--> -->
Dòng sự kiện:

Những di sản văn hóa "lắng hồn núi sông ngàn năm"

06/07/2023 17:44

Chia sẻ
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội ngày nay vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm rung động lòng người. Để làm nên bản sắc ấy không thể không kể đến những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa, kiến trúc "lắng hồn núi sông ngàn năm" của mảnh đất ngàn năm văn hiến, ai đi xa vẫn phải khắc khoải nhớ về...
Triển lãm 80 bức ảnh chủ đề “Sắc màu văn hoá Thủ đô” Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản giao hưởng hòa bình”: Tôn vinh Hà Nội linh thiêng và hào hoa Triển lãm ảnh nghệ thuật “Văn hóa Hà Nội - Những mạch nguồn tiếp nối”

Bài 1: Đền Hai Bà Trưng - Vẻ đẹp kinh đô xưa

Đền Hai Bà Trưng - Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội với lịch sử lâu đời không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn của mọi người dân đất Việt; là địa điểm thăm quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách trên mọi miền đất nước. Đồng thời, cũng là nơi "thẩm thấu" về lòng tự tôn dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý như: Gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,…đặc biệt là 23 đạo sắc phong. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ… được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: Rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù…

Di sản văn hóa Hà Nội
Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, người chị có tên là Trưng Trắc, em gái có tên Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy học nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Đông Hán đô hộ.

Sau khi Hai Bà mất, nhân dân trong nước tôn kính lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi ở khắp mọi nơi. Theo thống kê, cả nước hiện có 103 địa điểm thờ phụng Hai Bà Trưng và 215 nơi thờ tự 246 vị tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, ví như ở Hát Môn, Đồng Nhân, Phụng Công…

Tuy nhiên, đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội là nơi đặc biệt nhất, bởi đây chính là quê hương, nơi sinh, nơi phất cờ khởi nghĩa và định đô của Hai Bà. Ngày nay, đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi được đầu tư, tôn tạo khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến văn hóa tâm linh đặc sắc…

Di sản văn hóa Hà Nội
Nhà Tiền tế, bên trong là nhà Trung tế, hậu cung nơi thờ Hai Bà Trưng.

Ông Phạm Trần Quang - Trưởng ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, thôn Hạ Lôi cho biết, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, xếp hạng đền là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

“Quần thể di tích gồm đền thờ Hai Bà Trưng; đền thờ các tướng lĩnh, tứ thân phụ mẫu của Hai Bà Trưng tọa lạc trên khu đất cao, rộng, thoáng, có diện tích gần 13ha, một mặt nhìn ra sông Hồng. Đây là nơi Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô. Phía sau đền thờ Hai Bà Trưng hiện vẫn còn dấu tích ngôi thành cổ Mê Linh, được đắp bằng đất, tương truyền trong thành có đặt cung điện của Trưng Vương.

Mỗi năm ở đây tổ chức 4 kỳ lễ hội: Từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng, chính hội là ngày mùng 6, nhằm kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch) là ngày giỗ Hai Bà Trưng; ngày mùng 1 tháng 8 là ngày sinh Hai Bà Trưng, ngày mùng 10 tháng 11 là ngày giỗ ông Thi Sách”, ông Quang giới thiệu.

Di sản văn hóa Hà Nội
Tảng đá lưu giữ lời thề của hai vị Vua Bà.

Cũng theo ông Quang, nơi đây không đơn thuần là đền thờ Hai Bà Trưng, mà là quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh đặc sắc. Khu đền được xây dựng theo lối kiến trúc tiền Nhất, hậu Đinh, trong đó chữ Nhất là tòa nhà Tiền tế, chữ Đinh là tòa Trung tế và Hậu cung. Phải thừa nhận quy hoạch khu vực đền thờ ở đây đạt đến sự hoàn hảo, lớp lang.

Từ Đường kéo quân (tương truyền đây là nơi binh lính khởi nghĩa tập trung xuất trận đi đánh giặc vào năm Canh Tý - năm 40 sau công nguyên), bước qua cổng đến ngay khoảng sân rộng gọi là sân ngoài, ở giữa có cột đá thề khắc ghi lời thề của Hai Bà Trưng, bốn bồn hoa hình con dơi ở bốn góc, hai bên có hai hàng 18 cỗ voi đá tượng trưng cho voi của 18 đời Hùng Vương. Hai bên sân ngoài là khu vườn hoa cây cảnh tỏa bóng mát, non bộ, thảm cỏ, đường dạo và khu trồng cây lưu niệm…

Vào bên trong, du khách được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc gồm: Tam tòa chính điện, phía bên tả (bên trái) Tam tòa chính điện có đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách và ông Thi Sách, đền thờ hơn 100 nam tướng của Hai Bà Trưng, cùng nhà bia ghi dấu tích hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh (Hộp thư bí mật); phía bên hữu (bên phải) Tam tòa chính điện là đền thờ thân phụ, thân mẫu và sư phụ, sư mẫu của Hai Bà Trưng, cùng đền thờ hơn 90 nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Tất cả đều được dựng bằng gỗ lim, chạm trổ họa tiết hết sức sinh động, tinh tế. Phía trước Tam tòa chính điện là sân trên, sân trong, sân ngoài, tất cả đều được lát bằng đá phiến. Sân trong là sân nghi lễ, được lát đá theo hình chiếc chiếu hoa lớn ở giữa và hình hai chiếc chiếu hoa nhỏ ở hai bên. Hai bên sân trong là hai nhà Tả mạc và Hữu mạc bề thế. Trong khuôn viên khu đền thờ còn có hồ mắt voi, hồ tắm voi, lầu trống, suối vòi voi, ban thờ Thần Nông, lầu trống, hồ bán nguyệt.

Di sản văn hóa Hà Nội
Ban Quản lý Di tích Đền Hai Bà Trưng đã tổ chức trang trí cờ hoa, cảnh quan trong khuôn viên Đền như một sự tri ân sâu sắc đối với Hai vị Vương Nữ Anh hùng của dân tộc.

Lịch sử ghi lại, Hai Bà Trưng chọn vị trí xây dựng “hành cung” ở xứ Đầu Voi, phía trên làm nơi “sở thiết triều”, là nơi bàn việc nước. Hành cung ấy nay là đền chính thờ Hai Bà Trưng, có hình dáng như tòa sen hóa thành chim phượng đang múa. Đền chính, nơi thờ Hai Bà: Trưng Trắc và Trưng Nhị được xây dựng uy nghi, với tam tòa gồm: Nhà tiền tế có 7 gian, hai dĩ xây tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đắp hình con đấu, hai bờ dải đắp hình phượng vũ. Phía trước nhà tiền tế có đôi voi đá tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong. Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trụ hình trái giành, các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh.

Bên trong là tòa trung tế, gồm 5 gian, 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa có hổ phù, hai mái kiểu chồng diêm… phía trước có lư hương bằng đá, có điện thờ chính và hai sập thờ sáu vị nữ tướng, những người nắm chính sự của triều đình (gọi là lục bộ nữ tướng). Bên trong cùng là tòa cung cấm (gọi là hậu cung), có tượng thờ Hai Bà Trưng ngự trên ngai rồng tỏa sáng lung linh. Hậu cung có 3 gian, 1 dĩ xây dọc hợp với trung tế thành kiến trúc tổng thể hình chữ “Đinh”. Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường”, “thượng giá chiêng hạ cốn”, trên cốn nách chạm hình chữ Thọ và hoa lá.

Di sản văn hóa Hà Nội
Đền thờ Hai Bà Trưng vẫn lưu giữ được kiến trúc cổ kính.

Đền thờ thân phụ, thân mẫu và sư phụ, sư mẫu Hai Bà Trưng xây dựng hình chữ “Đinh”, gồm tiền tế gồm 5 gian xây tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt (hai rồng chầu mặt trăng), bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung gồm 1 gian, 2 dĩ. Có tượng thờ thân phụ, thân mẫu cùng sự phụ, sư mẫu Hai Bà Trưng và ban thờ Tam tòa thánh Mẫu theo tín ngưỡng Đạo Mẫu của dân tộc Việt. Đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách có kiến trúc chữ “Đinh”, gồm tiền tế và hậu cung, có tượng thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách và tượng thờ ông Thi Sách. Đền thờ các nữ tướng và nam tướng thời Hai Bà Trưng có dạng chữ “Nhất”, đều gồm 5 gian, hai bên trổ cửa hình chữ “Thọ”, có bài vị của hơn 90 vị nữ tướng và hơn 100 vị nam tướng.

Ông Phạm Trần Quang - Trưởng ban Quản lý Di tích cũng cho biết: “Việc quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và mở rộng khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng đồng bộ, hoàn chỉnh xứng với tầm vóc di tích hứa hẹn nhiều thuận lợi cho sự phát triển, nằm chung trong sự phát triển của Mê Linh.

Người dân Mê Linh sẽ có điều kiện phát huy thế mạnh, đưa nơi đây thành điểm hẹn của du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của khu vực thờ tự, mà còn được chiêm ngưỡng các di tích còn được lưu giữ lại như: Đường kéo quân, Thành ống, Hành cung thiết triều xứ Đầu voi, Thành Cự triều (Thành Dền)…”.

(Còn nữa...)

Hà Phong

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm