--> -->
Dòng sự kiện:

Sẽ có thay đổi trong lựa chọn sách giáo khoa

19/04/2020 17:39

Chia sẻ
Thay vì mỗi cơ sở giáo dục phổ thông phải thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng trong đơn vị mình như hiện nay, theo dự thảo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội đồng lựa chọn SGK sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thành lập.
se co thay doi trong lua chon sach giao khoa Hướng đến phát triển toàn diện học sinh
se co thay doi trong lua chon sach giao khoa Công bố giá 4 bộ sách giáo khoa lớp 1
se co thay doi trong lua chon sach giao khoa Chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2

UBND tỉnh/thành phố thành lập Hội đồng lựa chọn SGK

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và sẽ thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông

Điểm mới đáng chú ý nhất tại dự thảo Thông tư là quy định Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp UBND tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng. Còn theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông phải thành lập một Hội đồng lựa chọn SGK để sử dụng trong đơn vị mình.

se co thay doi trong lua chon sach giao khoa
Lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. (Ảnh minh họa: P.T)

Thành viên của Hội đồng bao gồm: Lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt không được tham gia Hội đồng.

Việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải tuân theo ba nguyên tắc: Lựa chọn SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu SGK và bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định, SGK được lựa chọn phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy trình lựa chọn SGK

Về quy trình lựa chọn SGK, dự thảo Thông tư quy định: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Sau đó báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn SGK; tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn SGK; đề xuất danh mục SGK các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục SGK được cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất về Sở GD&ĐT (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở).

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Chậm nhất 7 ngày trước phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn.

Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải đạt 2/3 số phiếu đồng ý trở lên. Trường hợp không đạt điều kiện này, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai nếu vẫn không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn nhiều nhất trong danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông báo cáo theo quy định.

Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình UBND tỉnh/thành phố xem xét, quyết định. Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh/thành phố xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

UBND tỉnh/thành phố đăng tải danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo Sở GD&ĐT thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; đồng thời, báo cáo về Bộ GD&ĐT trước thời điểm bắt đầu năm học mới 6 tháng.

Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông đến hết ngày 17/6/2020.

T.P

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy

Đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ngày 10/5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất xem xét bỏ quy định công bố hợp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Siết trách nhiệm của người có ảnh hưởng khi truyền tải quảng cáo

Ngày 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nhiều vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo... được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông, không để đội vốn, tham nhũng

Về thực hiện các dự án của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu cơ bản với các dự án là không thay đổi, phải bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không kéo dài, không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường...
Xem thêm