối/ Có sao đâu, dù mùa sấu đã đi qua…”.

Phương Bùi

Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm, khảo sát làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, chuyến thăm, khảo sát di tích lịch sử văn hóa và làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập là cơ hội quý báu để Hà Nội học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc gìn giữ di sản văn hóa và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, đồng thời là bước đi cụ thể tăng cường hoạt động đối ngoại Nhân dân.

Cần đảm bảo các chế độ đặc thù cho ngành Y tế Thủ đô

Ngành Y tế, với tính chất đặc thù, cần được đảm bảo các chế độ đặc biệt dành cho người lao động như tiền trực, chế độ bồi dưỡng tại chỗ và điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề. Điều này nhằm nâng cao đời sống, động viên tinh thần và đảm bảo sự ổn định cho lực lượng y tế, vốn đang đối mặt với nhiều áp lực và thách thức.
Xem thêm