--> -->
Dòng sự kiện:

Thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề

08/05/2025 08:20

Chia sẻ
Một trong những quyền lợi của lao động thất nghiệp là được đào tạo, dạy nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít người lao động đã thờ ơ với quyền lợi này. Do đó, việc tăng cường các giải pháp để thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề, chuyển đổi công việc, đảm bảo sinh kế lâu dài là điều các cơ quan chức năng đang thực hiện...
Tín hiệu tích cực của thị trường lao động Việt Nam quý I/2024 Đề xuất bổ sung thêm 2 chế độ bảo hiểm cho người lao động thất nghiệp Đại biểu lo ngại thanh niên thất nghiệp cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ chung

Tăng thu nhập nhờ học nghề

Sau hơn 20 năm làm việc tại một công ty thiết bị y tế, do tình hình hoạt động khó khăn, nên năm 2021 chị Nguyễn Thị Hải An (phường Định Công, quận Hoàng Mai) đã quyết định xin nghỉ việc. Trong quá trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị An biết đến chính sách học nghề và đã đăng ký học nghề Kỹ thuật nấu ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Sau đó, chị áp dụng những kiến thức đã học hỗ trợ con gái làm các loại bánh bán hàng online (trực tuyến), số đơn hàng đặt qua các ứng dụng online mà chị nhận được tăng vọt. Giờ đây, chị Hải An đã có gian hàng “Hộp đủ chất” với hơn 20 món súp, salat, xá xíu, cơm Nhật... trên 3 kênh bán hàng online là Grab, Shopee, Be. Chị An cho biết, quyết định học nghề kỹ thuật nấu ăn đã giúp chị chuyển đổi được công việc và có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, cao hơn thu nhập trước đây.

Giống như chị An, một số người lao động thất nghiệp khác tại Hà Nội cũng đã tham gia khóa học kỹ thuật nấu ăn tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau đó xây dựng kênh bán hàng online, thu hút nhiều khách hàng, từ đó ổn định công việc và thu nhập. Tuy nhiên, những trường hợp người lao động thất nghiệp tham gia học nghề như trên không phải là phổ biến.

Thực tế, có rất nhiều người lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt là khoản trợ cấp thất nghiệp chứ không mặn mà với việc học nghề. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Hồng (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau khi nghỉ việc tại một Công ty may mặc, chị Hồng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn học nghề rất kỹ lưỡng, song chị quyết định chỉ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp chứ không tham gia học nghề.

Thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề
Người lao động học nghề pha chế đồ uống theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

“Thời gian qua làm công nhân may, thu nhập hạn chế nên tôi không tích lũy được gì. Giờ tôi nghỉ việc, cuộc sống gia đình rất khó khăn, nên tôi muốn nhận khoản tiền trợ cấp để giải quyết khó khăn trước mắt, rồi sẽ tìm một công việc phổ thông nào đó như giúp việc gia đình, hay phụ bán hàng ăn để trang trải cuộc sống gia đình”- chị Hồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, những năm qua, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, nên số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng lên hằng năm, nhưng số người lao động thất nghiệp lựa chọn học nghề thì lại không nhiều.

Nhiều giải pháp thu hút người lao động học nghề

Nói về nguyên nhân nhiều người lao động thất nghiệp không mặn mà với việc học nghề, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, điều dễ nhận thấy là đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó họ không chú trọng quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề.

Hơn nữa, nhu cầu học nghề của người lao động khá đa dạng, lại không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề; “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...

Để khắc phục những bất cập trên, thu hút người lao động thất nghiệp tham gia học nghề, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài, thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp để thu hút các trường, công ty tham gia đào tạo nghề, qua đó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đào tạo. Cùng đó, Trung tâm chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. “Chúng tôi chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, mong muốn của người học, bảo đảm đa số học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho người lao động về chính sách đào tạo nghề miễn phí trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại các buổi kết thúc khóa học nghề, Trung tâm mời các đơn vị có nhu cầu đến tuyển dụng học viên, hoặc giúp lao động thất nghiệp được tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Với những biện pháp tích cực, theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, số người lao động thất nghiệp tham gia học nghề trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến. Cụ thể, năm 2024, thành phố Hà Nội có 1.162 người lao động có Quyết định học nghề, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 là 778 người). Quý I/2025, Thành phố có 240 người lao động có Quyết định học nghề, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 là 119 người). “Tỷ lệ lao động đăng ký học nghề so với số lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp còn thấp, nhưng đã tăng hơn so với trước” - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu nhận xét.

Đáng nói, theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, nhiều người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã tìm được việc làm. Thậm chí, có nhiều người sau hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã bắt nhịp với nền kinh tế số, mở cửa hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Facebook Marketplace, Zalo, Grabfood, Gojek... Nhiều người lao động đã khởi nghiệp thành công, có mức thu nhập cao hơn công việc họ làm trước khi thất nghiệp.

Phạm Diệp

Bảo đảm “6 rõ” trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp

Kế hoạch chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đầu cấp tại địa phương phải bảo đảm tinh thần 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả” gắn với lộ trình cả nước thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.

Xứng đáng là điểm tựa cho đoàn viên, người lao động

Xác định năm 2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước; với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội và Quận ủy Hà Đông, sự phối hợp giữa các tổ chức Công đoàn với chính quyền, thủ trưởng các đơn vị từ quận đến cơ sở… Ban Thường vụ LĐLĐ quận đã duy trì tốt chế độ làm việc theo quy định. Qua đó, đẩy mạnh tinh thần năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền quận và tổ chức Công đoàn Thủ đô vượt qua khó khăn, triển khai hiệu quả các mặt hoạt động, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Đoàn viên Công ty Nước sạch Hà Nội tập trung nâng cao công tác cấp nước ổn định, liên tục phục vụ người dân

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2025. Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và tổ chức phong trào thi đua năm 2024; các biện pháp, giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025.
Xem thêm