--> -->
Dòng sự kiện:

Quy định rõ về phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo

29/03/2025 09:18

Chia sẻ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị việc xác định Danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao cần theo một tiêu chí để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, cần tham khảo cách thức phân chia theo 4 mức độ rủi ro trong đạo luật về trí tuệ nhân tạo năm 2024 của Liên minh châu Âu.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội

4 cấp độ rủi ro của hệ thống trí tuệ nhân tạo

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về trí tuệ nhân tạo, tài sản số...

Về phân loại, xác định Danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao trong ngành, lĩnh vực, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo bao gồm: (i) rủi ro cao; (ii) tác động lớn; (ii) không phải rủi ro cao và (iv) hệ thống trí tuệ nhân tạo khác. Việc phân loại dựa trên các tiêu chí cơ bản 7 theo kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quy định rõ về phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, như vậy hệ thống trí tuệ nhân tạo vừa được phân chia theo tiêu chí, mức độ rủi ro, vừa được phân chia theo tiêu chí tác động lớn.

Theo đại biểu, việc phân chia cần được xác định theo một tiêu chí để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp và đề nghị tham khảo cách thức phân chia theo 4 mức độ rủi ro trong đạo luật về trí tuệ nhân tạo năm 2024 của Liên minh châu Âu. Đó là mức một rủi ro không thể chấp nhận là cấm hoàn toàn, mức 2 là rủi ro cao là quy định nghiêm ngặt, mức 3 rủi ro hạn chế là yêu cầu minh bạch và mức 4 là rủi ro thấp thì cho tự do phát triển.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cũng đề cập đến quy định tại Điều 53 dự thảo Luật về phân loại các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Theo đó, khoản 1 Điều 53 quy định hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống có khả năng gây ra những rủi ro, tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền và lợi ích của con người, lợi ích công cộng và trật tự an toàn xã hội.

Khoản 3 Điều 53 quy định hệ thống trí tuệ nhân tạo có tác động lớn là hệ thống có số người sử dụng đăng ký lớn, số lượng tham số lớn, khối lượng tính toán được sử dụng để đào tạo lớn.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không quy định rõ thế nào là rủi ro cao, tổn hại nghiêm trọng, không hiểu được số lượng quy mô thế nào được gọi là lớn. Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị xem xét giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao quy mô số lượng như thế nào là lớn để đảm bảo vận dụng được trong thực tiễn.

Đồng thời, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng cần bổ sung những nguyên tắc quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể bao gồm các nguyên tắc như nguyên tắc công bằng và không thiên vị, nguyên tắc an toàn và độ tin cậy, nguyên tắc riêng tư và bảo vệ dữ liệu và nguyên tắc kiểm soát con người.

Quy định rõ về phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Quốc hội

Quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo thuộc về cá nhân và tổ chức

Về tài sản số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với việc phân chia tài sản ảo theo 3 tiêu chí là mục đích sử dụng công nghệ và tiêu chí khác trên cơ sở đó đưa ra biện pháp quản lý phù hợp trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, quản lý tài sản ảo là vấn đề pháp lý mới, khó và phức tạp, là vấn đề xuyên quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Báo cáo kinh nghiệm quốc tế để các đại biểu Quốc hội tham khảo khi xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9.

Còn theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, dự thảo Luật quy định tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.

Để đầy đủ hơn, nữ đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "có tính độc nhất hoặc có thể thay thế" sau cụm từ "được thể hiện dưới dạng dữ liệu số". Bởi lẽ tính độc nhất hoặc có thể thay thế là một tính chất quan trọng của tài sản số vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cấp tài sản số đó được sử dụng giao dịch và định giá.

Trong đó, tính độc nhất tạo ra sự khan hiếm và giá trị riêng biệt cho từng loại tài sản, cho phép đại diện cho quyền sở hữu của các vật phẩm hoặc tài sản duy nhất cả trong thế giới thực và kỹ thuật số. Tính có thể thay thế cho phép dễ dàng trao đổi và sử dụng tài sản như một đơn vị tiền tệ để tạo ra tính thanh khoản cao và thúc đẩy các giao dịch thương mại là nền tảng cho các ứng dụng tài chính phi tập trung.

Về quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng pháp luật hiện hành của nhiều quốc gia có quy định quyền sở hữu trí tuệ vẫn chỉ thuộc về cá nhân và tổ chức, Al chỉ được coi là công cụ chứ không phải chủ sở hữu.

Tương tự, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định tác giả chỉ có thể là cá nhân (con người) và phải trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, sáng chế,... chứ không phải thông qua trí tuệ nhân tạo. Do đó, về nội dung này Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Về quy định tư cách, bản chất pháp lý của trí tuệ nhân tạo, Thường trực Ủy ban thẩm tra thống nhất với nhận định của Bộ Tư pháp. Hiện chưa có quốc gia nào ban hành luật riêng để điều chỉnh việc xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Các quốc gia vẫn đang áp dụng khung pháp luật chung, gồm: Pháp luật hình sự; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về hợp đồng, pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm đối với sản phẩm; pháp luật về trách nhiệm bảo hiểm... để xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Do đó, Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị tư cách, bản chất pháp lý của trí tuệ nhân tạo tiếp tục được điều chỉnh bởi pháp luật của các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Phương Thảo

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm