--> -->
Dòng sự kiện:

Lãi suất vay bao nhiêu là hợp lý để người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở xã hội?

01/04/2025 21:18

Chia sẻ
Trong bối cảnh giá nhà vẫn ở mức cao, thu nhập người lao động khó tăng nhanh và chi phí sinh hoạt ngày một lớn, việc sở hữu một căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều người dân đô thị. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thế nhưng mức lãi suất hiện tại vẫn khiến không ít người "chùn bước".
Hà Nội rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xây dựng nhà ở xã hội Phát triển nhà ở xã hội: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia

Hiện nay, cả nước đang triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi cho chương trình NƠXH. Đầu tiên là gói vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 6,6%/năm, áp dụng từ ngày 1/8/2024 theo quy định mới, tăng 1,8% so với trước đây. Theo Nghị định số 100/2024, các khoản vay đã ký trước thời điểm này sẽ áp dụng lãi suất bằng mức vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định (hiện là 6,6%/năm). Tính đến giữa năm 2024, dư nợ gói vay này đạt khoảng 17 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hơn 44 nghìn khách hàng.

Gói tín dụng thứ hai là chương trình 120 nghìn tỷ đồng (nay tăng lên 145 nghìn tỷ đồng), trong đó lãi suất ưu đãi hiện là 7%/năm đối với chủ đầu tư và 6,5%/năm cho người dân, thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất trung bình của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ điều chỉnh lãi suất vay NƠXH theo hướng giảm thêm 3-5% so với mức trung bình. Gói vay này có sự tham gia của 9 ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, và đã giải ngân 1.344 tỷ đồng tính đến giữa năm 2024.

Gói thứ ba là chương trình 30 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân hơn 34 nghìn tỷ đồng cho hơn 56 nghìn trường hợp tính đến cuối năm 2024. Theo Quyết định số 2690 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay hỗ trợ nhà ở năm 2025 là 4,7%/năm, giảm so với mức 4,8%/năm của năm trước. Cuối cùng, các chương trình cho vay nhà ở chính sách tại địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh có Quỹ phát triển nhà ở dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Lãi suất hiện là 3,2%/năm, giảm từ mức 4,7%/năm, với hạn mức vay tối đa 900 triệu đồng, thời gian vay lên đến 20 năm.

Tại Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn NƠXH” diễn ra trong ngày 1/4, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, gói cho vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã có từ lâu. Đồng thời, ngân sách Nhà nước hằng năm cấp 2 nghìn đến 3 nghìn tỷ đồng cho ngân hàng để cho các đối tượng vay. Đối tượng vay được vay tối đa 20-25 năm, lãi suất tương đương cho vay hộ nghèo 6,6%/năm. Có ý kiến cho rằng 6,6% là hơi cao và chúng ta cần rà soát cho vay người nghèo có phù hợp chưa.

Theo ông Lực, nguồn vốn cho vay mua NƠXH còn ít nên cần phải tìm nguồn vốn của quốc gia mới có thể khơi thông được lâu dài. Bên cạnh đó, cần cấu trúc nguồn vốn thế nào để đúng, đủ đối tượng; cho chủ đầu tư hay người mua nhà vay? Hay cho thuê sẽ hợp lý hơn.

Lãi suất vay bao nhiêu là hợp lý để người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở xã hội?
Người dân chưa mạnh dạn vay mua – một phần do lãi suất còn cao (Ảnh minh họa: BT)

“Quỹ nhà ở các nước họ cho vay đối với người mua nhà, còn một phần cho vay chủ đầu tư. Tỷ lệ là 70% - 30%, cho vay và thực hiện bảo lãnh với nhà đầu tư, người mua nhà. Nên chúng ta đặt ra vấn đề cho vay thuê hay mua các dự án nhà ở xã hội? Quan điểm của tôi là linh hoạt, có thể cả hai, có những người thực sự muốn mua, chả lẽ chúng ta lại cản trở không cho mua mà chỉ cho thuê thôi?”, ông Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Không chỉ vì nguồn cung dự án còn ít, mà còn vì người dân chưa mạnh dạn vay mua - một phần do lãi suất, phần khác là do thủ tục chưa thực sự thuận lợi, quy trình giải ngân chưa kịp thời.

Trên thực tế, bài toán lãi suất không thể tách rời khỏi năng lực trả nợ và kỳ vọng của người mua. Ví dụ, với khoản vay 1 tỷ đồng trong 20 năm, mức lãi suất 4,8% sẽ khiến người vay trả khoảng 6,5-7 triệu đồng/tháng. Với người thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng, khoản trả này đã chiếm hơn 50% thu nhập - vượt quá ngưỡng an toàn tài chính (theo khuyến nghị chỉ nên vay sao cho tiền trả nợ chiếm dưới 40% thu nhập).

Một khía cạnh quan trọng khác là tính ổn định và minh bạch của lãi suất. Không ít người lo ngại về nguy cơ lãi suất thả nổi hoặc điều chỉnh sau vài năm, khiến áp lực tài chính tăng cao. Do đó, theo các chuyên gia, cần quy định rõ mức lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay ưu đãi, đồng thời có phương án hỗ trợ người vay nếu gặp biến cố như mất việc, bệnh tật, tai nạn...

Giấc mơ an cư của hàng triệu người dân đô thị sẽ vẫn là giấc mơ nếu chính sách tín dụng không được thiết kế hợp lý. Hạ lãi suất vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, minh bạch và ổn định chính sách là những bước đi cần thiết nếu thực sự muốn biến khẩu hiệu "mỗi người dân có một chỗ ở ổn định" trở thành hiện thực.

Một chính sách nhà ở xã hội hiệu quả không chỉ nằm ở việc xây thật nhiều căn hộ giá rẻ, mà còn nằm ở khả năng biến những căn hộ đó thành nơi chốn thuộc về của người lao động - những người đã và đang đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ vào sự phát triển của đô thị.

Bảo Thoa

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm