--> -->
Dòng sự kiện:

Người lao động được hưởng những khoản trợ cấp nào khi bị tai nạn lao động?

05/05/2024 11:23

Chia sẻ
Khi bị tai nạn lao động, người lao động sẽ được thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; được hưởng trợ cấp tai nạn lao động theo mức độ suy giảm khả năng lao động.
Nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định để giảm tai nạn lao động Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người tử vong Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và thành phố Hà Nội trao hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động

Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, nếu như người lao động bị tai nạn lao động thì sẽ được hưởng các khoản trợ cấp tai nạn lao động gồm:

Được thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định. Cụ thể: Được thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; được trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; được thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Người lao động bị tai nạn lao động được trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra, thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động theo mức bồi thường như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động do lỗi của bản thân họ gây ra, thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động ít nhất bằng 40% tiền lương. Mức tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động nêu trên là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Đồng thời, việc bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động phải được thực hiện trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Ngoài ra, khi có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động mà bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm hoặc bị tai nạn ngoài nơi làm việc/ngoài giờ làm việc theo sự phân công của người sử dụng lao động thì người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động như sau: Nếu sau khi giám định thương tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp tai nạn 1 lần; nếu từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng. Mức trợ cấp tai nạn lao động này được tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm có những giấy tờ: Sổ Bảo hiểm xã hội; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp (trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp).

Ngoài ra, người lao động cần chuẩn bị biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa, trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mạnh Quân

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông, không để đội vốn, tham nhũng

Về thực hiện các dự án của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu cơ bản với các dự án là không thay đổi, phải bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không kéo dài, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường...

Hà Nội triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc hoàn thiện Hiến pháp - văn bản pháp lý quan trọng nhất của quốc gia.

Nâng cao công tác An toàn vệ sinh lao động tại Sơn Tây

Thời điểm này, thị xã Sơn Tây đang đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, hài hòa và tiến bộ. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp, Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay tại Sơn Tây được kỳ vọng tạo thêm động lực để công nhân, viên chức, lao động phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xem thêm