--> -->
Dòng sự kiện:

Sức lan tỏa từ nguồn vốn Công đoàn

03/02/2024 07:00

Chia sẻ
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình đoàn viên, CNVCLĐ đã có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn Vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn Công đoàn Phát huy hiệu quả nguồn vốn Công đoàn

Những ngày cuối năm, thời tiết Hà Nội se se lạnh kèm theo mưa phùn bay lất phất báo hiệu mùa Xuân đang đến gần, chúng tôi có dịp ghé thăm xưởng áo chần bông của cô giáo Phan Thị Tú Mai - đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Hoa Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc cô giáo Tú Mai và các đồng nghiệp của mình đang miệt mài làm việc, từng đường kim, mũi chỉ, nét vẽ trên sản phẩm được các cô thực hiện rất tỉ mỉ với tất cả tâm huyết và sự sáng tạo của mình.

Sức lan tỏa từ nguồn vốn Công đoàn
Xưởng áo chần bông của cô giáo Tú Mai tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động khác. (Ảnh: Mai Quý)

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình hình thành và phát triển của xưởng áo chần bông, cô giáo Tú Mai cho biết: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng áo chần bông trên thị trường ngày càng lớn, lại sẵn có nghề gia truyền, tôi đã quyết định mở xưởng áo chần bông với mong muốn cung cấp cho thị trường những chiếc áo chần bông chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đồng thời tạo thêm việc làm để phát triển kinh tế gia đình”.

Trong quá trình hoạt động, xưởng áo chần bông của cô giáo Tú Mai gặp không ít khó khăn, nhất là khó khăn về vốn để phát triển sản xuất. Đúng lúc đó, cô đã được Công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai giới thiệu, tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn với số tiền là 30 triệu đồng.

“Nhờ nguồn vốn vay này, tôi có điều kiện để duy trì, phát triển xưởng áo chần bông của mình. Đến nay, xưởng đã đi vào hoạt động ổn định, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xưởng đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho 13 giáo viên trong và ngoài trường, với thu nhập thêm từ 6 - 7 triệu đồng/tháng”, cô giáo Tú Mai vui vẻ chia sẻ.

Đến một huyện ngoại thành Hà Nội, chúng tôi có dịp tham quan mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Công Phúc - đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và nghe anh chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, đầu năm 2018, thông qua Công đoàn xã Đức Giang, anh Phúc được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn. Với số vốn vay là 20 triệu đồng, anh Phúc đã đầu tư vào mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hai năm sau, mô hình của anh dần đi vào ổn định và mang lại thu nhập.

Trên đà phát triển, sau khi tất toán khoản vay, với mục đích mở rộng thêm quy mô trồng trọt, chăn nuôi, anh Phúc tiếp tục vay vốn từ Quỹ Trợ vốn với số tiền vay là 30 triệu đồng. Từ số tiền vay mới cùng với tiền lãi những năm trước đó, anh Phúc đầu tư xây thêm chuồng, thả thêm cá, nuôi hàng trăm con gà, ngan, tạo việc làm thêm cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm mở rộng quy mô, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phúc rộng gần 3.000m2, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả.

Sức lan tỏa từ nguồn vốn Công đoàn
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn, anh Nguyễn Công Phúc đã có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: MQ)

Trò chuyện với chúng tôi sau khi vừa kết thúc công việc, anh Phúc cho biết: “Ngay sau khi nhận tiền từ Quỹ Trợ vốn, tôi đã hoạch định số tiền rõ ràng, chia thành các khoản nhỏ để đầu tư vào mua con giống. Trong quá trình chăn nuôi, tôi chú trọng chăm sóc cẩn thận để vật nuôi ít bệnh, đến khi xuất chuồng số tiền lãi sẽ tái đầu tư vào cơ sở vật chất. Như vậy, từ số tiền vốn nhỏ ban đầu nếu biết tính toán sẽ sinh ra được khoản tiền lớn. Bình quân thu nhập thêm của gia đình tôi đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm, thậm chí có năm đạt 60 - 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”.

Với thành quả gặt hái được, hiện nay, anh Phúc là một đoàn viên tiêu biểu của Công đoàn xã Đức Giang tạo cảm hứng cho nhiều đoàn viên khác vươn lên làm giàu. Nói về ý nghĩa là chỗ dựa cho đoàn viên làm giàu của nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn, anh Phúc cho biết: “Quỹ Trợ vốn thực sự là điểm tựa giúp những đoàn viên, công nhân lao động còn khó khăn về kinh tế như chúng tôi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Nếu nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống hay tín dụng đen”.

Trường hợp của cô giáo Tú Mai và anh Phúc là những minh chứng sống động cho thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn. Nguồn vốn vay này đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn đoàn viên, CNVCLĐ và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2018 - 2023, Quỹ Trợ vốn đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định, giải ngân 313,7 tỷ đồng cho hơn 12.500 lượt đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm mới cho hơn 12.700 người. Đặc biệt đã có hơn 3.350 đoàn viên, CNVCLĐ tại 198 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 87 tỷ 730 triệu đồng.

Chia sẻ về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho biết, Quỹ Trợ vốn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Quỹ Trợ vốn đã triển khai hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn và giải ngân vốn cho đoàn viên, CNVCLĐ nghèo Thủ đô vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện nhà ở, phương tiện đi lại, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn... Quỹ Trợ vốn đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định và kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đoàn viên, CNVCLĐ bảo đảm an toàn, chính xác, luân chuyển nguồn vốn hiệu quả.

Mai Quý

Nghị quyết số 68: Mở rộng cánh cửa tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp SME

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận vốn, đất đai và cơ hội thị trường, Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như “cú hích” thể chế mạnh mẽ, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Những thay đổi không chỉ đến từ nhận thức chiến lược, mà còn thể hiện quyết tâm tháo gỡ thực chất các nút thắt kéo dài trong môi trường pháp lý và hạ tầng.

Cần một chính sách công bằng và phù hợp hơn cho khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng rõ nét trong bức tranh tăng trưởng của Việt Nam, không chỉ về tỷ trọng đóng góp, mà còn là động lực cải cách, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự “cất cánh”, điều kiện tiên quyết là phải có một chính sách đủ bao trùm, công bằng và đúng hướng - nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc thể chế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho 22 hộ gia đình có đất nằm trong dự án

Báo Lao động Thủ đô phản ánh khó khăn của 22 hộ gia đình từng là công nhân Nông trường Đông Anh II khi nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sai tại ngã ba Kim nhưng không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ngay sau khi báo đăng, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội cho biết đã có báo cáo đề xuất Thành phố chấp thuận chính sách hỗ trợ khác đối với các hộ dân, bao gồm, hỗ trợ về đất và hỗ trợ về tài sản (nhà, công trình xây dựng trên đất).
Xem thêm