--> -->
Dòng sự kiện:

Sửa Luật Cán bộ, công chức: Đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức

08/04/2025 18:40

Chia sẻ
Theo dự thảo Luật, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thêm yêu cầu đối với cán bộ, công chức Bộ Nội vụ đề xuất chính sách với 212.606 cán bộ, công chức xã khi sáp nhập

Không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh

Bộ Tư pháp vừa họp hội đồng thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi làm việc.

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng, dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh.

Đồng thời, bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương; được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ…

Dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan Nhà nước…

Theo dự thảo Luật, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã.

Đáng quan tâm, trên cơ sở đó, dự thảo Luật bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành gồm: (1) Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; (2) Chuyển ngạch công chức; (3) Nâng ngạch công chức; (4) Tổ chức thi nâng ngạch công chức; (5) Các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Sửa Luật Cán bộ, công chức: Đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì hội đồng thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: HG

Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.

Hiện nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành. Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.

Hoàn thiện khung pháp lý về vị trí việc làm

Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bổ sung nội dung về những việc cán bộ, công chức không được làm để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua...

Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Chính phủ cần thống nhất quản lý vị trí việc làm trong toàn hệ thống, trong khi việc quản lý biên chế có thể phân cấp cho các cơ quan, tổ chức phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Luật hiện tại đã bỏ chương quy định về các điều kiện bảo đảm thi hành công vụ. Ông Tuấn cho rằng, việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi những điều kiện như lương, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất… là yếu tố thiết yếu, tạo nền tảng cho việc thực hiện công vụ hiệu quả. Do đó, Luật cần có quy định cụ thể để bảo đảm điều kiện thực thi công vụ.

Đồng thời, cần phân biệt rõ giữa quản lý cán bộ và quản lý công chức. Việc xây dựng vị trí việc làm chỉ phù hợp với đối tượng là công chức - những người làm việc theo ngạch, theo vị trí chuyên môn. Đối với cán bộ, nhất là những vị trí do bầu cử quyết định (như đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy viên Trung ương…), việc bố trí công tác dựa trên tín nhiệm, năng lực và sự phân công tổ chức. Do đó, không nên áp dụng khái niệm vị trí việc làm cho cán bộ, mà cần tuân theo Luật Bầu cử, Điều lệ Đảng và các quy định liên quan.

Về đề xuất bỏ ngạch công chức, ông Trần Anh Tuấn cho rằng điều này cần được xem xét một cách thận trọng. Nếu bỏ ngạch thì cần phải có chức danh thay thế tương xứng bởi lẽ, ngạch không chỉ phản ánh thứ bậc trong hệ thống hành chính mà còn là căn cứ thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức…

Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện khung pháp lý về vị trí việc làm, bao gồm mô tả công việc, tiêu chuẩn năng lực, và cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá dựa trên vị trí việc làm.

Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, cần làm rõ các mối quan hệ với các luật có liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Luật Cán bộ, công chức để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô để xác định nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc những vấn đề cần thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ngoài ra, cần đánh giá cụ thể về nguồn lực (tài chính và nhân lực) để triển khai các quy định mới của Luật, như tổ chức, thiết kế lại hệ thống vị trí việc làm, tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, công chức…

Phương Thảo

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm