--> -->
Dòng sự kiện:

Nỗi lo mất an toàn giao thông đường sắt

25/02/2025 09:13

Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giữa tàu hỏa và các phương tiện khác được ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều đáng lo ngại là các vụ tai nạn chủ yếu tại các lối ngang tự mở, thiếu an toàn.
Cần giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt Hà Nội: Xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt

Mất mạng vì những lối đi tự phát

Theo thống kê mới nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua. Hiện vẫn còn khoảng 450 điểm giao cắt, trong đó có 180 đường ngang hợp pháp và khoảng 270 lối đi tự mở.

Thực tế, đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông, nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 1 tuần nửa đầu tháng 2/2025, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt gây thiệt hại về người và tài sản. Gần nhất, vào khoảng 14h ngày 10/2, tại địa bàn xã Văn Giáp, huyện Thường Tín, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa tàu Thống Nhất Bắc - Nam với một phụ nữ đi xe máy. Xe máy bị kéo lê khoảng 20m hoàn toàn biến dạng, người phụ nữ điều khiển xe tử vong tại chỗ.

Nỗi lo mất an toàn giao thông đường sắt
Lực lượng chức năng tuyên truyền xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Trước đó 6 ngày, vào khoảng 14h45 ngày 4/2, trên đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua ngõ 46, đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), tàu hỏa chở khách bất ngờ va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển, di chuyển từ trong làng Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt) ra đường Ngọc Hồi. Cú va chạm mạnh khiến người đàn ông đi xe máy bị văng xa và tử vong tại chỗ, tàu hỏa kéo lê xe máy 200m.

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, trên các tuyến đường sắt quốc gia xuất phát từ Hà Nội hiện vẫn còn hơn 3.000 lối đi tự mở… Những lối đi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khi không được cảnh báo, rào chắn theo đúng quy định… Đơn cử như, trên đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) có một khu dân cư mà mỗi nhà đều có riêng một lối đi qua đường sắt (bắt đầu từ lối vào ngõ 298 Ngọc Hồi đến số 420 Ngọc Hồi). Theo ghi nhận, cả dãy phố hầu hết các hộ dân đều kinh doanh, buôn bán nên lượng khách ra vào, phải đi qua đường sắt trong ngày rất tấp nập.

Thực tế cho thấy, lối ngang qua đường sắt có gác chắn tự động, to rộng trên đường dẫn vào thôn Yên Ngưu (Tam Hiệp, Thanh Trì). Tuy nhiên, do không có đường gom nên người dân (từ số nhà 298 Ngọc Hồi đến số 420 Ngọc Hồi) vẫn chọn lối ngang tự mở thay vì đến đây đi cho an toàn. Nhiều người dân khác cho rằng, họ hoàn toàn ủng hộ việc rào chắn các lối ngang tự mở. Tuy nhiên, trước khi làm điều này cần đầu tư cải tạo lại hệ thống đường gom. Hiện đường gom gồ ghề, không đảm bảo an toàn, khiến người dân khó khăn khi di chuyển đến các lối ngang hợp pháp.

Nâng cao ý thức của người dân

Theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam, có tới 70% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra hiện nay tại các vị trí lối mở, vị trí không an toàn qua đường sắt, trong đó đáng chú ý là các vi phạm hành lang an toàn đường sắt làm che khuất tầm nhìn của lái tàu.

Hiện, Hà Nội đang đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra các lối ngang tự mở qua đường sắt, kiên quyết rào chắn lối ngang nguy cơ cao xảy ra tai nạn... Trong năm 2024, Công an quận Hoàng Mai đã có văn bản đề xuất UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo UBND phường Hoàng Liệt nhanh chóng xóa bỏ 9 lối đi tự mở qua đường sắt, bao gồm đường ngang trước ngõ 6, 12, 16, 22, 26, 32, 38, 40, 46... đường Ngọc Hồi. Như vậy, việc xác định các lối ngang tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đã được thực hiện, tuy nhiên, việc triển khai xóa bỏ vẫn chưa triệt để.

Theo các chuyên gia giao thông, trước mắt cần nhanh chóng rào chắn các lối ngang tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, tiến tới xóa bỏ toàn bộ lối ngang không hợp pháp.

Mới đây, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 14 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp cùng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT) và Công an thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tiến hành tuần tra dọc tuyến đường sắt theo đường Ngọc Hồi để kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm, vận động người dân không lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, không mở lối đi trái phép, không kinh doanh buôn bán trong phạm vi an toàn đường sắt tại khu gian Văn Điển - Thanh Trì. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện nhiều hàng quán vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Tất cả đều bị nhắc nhở, yêu cầu dọn dẹp về đúng hành lang an toàn theo quy định.

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Huy Hiệp - cán bộ Đội CSGT số 14, cho biết, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo, yêu cầu các hộ dân tự giác khắc phục vi phạm. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. “Trong đợt kiểm tra lần này, tổ công tác sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại lối đi tự mở, bao gồm: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu; không tuân thủ quy định về dừng, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; quay đầu xe sai quy định, đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt; vượt tường rào, hàng rào ngăn cách đường sắt với khu vực xung quanh...”, Đại úy Nguyễn Huy Hiệp nhấn mạnh.

Theo Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân dọc ven đường sắt, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt một cách thiết thực, sâu rộng tại các khu vực đông dân cư, nơi có nhiều điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt, lối đi tự mở; tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường sắt trọng điểm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Song song với đó, lực lượng CSGT sẽ tham mưu UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã có tuyến đường sắt chạy qua thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào đóng, giải tỏa các lối đi tự mở trái phép, góp phần giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.
Minh Phương

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm