--> -->
Dòng sự kiện:

Nồng nàn cà phê phố

05/04/2023 08:20

Chia sẻ
Không phải là thủ phủ cà phê nhưng Hà Nội luôn có vị trí riêng trong lòng những người yêu giọt đắng. Ngồi trong quán cà phê, hàn huyên cùng bạn bè, ngắm nhìn Thủ đô và thưởng thức vị “chậm” của thời gian cũng là cái thú của nhiều người.
Khát vọng nâng tầm cà phê Việt Hàng ăn, quán cà phê tuân thủ nghiêm quy định chỉ bán hàng mang về

Chốn dừng chân nơi cuối ngõ

Không khó để tìm được một quán cà phê trên các con phố dọc ngang của Hà Nội. Và nếu đến với phố cổ, thực khách sẽ được lạc vào “vương quốc” của những quán cà phê nức tiếng, một trong những nơi đặc biệt nhất chính là cà phê ngõ hẹp, gác nhỏ. Người Hà Nội có nét rất hay, đó là đối với quán họ thích, dù sâu đến mấy họ cũng tìm ra. Sự khám phá, tìm tòi chính là thú vui của nhiều người. Niềm sung sướng sẽ nhân lên nhiều lần khi họ đi thật chậm để tìm đúng số nhà, len lỏi mình vào một hành lang sâu hút hoặc nhẹ bước trên những bậc cầu thang mòn của góc ban công nào đó.

Nồng nàn cà phê phố
Không gian cà phê tại Hà Nội.

Quán cà phê có tên Inside nằm trên con phố Hàng Gai là một minh chứng như vậy. Nếu chỉ đi lướt qua, không ai đoán được trong con ngõ chỉ đủ cho 2 người lách qua là một không gian cà phê đặc biệt. Không có biển hiệu lớn và những ô cửa rộng, thực khách chỉ có thể nhìn thấy ngôi nhà cổ lâu đời phủ màu thời gian, thơm lừng mùi cà phê trứng khi đi xuyên qua 2 cửa hàng vải. Ở đây, sự tĩnh lặng trái ngược với dãy phố tấp nập chỉ cách vài mét ngoài kia. “Ẩn mình” là vậy, thế nhưng quán không lúc nào vơi khách, kể cả những ngày Hà Nội mưa sụt sùi hay nắng đổ lửa. Những người tới quán thường là khách quen, bạn bè hoặc những du khách tò mò đến thử một lần.

Khác với cà phê Đinh - Giảng - Lâm - Nhĩ - Nhân về sự nổi tiếng và thương hiệu, quán cà phê này níu chân du khách bởi không gian của một thời vang bóng. Chủ nhân của quán cà phê này là gia đình bà Đào Bích Loan, người Hà Nội. Gia đình bà đã dành trọn tâm huyết để lưu giữ toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà gốc phố cổ gồm hệ thống tường, trụ, các ô cửa, khoảng sân đến những bộ sập, gụ, tủ chè… Đặc biệt, khoảng sân sau là giếng trời được bài trí tự nhiên với cây xanh. Vị trí được yêu thích nhất của quán chính là trên tầng cao nhất có thể nhìn ra hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa cổ kính. Tất cả phảng phất màu thời gian khiến người ta hoài niệm về những năm tháng xưa cũ, quyện vào đó là hương cà phê nồng nàn như gắn kết những trái tim yêu sự bình lặng. Cà phê không đơn thuần chỉ là để uống mà còn như chất xúc tác để ngắm nhìn Hà Nội đẹp hơn.

“Quán này tôi xây dựng từ năm 1998 trên mảnh đất của ông cha để lại, xuất phát từ lời tư vấn của bạn bè về việc tạo không gian để nhiều người đến giao lưu thưởng thức cảnh đẹp của nhà cổ, phố cổ. Thực khách của quán chủ yếu ở lứa tuổi trung niên. Đến đây, họ được sống lại trong khung cảnh của tuổi thơ và nhìn thấy mình từ thời xưa lắm”, bà Loan nói.

Món đặc trưng nhất của quán là cà phê trứng với hương vị thơm ngon, đậm đà cùng vị trứng béo ngậy. Trong một buổi sáng Chủ nhật, chúng tôi gặp bà Nguyễn Xuân Thái (quận Đống Đa) thư thả bên ly cà phê. Trong ký ức của bà Thái, “chốn quen” này là nơi bà và các bạn hàn huyên, giao du mỗi ngày cuối tuần. Cứ thế một hình ảnh Hà Nội ồn ào náo nhiệt bỗng bình dị, nên thơ qua từng giọt đắng cà phê.

“Những mẩu chuyện nhỏ bên tách cà phê trong một không gian Hà Nội xưa, với những người bạn cũ luôn làm nên nét riêng khó nơi nào có được. Tôi yêu lắm thời gian thảnh thơi tận hưởng sự tĩnh lặng, an yên, hít hà hương cà phê nồng nàn. Nhấp môi một ngụm cà phê nóng, lặng nhìn phố phường chảy trôi, cảm giác như đã ôm được cả Thủ đô vào lòng”, bà Thái bồi hồi nói.

Những thói quen giản dị

Có thể thấy, cái thú được nhâm nhi ly cà phê nơi quán hàng quen thuộc, trò chuyện cùng bạn hữu hay ngồi một mình trầm ngâm bên phin cà phê tí tách nhỏ giọt là điều không thể thiếu với nhiều người Hà Nội. Lâu dần, việc thưởng thức cà phê sáng - trưa - chiều - tối trở thành một nét văn hóa, một phong cách sống của người dân nơi đây. Để được thưởng thức ly cà phê ngon, pha chế cà phê là cả một nghệ thuật.

Nồng nàn cà phê phố
Người Hà Nội gặp nhau, hàn huyên tâm sự bên ly cà phê.

Và cũng không biết từ bao giờ, cà phê đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội đến như vậy. Những con phố như Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du… nổi tiếng với những quán cà phê nằm san sát và khách lúc nào cũng đông. Qua nhiều năm tháng, mô hình cửa hàng cà phê ở Hà Nội ngày càng đa dạng, không chỉ còn những cửa hàng cà phê ở một góc vỉa hè như tại ngã tư Tô Hiến Thành - Bà Triệu mà còn hiện diện ở những khu chung cư, tòa nhà cao tầng. Quán “cóc” ven đường dần ít đi, nhiều quán mang theo diện mạo mới lạ, được đầu tư, trau chuốt về mặt không gian.

Cùng với đó, Hà Nội lại xuất hiện nhiều chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng. Nếu yêu thích sự hoài cổ, có thể tìm đến các quán cà phê khu tập thể, biệt thự cũ. Nếu thích hiện đại có thể dễ dàng gặp những quán cà phê phố thị, thiết kế có “gu”, có “chất”. Xét ở góc độ kinh tế, hoạt động của các quán cà phê ở Hà Nội luôn sôi động, có nhiều đổi mới góp phần lớn thu hút khách du lịch và giới trẻ. Ngoài những không gian mới, hiện đại, Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hàng lựa chọn phong cách thiết kế, không gian tái hiện văn hóa Hà thành xưa.

Mỗi nơi lại phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng thực khách. Tại những quán tọa lạc tại vị trí trung tâm, nơi có nhiều công ty và khách sạn, khách uống cà phê ở đây chủ yếu là dân công sở. Thế nên câu chuyện xoay tròn bên cốc cà phê chủ yếu là chuyện công việc. Chỉ tới những ngày cuối tuần, khi thực sự thảnh thơi, người ta mới kể cho nhau nghe câu chuyện cuộc sống, chuyện bạn bè hay những chuyện ăn gì ở đâu. Còn khi uống cà phê ở phố lớn, thực khách được hòa mình vào nhịp sống năng động và hiện đại của Thủ đô. Từng dòng người lướt qua vội vã rồi chậm dần khi nhịp đèn bắt đỏ bắt đầu đếm ngược. Tất cả hòa trộn với nhau, tạo thành những cung bậc cảm xúc.

Theo thời gian và năm tháng, cà phê ở Hà Nội có nhiều đổi thay về hương vị và cách thưởng thức. Dù vậy, với đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cà phê là một thức uống dễ chiều lòng người. Uống cà phê không phải chỉ là thưởng thức một thứ ăn chơi, uống cà phê dần dần đã trở thành một nét văn hóa, để đẩy đưa câu chuyện, giải tỏa những muộn phiền và để tìm thấy chính bản thân mình. Cứ như vậy, thói quen uống cà phê đã ngấm sâu vào sinh hoạt của người dân Hà Nội, trở nên thân quen và gần gũi, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Phương Ngân

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm