-->
Dòng sự kiện:

Khi công đoàn “lên mạng”: Cô giáo mầm non cũng thành “chuyên gia số”

25/04/2025 18:18

Chia sẻ
Chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ trong khối hành chính sự nghiệp, nhưng ở các trường mầm non, nơi hằng ngày cán bộ công đoàn phải “gõ cửa trái tim” các cô giáo bằng sự thấu cảm, sáng tạo và linh hoạt, thì chuyển đổi số lại mang một ý nghĩa khác: Nhẹ nhàng, thiết thực, giúp “giảm tải” và “tăng yêu”. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô Phạm Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non B thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để lắng nghe câu chuyện “bình dân học vụ số” đầy cảm hứng.
Đánh giá hiệu quả tuyên truyền pháp luật, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động Cán bộ công đoàn thời 4.0: Không chỉ nhiệt huyết, mà cần cả kỹ năng số Đoàn viên huyện Quốc Oai nhận hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn”

​​​​​Phóng viên: Cô có thể chia sẻ về động lực khiến Công đoàn nhà trường quyết tâm áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động công đoàn, trong khi đặc thù ngành Mầm non vốn đã rất bận rộn?

​​​Cô Phạm Thị Tuyết: Tôi nghĩ chính vì ngành Mầm non quá đặc thù, quá bận rộn - nên chuyển đổi số càng cần thiết. Các cô giáo ở đây dạy trẻ từ sáng sớm đến chiều muộn, lại thường xuyên mang việc về nhà. Nếu mọi thông tin hoạt động công đoàn vẫn phát động bằng văn bản giấy, họp hành đông đủ thì rất khó thực hiện hiệu quả.

Chúng tôi bắt đầu đơn giản thôi: Lập nhóm Zalo của toàn thể công đoàn viên, tạo fanpage Facebook riêng của trường để đăng tin hoạt động, và sau đó là một góc công đoàn trên website trường - nơi cập nhật kế hoạch, tin tức, các phong trào thi đua. Dần dần, nó trở thành một “thói quen tích cực” giúp các cô không bị lỡ thông tin mà cũng không mất thời gian họp hành.

Khi công đoàn “lên mạng”: Cô giáo mầm non cũng thành “chuyên gia số”
Cô giáo Phạm Thị Tuyết.

*Vậy chuyển đổi số đã giúp ích gì cho công tác giảng dạy và đời sống của các cô giáo mầm non?

-Điều đáng mừng nhất là tinh thần “chủ động sáng tạo” của các cô tăng lên rõ rệt. Trước đây, nhiều cô ngại công nghệ, nhưng khi Công đoàn thường xuyên chia sẻ tài liệu, mẫu video dạy học hay kinh nghiệm tổ chức góc học tập qua mạng, thì các cô thấy công nghệ không quá khó, thậm chí còn “vui” nữa.

Tôi nhớ có cô giáo nói: “Em nghĩ mình không bao giờ biết làm video, giờ thì tuần nào cũng quay bài dạy, chia sẻ cùng đồng nghiệp”. Những điều đó tạo thành vòng tròn tích cực: Công đoàn làm “cầu nối”, cô giáo tự tin hơn, học sinh được hưởng lợi.

Ngoài ra, vì thông tin nhanh, ngắn gọn và rõ ràng trên các nền tảng số, nên các cô tiết kiệm được rất nhiều thời gian - thời gian đó được dành cho bản thân, cho con cái, cho những phút nghỉ thật sự sau giờ lên lớp.

*Có khó khăn nào trong quá trình thực hiện không, nhất là khi các cô giáo không phải ai cũng rành công nghệ, thưa cô?

-Khó khăn thì không thiếu. Nhiều cô giáo lần đầu tạo Facebook, Zalo còn chưa biết cách bật thông báo, chưa quen chia sẻ bài viết, ảnh hoạt động. Nhưng chính sự sát sao, kiên nhẫn của Công đoàn đã giúp vượt qua.

Khi công đoàn “lên mạng”: Cô giáo mầm non cũng thành “chuyên gia số”
Nhà trường tổ chức cho đoàn viên, giáo viên học các công cụ hỗ trợ AI.

Chúng tôi tổ chức các buổi hướng dẫn nhỏ ngay tại trường, chia nhóm theo độ tuổi - những cô trẻ hướng dẫn các cô lớn tuổi. Và điều kỳ diệu là, các cô lớn tuổi học rất nhanh - không vì bắt buộc mà vì họ thấy mình không bị bỏ lại phía sau.

Có cô đã ngoài 50 tuổi, sau một buổi hướng dẫn đã gửi ảnh dự thi phong trào “Lớp học Xanh” qua Zalo cùng lời nhắn: “Tôi làm được rồi này!”, chỉ thế thôi cũng khiến tôi rưng rưng.

*Theo cô, Công đoàn cần làm gì để chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà thật sự trở thành văn hóa trong môi trường mầm non?

-Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là sự lắng nghe và kiên trì đồng hành. Không nên ép buộc giáo viên “phải biết công nghệ”, mà hãy làm cho họ thấy công nghệ là “người bạn hỗ trợ”, không thay thế cảm xúc, nhưng làm cho mọi thứ dễ dàng hơn.

Công đoàn phải là nơi đầu tiên ứng dụng công nghệ hiệu quả, rồi lan tỏa tinh thần đó qua những việc nhỏ: Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc lớp tôi”, phát động phong trào online, khen thưởng qua mạng... Tất cả tạo nên văn hóa số nhẹ nhàng, gần gũi, phù hợp với môi trường mầm non.

Khi công đoàn “lên mạng”: Cô giáo mầm non cũng thành “chuyên gia số”
Phong trào "bình dân học vụ số" tại trường Mầm non B rất sôi nổi.

*Điều gì khiến cô cảm thấy tự hào nhất trong hành trình chuyển đổi số của Công đoàn trường Mầm non B?

-Tôi tự hào nhất khi thấy ánh mắt các cô giáo rạng rỡ sau mỗi phong trào thành công, không vì được thưởng, mà vì được công nhận.

Tôi tự hào khi nhận được tin nhắn lúc 10 giờ đêm từ một cô giáo: “Chủ tịch ơi, em vừa làm xong bài giảng PowerPoint có nhạc nền, mai em chiếu thử cho trẻ xem nhé”. Những câu chuyện như thế làm tôi tin rằng, chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng ồn ào mà là sự thay đổi âm thầm nhưng bền vững, bắt đầu từ lòng tin và sự thấu hiểu.

* "Bình dân học vụ số” đang trở thành phong trào giúp đưa công nghệ đến gần hơn với người dân. Cô đánh giá thế nào về ý nghĩa của phong trào này đối với giáo dục mầm non?

-Với ngành Mầm non, nơi có đông đảo giáo viên nữ, độ tuổi trải rộng và điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế, thì chương trình này chẳng khác nào một cây cầu nối từ sự lúng túng đến tự tin, từ hoang mang với công nghệ đến chủ động ứng dụng trong công việc và đời sống.

Tôi tin “bình dân học vụ số” không chỉ mang lại kỹ năng, mà còn khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thế hệ. Trong môi trường mầm non, khi cô giáo chủ động với công nghệ thì không chỉ hoạt động công đoàn thuận lợi hơn, mà bài giảng, lớp học, sự kết nối với phụ huynh cũng tốt hơn rất nhiều.

*Xin cảm ơn cô.

Bảo Thoa (thực hiện)

Quy định mới về việc phát hành chứng chỉ tiền gửi

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2025/TT-NHNN quy định việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/6/2025.

Thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề

Một trong những quyền lợi của lao động thất nghiệp là được đào tạo, dạy nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít người lao động đã thờ ơ với quyền lợi này. Do đó, việc tăng cường các giải pháp để thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chuyển đổi công việc, đảm bảo sinh kế lâu dài là điều các cơ quan chức năng đang thực hiện...

Las Palmas vs Rayo Vallecano: Một trận cầu, hai định mệnh

Cuộc đối đầu giữa Las Palmas và Rayo Vallecano diễn ra lúc 2h00 ngày 10/5 ở vòng 35 La Liga mang ý nghĩa sinh tử cho đội chủ nhà, trong khi đội khách cũng không thể chủ quan nếu muốn tiếp tục nuôi hy vọng giành vé dự cúp châu Âu. Cả hai đội đều đang trải qua giai đoạn cuối mùa đầy áp lực với phong độ không mấy thuyết phục, và kết quả trận đấu này có thể định hình nhiều số phận.

Nhận định Fiorentina vs Betis: Quyết chiến giữ thành, mơ gây địa chấn

Vào lúc 2h00 ngày 9/5, sân vận động Artemio Franchi sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý khi Fiorentina tiếp đón Real Betis trong trận bán kết lượt về UEFA Conference League 2024/25. Với hành trang là thất bại 1-2 ở trận lượt đi trên đất Tây Ban Nha, “Viola” đang đứng trước một thử thách không nhỏ để hiện thực hóa giấc mơ lần thứ ba liên tiếp góp mặt ở trận chung kết giải đấu này.
Xem thêm