--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh

22/05/2025 18:14

Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ 1, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định việc ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí thể hiện rõ tính nhân văn và ưu việt của chế độ ta. Đồng thời, cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả của chính sách khi triển khai vào thực tiễn.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030 Đề xuất chi trả hỗ trợ học phí theo phương thức cấp trực tiếp cho người học Đại biểu Quốc hội: Cần thanh tra việc quản lý, sử dụng viên chức, người lao động

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) bày tỏ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là những chính sách an sinh xã hội rất quan trọng.

Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 1.

Nêu thực tế tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành phố rất quan tâm từ kinh phí, ngân sách cho đến việc thực hiện các nội dung liên quan. Tính trong nhiệm kỳ vừa qua Thành phố dành 49.200 tỷ đồng, nhiệm kỳ hiện tại là 41.000 tỷ đồng cho việc thực hiện các hạng mục về di tích lịch sử, cơ sở y tế và đặc biệt là xây dựng trường công lập, cơ sở giáo dục. Nếu tính cả các quận, huyện, tổng cộng Thành phố đã dành gần 100.000 tỷ đồng cho giáo dục - đào tạo.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác trong việc xây dựng trường học, sửa chữa các cơ sở còn khó khăn.

Đáng chú ý, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành các nội dung liên quan đến miễn, giảm học phí. Theo báo cáo, tổng số tiền miễn, giảm học phí hiện nay là khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo phương án mới, dự kiến thành phố Hà Nội sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó sẽ phải bù thêm khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Thành phố đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh.

Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) bày tỏ cảm ơn thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm, chăm sóc đối với giáo dục trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số lượng học sinh trên địa bàn Thủ đô rất lớn, chiếm xấp xỉ 10% học sinh của cả nước và 10% cơ sở giáo dục cả nước. Trong khi đó, công tác giáo dục của Thủ đô lại yêu cầu rất cao, đòi hỏi mục tiêu lớn và chiếm phần quan trọng trong giáo dục mũi nhọn của cả nước. Do đó, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đối với giáo dục trên địa bàn không chỉ có ý nghĩa đối với giáo dục Thủ đô mà còn tác động rất quan trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục của cả nước.

Tham gia góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) khẳng định, đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

“Nghị quyết không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Lan bày tỏ.

Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận.

Cơ bản nhất trí cao với các nội dung được xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, để bảo đảm đồng đều chất lượng đào tạo.

Bày tỏ băn khoăn với việc thực thi chính sách miễn học phí đối với loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành - thực nghiệm, tư thục, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm vấn đề này.

Về nguồn kinh phí thực hiện (Điều 3), đại biểu Nguyễn Thị Lan đồng thuận với việc bố trí từ ngân sách nhà nước song đề nghị, cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương; đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Chính phủ cần tính toán cấp bù để tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

Hoàng Phúc

ROX Group 29 năm bền bỉ sáng tạo giá trị thuận ích cho cuộc sống

Xuyên suốt quá trình phát triển, sứ mệnh kiến tạo giá thị thuận ích luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ROX Group. Doanh nghiệp mang đến các sản phẩm, dịch vụ chất lượng đồng thời khuyến khích khách hàng, cộng đồng theo đuổi lối sống văn minh, hài hòa cả về thể chất và tinh thần.

Để không bị phạt tiền, trừ điểm khi lái xe vào cao tốc

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an khuyến cáo, các chủ xe trước khi đi vào cao tốc cần kiểm tra phương tiện của mình có dán thẻ ETC, tài khoản thẻ còn tiền hay không. Nếu không đủ các điều kiện này mà vẫn điều khiển xe vào cao tốc sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

Tóm tắt tiểu sử nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Do có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại biểu Quốc hội: Đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất

Đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của chính sách miễn, giảm học phí, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị cần xác định rõ cơ chế hỗ trợ học phí với cơ sở giáo dục công lập, quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ, tiêu chí xác định mức hỗ trợ, tránh dẫn đến chênh lệch lớn giữa các địa phương; đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất, tránh miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác.
Xem thêm