--> -->
Dòng sự kiện:

Hướng đi mới cho nghề sản xuất hương đen

12/01/2021 09:27

Chia sẻ
Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề làm hương lâu đời, từ phương thức làm hương cổ truyền, người dân nơi đây đã tạo ra những nén hương có màu đen tự nhiên, khi thắp lên tỏa hương ấm áp, thanh khiết, mang đậm nét trầm mặc cội nguồn. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay những người con của quê hương vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.
Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam được đẩy mạnh quảng bá Làng nghề tăm hương hối hả vào vụ Tết

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương và tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm. Ban đầu nghề chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng nhưng vài năm trở lại đây nghề đã được mở rộng ra các thôn còn lại của xã như: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.

Hướng đi mới cho nghề sản xuất hương đen
Ông Thi cho biết công đoạn phơi hương phải lựa theo nhiệt độ thời tiết để phơi, tạo nên độ khô vừa phải

Vốn chỉ xuất phát là nghề phụ, làm khi nông nhàn nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề sản xuất tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút khoảng 70% số hộ dân tham gia. Nghề làm hương được sản xuất quanh năm nhưng vào dịp cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn.

Về xã Quảng Phú Cầu vào những ngày này, trên khắp con đường đều thoang thoảng mùi hương thơm ngào ngạt. Đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh người người, nhà nhà đang tập trung cao độ sản xuất tăm hương cho vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Hàng ngàn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa, tạo thành một con đường hoa đủ sắc màu. Mọi con đường lớn nhỏ ở xã đều đỏ rực chân hương, tăm hương, ô tô xe máy tấp nập ra vào lấy hàng. Bà Như Thị Nhi, công nhân có nhiều năm làm nghề chẻ tăm hương cho biết: Những ngày này, ở các xưởng mọi người tập trung ngồi chẻ vầu, tấp nập, đông vui như hội. Tết càng đến gần, mọi người làm càng khẩn trương. Có những hôm để kịp đơn hàng đặt của khách công nhân phải làm tăng ca để kịp sản phẩm.

Theo bà Nhi, để làm tăm hương phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, vầu được pha thanh, sấy (phơi) khô rồi được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp. Tiếp theo, chúng được đem đi phân lớp, những que tăm chất lượng thì được mang đi nhuộm chân hương rồi phơi khô. Sản phẩm tăm hương được bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành để se hương thành phẩm, phân phối tại các thị trường trong, ngoài nước.

Cùng với nghề chẻ tăm hương, trước đây xã Quảng Phú Cầu còn nổi tiếng với nghề làm hương đen, theo sử sách của chính quyền địa phương và các cụ truyền lại, nghề làm hương đen thôn Xà Cầu đã có từ hàng nghìn năm, sau này chính quyền địa phương và dân làng đã khôi phục lại nghề truyền thống, năm 2003 được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) cấp bằng làng nghề.

Nhưng ngày nay trong làng rất ít hộ còn duy trì nghề, bởi giá trị kinh tế đem lại không cao, người dân bỏ nghề làm những công việc khác. Khi nghề truyền thống của làng đang dần bị lãng quên, không đành lòng nhìn nghề của cha ông bị mai một, nhận thấy để có thể phát triển bền vững và lâu dài cần phải xây dựng thương hiệu hương đen của vùng. Theo đó, năm 2016 ông Nguyễn Tiến Thi cùng với các thành viên góp vốn thành lập Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu với 12 thành viên. Theo đó Hợp tác xã sản xuất hương đen mang thương hiệu Thủy Xuân Tiên, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là sản phẩm tin cậy, có thể truy xuất nguồn gốc, đăng ký số mã vạch trước khi được chuyển đến các nhà phân phối, đại lý, hệ thống siêu thị...

Mặc dù hiện nay sản phẩm hương của Hợp tác xã đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng để sản phẩm được phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của Hợp tác xã thì rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp: “Càng gần Tết nguyên đán, lượng tiêu thụ hương tăng cao hơn, thời điểm này Hợp tác xã đang tập trung sản xuất để phục vụ thị trường Tết, năm nay dự kiến cung cấp khoảng 30 tấn hương, phục vụ chủ yếu thị trường trong nước. Chúng tôi luôn chú trọng đổi mới mẫu mã, sản phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay ở địa phương chưa mở rộng khu công nghiệp do đó mặt bằng sản xuất của Hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó chúng tôi đã đăng ký sản phẩm hương đen của Hợp tác xã tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), do đó rất mong chính quyền các cấp xem xét, chấm điểm cho sản phẩm, nếu được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm hương đen của Hợp tác xã sẽ có cơ hội mở rộng thêm các thị trường tiềm năng”, ông Thi bày tỏ. /.

Nguyễn Hoa

Người thợ gò hàn nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề

Xuất phát điểm là công nhân gò hàn, với tinh thần “không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo” anh Vương Như Thao được giao nhiệm vụ Phó ca sản xuất của Xưởng cơ khí Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội). Dù ở bất cứ vị trí làm việc nào, anh Thao cũng luôn tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo làm lợi cho Công ty và là tấm gương sáng được nhiều đồng nghiệp yêu quý và kính trọng.

Cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn để phòng, chống lừa đảo trực tuyến

Năm 2024 thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước khoảng 18.900 tỷ đồng. Các chuyên gia cảnh báo trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về an ninh mạng. Lừa đảo trực tuyến không chỉ gây thiệt hại kinh tế của người dùng mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động, ảnh hưởng tới chương trình chuyển đổi số quốc gia, do đó cần những biện pháp ứng phó hiệu quả hơn.

Độ tuổi được chọn làm lãnh đạo xã, phường mới ở Hà Nội

Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), lần đầu chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội.

Gắn kết trường nghề, doanh nghiệp và thị trường lao động

Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 đã tạo cầu nối hiệu quả giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về định hướng nghề nghiệp, tiếp cận cơ hội học tập và việc làm phù hợp…
Xem thêm