--> -->
Dòng sự kiện:

Mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số

22/05/2025 14:52

Chia sẻ
Sáng 22/5, tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chủ trì tổ chức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng, trong bối cảnh kỷ nguyên số.
“Bình dân học vụ số”: Nền tảng cho sự phát triển Lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; Trần Thị Quốc Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Khoa học và Công nghệ; Vũ Hà - Phó Trưởng Ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động nhằm triển khai sâu, rộng đến tận thôn, tổ dân phố, khu dân cư, tạo nên một cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số.

Mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại lễ phát động.

Đây cũng là nền tảng quan trọng để hình thành Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Kế hoạch số 05 của Thành ủy, ngày 15/5/2025, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phong trào “Bình dân học vụ số” tại thành phố Hà Nội với mục tiêu: “Thành phố Hà Nội - Bình dân học vụ số - Toàn dân, toàn diện, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”.

Trong đó, xác định rõ 6 chỉ tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, tập trung các nhiệm vụ về tuyên truyền và phổ biến; triển khai các nền tảng số phục vụ các hoạt động; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cơ bản; phát huy vai trò Tổ Chuyển đổi số cộng đồng và lực lượng xã hội tham gia thực hiện và triển khai các mô hình lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và cá nhân trong triển khai thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, UBND Thành phố đề nghị, đối với các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương: Đưa phong trào “Bình dân học vụ số” thành một nội dung trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số và nâng cao chất lượng dịch vụ công; tổ chức các lớp học kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân tại cấp xã, phường, thôn, bản, khu phố - đặc biệt ưu tiên người cao tuổi, người chưa quen công nghệ; mỗi cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký tối thiểu một mô hình triển khai…

Mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số
Các đại biểu bấm nút phát động phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Gương mẫu đi đầu trong việc nâng cao kỹ năng số, sử dụng thành thạo các nền tảng công nghệ trong công việc và đời sống; tích cực tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người yếu thế trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

Đối với đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên: 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số; tích cực, tiên phong hướng dẫn người dân trên địa bàn tiếp cận, học tập và thành thạo các kỹ năng số, các ứng dụng số quen thuộc. Mỗi bạn trẻ sẽ là 1 “đại sứ số”, 1 “người thày số” để đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân.

Đối với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số trên địa bàn: Sẵn sàng chung tay cùng Thành phố, cung cấp đội ngũ giáo viên, chuyên gia, tình nguyện viên; tích cực tham gia vào các chương trình phổ cập công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng và đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng; phát triển các nền tảng học tập dễ sử dụng, thân thiện với người cao tuổi, người ít học hoặc người ở vùng sâu, vùng xa; đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, tập huấn, hướng dẫn sử dụng dịch vụ số.

Đối với người dân: Chủ động học tập và làm quen với các kỹ năng cơ bản như sử dụng điện thoại thông minh, internet, và các ứng dụng thiết yếu như thanh toán điện tử, khai báo y tế, tra cứu thông tin...; tham gia các lớp học cộng đồng về kỹ năng số tại nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, hoặc qua các nền tảng trực tuyến; truyền cảm hứng học tập cho con cháu, người thân, cùng nhau xây dựng một cộng đồng học tập tích cực.

Mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số
Các điểm "Bình dân học vụ số lưu động" hướng dẫn sinh viên, người dân các kỹ năng số cơ bản.

Mục tiêu, 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số; phấn đấu trên 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Ngay sau đó, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm, Thành đoàn Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã phát biểu hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”; cam kết đồng hành và hưởng ứng phong trào, góp phần lan tỏa phong trào đến từng người dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được Đại diện Cục C06 - Bộ Công an hướng dẫn sử dụng nền tảng “Bình dân học vụ số”; đại diện Thành đoàn Hà Nội tập huấn kỹ năng sử dụng và hướng dẫn nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng sử dụng các công cụ AI để nâng cao hiệu quả công việc.

Kim Tiến - Phương Ngân

Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh

Thảo luận tại Tổ 1, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định việc ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí thể hiện rõ tính nhân văn và ưu việt của chế độ ta. Đồng thời, cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả của chính sách khi triển khai vào thực tiễn.

Biển số siêu VIP 88A-888.88 được chốt giá hơn 21 tỷ đồng sau 30 phút đấu giá

Chiều 22/5, biển số ngũ quý 88A-888.88 của tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được đưa lên sàn đấu giá trực tuyến và nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới chơi biển số đẹp cả nước. Sau 30 phút đấu giá chính thức cùng 10 vòng gia hạn, chiếc biển siêu VIP này đã được một tài khoản trả giá cao nhất lên tới 21,325 tỷ đồng.

Đột phá truyền thông, tăng tốc bao phủ BHXH toàn dân

Với sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp và các thông điệp truyền thông gần gũi, thân thiện, Lễ ra quân tháng 5 nhân Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu hơn về lợi ích, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), từ đó tạo thêm niềm tin của người dân vào các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chị Nguyễn Thị Hiền (huyện Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại công ty được 10 năm, nhưng đã nghỉ việc 2 năm nay. Hiện giờ, tôi làm việc ở nhà, muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này hưởng lương hưu. Xin hỏi muốn tham gia BHXH tự nguyện thì cần những thủ tục gì?
Xem thêm