--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội: Nhiều ngành nghề tăng nhu cầu tuyển dụng

21/05/2025 19:20

Chia sẻ
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian tới, thị trường lao động Thủ đô có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế - xã hội trong khu vực và trên toàn cầu. Mặc dù vậy, một số ngành như y tế - chăm sóc sức khỏe; công nghệ thông tin; dịch vụ du lịch, lữ hành vẫn tăng nhu cầu tuyển dụng.
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025 Trên 50% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ đại học Gần 1.700 chỉ tiêu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông

Báo cáo thị trường lao động Hà Nội được phát hành mới đây nhất của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tháng 4/2025, ước tính nhu cầu tuyển dụng trên toàn Thành phố khoảng 55,6 nghìn vị trí, cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì kế hoạch nhân sự, dù phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế.

Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 8.291 việc làm trống của hơn 1.500 doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận thấy lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong nhu cầu tuyển dụng, dù có sự điều chỉnh so với tháng trước.

Trong đó, nhóm ngành hoạt động dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, với 61,53% (giảm 11,12% so với tháng trước); tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 12,71% (giảm 1,17%), xây dựng chiếm 12,25% (tăng 7,51%), giáo dục và đào tạo chiếm 4,41% (tăng 3,62%)... Doanh nghiệp trong lĩnh vực này có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí phố biến như: Nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, và kỹ thuật viên lắp đặt - bảo trì dịch vụ. Sự sôi động của lĩnh vực thương mại - dịch vụ phản ánh nhu cầu tiêu dùng đang dần hồi phục và phát triển theo hướng đa kênh, trong đó thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần (logistics) ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Hà Nội: Nhiều ngành nghề tăng nhu cầu tuyển dụng
Phỏng vấn tuyển dụng việc làm tại phiên giao dịch việc làm quận Ba Đình năm 2025.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng qua, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng các nhóm nghề: Nhân viên dịch vụ và bán hàng, vị trí thợ/công nhân kỹ thuật, chuyên viên nghiệp vụ/kỹ thuật viên. Đáng chú ý, cơ cấu nhu cầu tuyển dụng theo yêu cầu trình độ có sự thay đổi trong tháng qua. Theo đó, dù các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 38,91%, song giảm 11,52% so với tháng trước.

Tiếp đến là lao động phổ thông, chiếm 19,71% tổng nhu cầu tuyển dụng (tăng 4,79% so với tháng trước); công nhân kỹ thuật không bằng chiếm 16,02% (tăng 5,38% so với tháng trước)... Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận xét: Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật không bằng cấp trong các doanh nghiệp tăng đáng kể so với tháng trước, phản ánh sự phục hồi và mở rộng sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Vũ Quang Thành cho biết thêm: Về mức lương, các doanh nghiệp chủ yếu chi trả cho người lao động từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm 56,9% tổng số nhu cầu tuyển dụng). Đây là mức lương phổ biến cho các vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, lái xe taxi, xe tải, công nhân xây dựng… tiếp đến là mức lương 10 - 20 triệu đồng, dành cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao hơn, như kế toán, quản lý bán hàng và tiếp thị, kỹ sư xây dựng…

Việc làm ở các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng

Về phía người lao động, trong tháng 4/2025, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 39,6 nghìn người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Các yếu tố kinh tế như xung đột địa chính trị và chính sách thuế quan của Hoa Kỳ khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, phải cắt giảm nhân sự, hoặc dừng hoạt động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã khảo sát, thu thập thông tin 3.016 hồ sơ tìm việc của người lao động, cho thấy mức lương mong muốn của người tìm việc chủ yếu ở phân khúc phổ thông, từ 5 - 10 triệu đồng, chiếm 84,81%, từ 10 - 20 triệu đồng chiếm 10,61%, mức lương trên 20 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 1%... Người lao động tìm việc chủ yếu tập trung ở nhóm từ 35 - 54 tuổi, chiếm 49,5% (giảm 1,2% so với tháng trước); theo sau là nhóm từ 25 - 34 tuổi chiếm 41,17% (tăng 1,8%)...

Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tập trung vào các nghóm nghề như: Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; lao động giản đơn, và nhân viên trợ lý văn phòng. Đây là các vị trí không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, phù hợp với số đông người lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp. Trong khi đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo, chiếm 41,68%, vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng; công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ nghề.

Về triển vọng thị trường lao động trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thị trường lao động Thủ đô trong tháng 5 và thời gian tới được dự báo tăng trưởng chậm lại, do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế - xã hội trong khu vực và trên toàn cầu. Đặc biệt, dù có sự tăng trưởng chung, các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ (như dệt may, điện tử, đồ gỗ...), tiềm ẩn nhiều rủi ro từ chính sách thuế quan. Việc áp thuế có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, thu hẹp đơn hàng, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất. Điều này trực tiếp đe dọa việc làm của người lao động trong các ngành này, có thể dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng mới, cắt giảm giờ làm, thậm chí là sa thải lao động.

Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vẫn dự báo: Một số ngành vẫn có nhu cầu nhân lực cao như y tế - chăm sóc sức khoẻ, tăng trưởng 4%; công nghệ thông tin tăng 3,5%; dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%... mở ra cơ hội việc làm phong phú cho người lao động.

Phạm Diệp

Chung kết Cúp Đông Nam Á: CLB Công an Hà Nội gục ngã sau loạt luân lưu

Trận chung kết đầy cảm xúc và kịch tính giữa Buriram United và CLB Công an Hà Nội (CAHN) đã khép lại với cái kết cay đắng dành cho đại diện Việt Nam sau loạt luân lưu cân não. Đây là một màn trình diễn đầy rượt đuổi tỷ số, những khoảnh khắc bùng nổ cá nhân, nhưng cũng phơi bày những sai lầm đáng tiếc, để lại nhiều suy ngẫm cho người hâm mộ và cả hai đội bóng.

“Nhờ Công đoàn, gia đình tôi không còn phải thuê trọ”

Đón nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng “Mái ấm Công đoàn” từ lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, chị Dương Thị Xuyến - đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) xúc động bày tỏ “nhờ Công đoàn, gia đình tôi không còn phải thuê trọ”.
Xem thêm