--> -->
Dòng sự kiện:

Lan tỏa yêu thương, giúp các em nghèo được học trực tuyến

30/09/2021 08:29

Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 khiến một số địa phương phải tổ chức học trực tuyến, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm máy tính, nối mạng internet cho con em mình học. Thấu hiểu hoàn cảnh, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc để giúp những gia đình hoàn cảnh khó khăn có thiết bị cho các con học trực tuyến.
Hà Nội: Tiếp tục việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến Không để học sinh nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường

Trao cơ hội học tập

Theo chân các thầy cô giáo Trường Tiểu học Đại Áng đến nhà em Đặng Minh Cường (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đại Áng, huyện Thanh Trì), chúng tôi không khỏi xúc động khi bước vào căn nhà đơn sơ nằm hẻo lánh ở khu ruộng rìa làng. Bà Nguyễn Thị Dung (bà nội Cường) cho biết, căn nhà này được bà thu vén, vay mượn và nhờ người dựng tạm trên mảnh đất ruộng gia đình để lại. Gọi là nhà nhưng chỉ là mấy bức tường thấp được quây lại bằng tôn, bên trong là những vật dụng cũ kỹ, đơn sơ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh thế này, vượt qua khó khăn em Đặng Minh Cường vẫn được nhận Giấy khen của nhà trường mỗi dịp cuối năm học.

Lan tỏa yêu thương, giúp các em nghèo được học trực tuyến
Nhiều học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến.

Qua lời tâm sự của bà Dung, gia đình Cường có hoàn cảnh éo le. Bố mẹ ly hôn, em sống cùng bà nội từ khi mới 20 tháng tuổi. Năm nay, bà Dung đã 66 tuổi, cũng là gần 10 năm hai bà cháu sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả, lang thang đi ở thuê, ở nhờ hết nơi này đến nơi khác.

Bà Dung chia sẻ, hồi Cường còn bé, bà phải đi làm thuê dọn dẹp ở quán bia từ sáng đến tối, vì thế, sáng sáng bà đưa Cường đi gửi mẫu giáo ở xã rồi đến nơi làm, 4 giờ chiều bà lại chạy về đón Cường, đi gửi hàng xóm rồi quay lại làm thuê đến 8 giờ tối. Công việc của bà không ổn định, lúc thì Văn Điển, lúc lại làm tận đường Kim Đồng… cứ chạy đi chạy lại như con thoi. Rồi hồi Cường bắt đầu học Tiểu học, bà đi bán hàng thuê. Hàng ngày, cứ 4 rưỡi, 5 giờ sáng là bà đèo Cường đến nơi làm, 7 giờ lại đèo Cường đến trường, sau đó trở về đi làm. Trong mấy năm học, nếu tháng nào có chút tiền thì bà cho Cường học bán trú để đỡ phải đưa đón, còn hết tiền thì lại đón Cường về nhà ăn trưa, chiều lại đến lớp. Kèo kẽo như thế, vượt qua nắng mưa, gió rét, đến nay Cường đã lên lớp 4.

Thu nhập của bà Dung mỗi ngày hơn 100.000 đồng, lại lo đủ thứ từ sinh hoạt hàng ngày đến việc học hành, sách vở cho Cường cho nên cứ ngừng làm thuê là hết tiền. Đợt này, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Đại Áng tặng gạo, sữa, mỳ tôm và điện thoại để em học trực tuyến, hai bà cháu rất cảm động. Năm ngoái do không có thiết bị học trực tuyến nên Cường đã bỏ lỡ nhiều bài giảng.

Cường cho biết bản thân rất bất ngờ và hạnh phúc khi nhận được điện thoại do nhà trường tặng để học trực tuyến. “Năm ngoái em không có thiết bị học trực tuyến nên chỉ có thể xin cô bài tập rồi tự học. Năm nay em rất vui vì có thể học trực tuyến, nghe bài giảng của cô qua mạng, được nhìn thấy các bạn trên Zoom. Em hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng các thầy cô” - Cường bày tỏ.

Không chỉ riêng em Đặng Minh Cường, nhìn chiếc máy tính mới tinh, em Dương Hà Trang (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên) vẫn thấy như đang trong giấc mơ. Đó là món quà em vừa được các thầy cô giáo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình trao tặng. Do điều kiện kinh tế khó khăn, vài sào ruộng không đủ để lo cho cuộc sống của cả gia đình 6 người nên bố mẹ Trang đã phải để lại hai con cho ông bà, vào thành phố Hồ Chí Minh bán hàng rong, kiếm tiền nuôi anh em Trang ăn học.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cả hai bố mẹ em đều bị nhiễm bệnh. Vì sức khỏe yếu nên mẹ em đã qua đời nơi đất khách quê người mà không được ôm hai con lần cuối. Đã gần hai tháng trôi qua nhưng nỗi đau khi đột ngột mất mẹ vì dịch bệnh vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng cô học trò nhỏ. Cũng do dịch bệnh còn rất phức tạp, bố của Trang vẫn đang bị kẹt lại thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn nhiều hơn. Vì vậy, việc có một chiếc máy tính để học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn vẫn luôn là một mơ ước có phần xa vời với Trang.

“Em vô cùng xúc động khi được nhận được sự quan tâm của các bác lãnh đạo và phòng giáo dục quận Ba Đình. Với em, đây là một món quà rất ý nghĩa và lớn lao. Em sẽ luôn trân trọng và xin hứa với các thầy cô sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng quan tâm của các thầy cô và các nhà hảo tâm…” - Hà Trang nghẹn ngào nói.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến trong năm học mới này.

Huy động mọi nguồn lực

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của thành phố Hà Nội: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay sau Khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", ủng hộ thiết bị đã sử dụng hoặc chưa sử dụng (gồm máy tính, laptop, điện thoại thông minh, ipad…) để hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Hiện, tổng số thiết bị đã được ủng hộ là hơn 7.900 (gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh, ipad…) và 10.000 sim data truy cập Internet miễn phí.

Lan tỏa yêu thương, giúp các em nghèo được học trực tuyến
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận (ngoài cùng bên trái) trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Phú Xuyên

Ngoài chương trình của Thành phố, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cũng chủ động triển khai chương trình và kịp thời hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại các trường học thuộc địa bàn mình quản lý. Chia sẻ về việc tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, thời gian qua, Phòng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận triển khai vận động tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Ngay trong ngày phát động, Phòng GD&ĐT quận đã ủng hộ học sinh quận Ba Vì 10 bộ máy tính. Ngày 11/9, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận tổ chức trao tặng đợt 1 cho 130 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận, mỗi em 1 bộ máy tính để bàn kèm đầy đủ thiết bị học tập trực tuyến; trao tặng 10 phần quà (mỗi phần 1 triệu đồng) cho 10 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của quận. Ngày 16/9, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tiếp tục trao tặng đợt 2 cho 103 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm 87 máy tính để bàn và 16 thiết bị di động để học tập trực tuyến.

“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến nay đã hỗ trợ đủ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của quận; đồng thời ủng hộ học sinh Hà Nội qua Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội 6 bộ máy tính, học sinh huyện Ba Vì 10 bộ máy tính, học sinh huyện Phú Xuyên 12 thiết bị học tập trực tuyến cùng 200 phần quà (gồm bút viết, vở ghi, cặp sách) và 40 triệu đồng tiền mặt… Những món quà vừa tạo điều kiện vật chất để các em có thể học tập thuận lợi hơn, vừa có giá trị tinh thần để động viên, khích lệ các em nỗ lực vượt qua khó khăn của hoàn cảnh gia đình để vươn lên học tốt” - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình thông tin.

Tương tự, tại quận Hoàng Mai, với sự vào cuộc đồng bộ của quận và các nhà trường, đến nay, trên địa bàn không còn học sinh nào vì khó khăn mà không có thiết bị học tập trực tuyến, bước đầu hoàn thành mục tiêu “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, thời gian qua, Công đoàn ngành đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị, trường học rà soát, trao tặng thiết bị cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các đơn vị, nhà trường đã giúp nhiều học sinh có thiết bị cá nhân để học trực tuyến.

Có thể khẳng định, hiện tại, dù bằng cách này hay cách khác, cùng với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, thành phố Hà Nội đang có nhiều hoạt động tích cực kêu gọi, ủng hộ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có đủ thiết bị và đường truyền đảm bảo học trực tuyến để dù khó khăn đến đâu vẫn ra sức, cố gắng dạy tốt, học tốt./.

Phạm Thảo

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm