--> -->
Dòng sự kiện:

Tài xế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa mừng, vừa lo khi được chở khách trở lại

20/11/2021 17:49

Chia sẻ
Dù đã được cho phép hoạt động chở khách trở lại, nhưng nhiều tài xế công nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn lo lắng khi dịch bệnh còn hiện hữu, nguy cơ lây nhiễm là có dù đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin Covid-19.
Hình ảnh xúc động tại Lễ tưởng niệm những nạn nhân qua đời vì dịch Covid-19 tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp trở lại Vì sao thành phố Hồ Chí Minh quyết định tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường...?

Có thêm thu nhập

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn. Theo đó, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe máy, môtô 2 bánh công nghệ được phép hoạt động hạn chế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe môtô hai bánh sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe hai bánh trên thiết bị di động) sẽ hoạt động hạn chế, trong đó không quá 50% số xe của từng đơn vị và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các hãng taxi công nghệ cũng bắt đầu chạy lại 100% và không còn giới hạn số lượng 10% được chạy như trước.

Sau khi thông tin này được công bố, nhiều tài xế công nghệ - nhất là những xe ôm công nghệ bày tỏ sự lạc quan và vui mừng khi được hoạt động đón khách trở lại, sau nhiều tháng “ngồi không” do dịch Covid-19.

Từ sáng sớm đến gần đầu giờ chiều, ông Trần Văn Quang (38 tuổi, ngụ quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) đã “nổ” được 2 cuốc chở khách. Ông còn phấn khởi đem điện thoại ra khoe số tiền tiền mình kiếm được cả buổi sáng đó, vì từ rất lâu rồi cảm giác có khách đặt chuyến mới quay lại với những người tài xế công nghệ như ông.

“Ngày này được tôi mong mỏi từ khi thành phố bắt đầu mở cửa tới giờ rồi, vì bữa nay làm ăn khó, kiếm tiền không dễ như hồi trước dịch. Gần cuối năm, cả nhà đều trong chờ vào đồng tiền của tôi kiếm được từ mấy cuốc xe, mấy ngày trước đây đi giao hàng cho người ta có kiếm được bao nhiêu đâu chú”, ông Quang chia sẻ.

Tài xế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa mừng, vừa lo khi được chở khách trở lại
Từ ngày được chở khách, nhiều tài xế công nghệ như ông Quang lại có thêm chút thu nhập, dù lượng khách vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Trước đây, mỗi ngày ông Quang chạy giao hàng cho khách kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày, nhưng từ khi thành phố cho phép chở khách trở lại, ông lại kiếm được thêm chút đỉnh phụ vào tiền sinh hoạt cho gia đình. Dù những ngày đầu, số “cuốc nổ” còn ít, có khi cả ngày chỉ được 1 chuyến, nhưng đối với ông nhưng vậy cũng là vui rồi.

“Dù sao có khách để mà chở còn hơn là ngồi không mà chú. Người ta bây giờ về quê cả rồi, nên cuốc nổ ít hơn là phải chấp nhận thôi. Với dịch dã bây giờ không phải ai cũng muốn đi xe ôm của chúng tôi, đa số họ đều tự đi xe cá nhân hết”, ông Quang cho biết.

Vừa chạy về sau khi giao một đơn hàng, anh Nguyễn Xuân Hoài (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) vừa nhìn về phía điện thoại vừa chia sẻ: “Tôi chờ cuốc chở khách nổ từ sáng giờ mà có cái nào đâu, toàn là đi giao hàng không à, nói chung mới cho hoạt động lại cũng không lo lắm. Thu nhập bây giờ cũng đủ để ăn qua ngày, không có tiền để dành đâu".

Tài xế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa mừng, vừa lo khi được chở khách trở lại
Những ngày đầu hoạt động lại, đa số vẫn là những chuyến giao hàng, đồ ăn.

Anh Hoài cho biết, từ khi đợt dịch thứ 4 mới bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, anh đã nhập đoàn xe máy tự chạy về quê để tránh dịch. Nhưng khi nghe tin thành phố mở cửa trở lại, anh lại lên xe khách quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh nhằm kiếm chút tiền tiêu Tết. Nhưng hiện tại, kiếm được tiền để mua vé xe Tết cũng khiến anh Hoài đau đầu.

“Tôi chỉ mong làm sao dịch bớt đi, khách người ta mới đặt chuyến nhiều hơn, cuối năm cận Tết mong là chạy được nhiều. Khi đó mấy anh em tài xế công nghệ như chúng tôi mới có tiền mà về quê ăn Tết. Cả năm nay có chạy được gì nhiều đâu, phải lấy chỗ này bù qua chỗ kia, cuối cùng không thu lại được gì hết, đã vậy nguy cơ dịch bệnh rình rập khi nào không hay”, anh Hoài bộc bạch.

Vẫn còn lo lắng

Mua xe ô tô trả góp từ năm 2019 để hành nghề taxi công nghệ, anh Trần Xuân Trường (32 tuổi, ngụ quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) đang phải vừa gồng gánh tiền lãi vừa kiếm tiền sinh hoạt cho cả nhà. Ngoài người vợ là giáo viên mầm non đang thất nghiệp, thì anh còn có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Vì vậy, khi thành phố cho phép 100% số lượng taxi công nghệ được hoạt động, anh Trường cũng thấy nhẹ nhõm hơn.

Tuy nhiên, dù được chạy chở khách trở lại, anh Trường vẫn còn nhiều nỗi lo đằng sau, khi dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây bệnh khi nào không hay. “Được chạy lại thì vui thật, nhưng mà lỡ chở trúng khách F0, rồi mình nhiễm bệnh đem về cho gia đình thì áy náy lắm. Bây giờ nửa muốn chạy, nửa muốn nghỉ…”, anh Trường chia sẻ.

Tài xế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa mừng, vừa lo khi được chở khách trở lại
Dù được trang bị nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhưng những tài xế taxi công nghệ lúc nào cũng lo lắng nguy cơ nhiễm bệnh.

Anh Trường cho biết, mặc dù trên xe đã trang bị các biện pháp phòng dịch như có tấm chắn, chai cồn xịt khuẩn, nước rửa tay khô, nhưng nỗi lo lúc nào cũng hiện hữu trong người. "Nói anh đừng cười, chứ có lần chở khách mà thấy khách ho vài lần thôi là tôi cũng toát mồ hôi rồi. Mới xuống xe là xịt cồn liên tục, vừa đảm bảo cho khách sau vừa đảm bảo cho bản thân mình", anh Trường cho biết thêm.

Tương tự, ông Cao Văn Tuệ ( 53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân ông đang mắc bệnh nền là tim mạch, dù đã được tiêm hai mũi vắc xin rồi, nhưng lúc nào cũng sợ bị nhiễm Covid-19, vì thế khi được chở khách trở lại, ông vẫn ái ngại không dám nhận cuốc.

“Chở khách thì thu nhập nhiều hơn đó, nhưng mà lỡ dính F0 thì bao nhiêu tiền cũng không quan trọng nữa. Tôi bây giờ chỉ nhận đơn giao hàng thôi, thà kiếm tiền ăn cơm qua ngày còn hơn là kiếm được nhiều tiền mà lây bệnh khi nào không hay. Tôi thì không sao, còn con cháu ở nhà nữa”, ông Tuệ chia sẻ.

Tài xế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa mừng, vừa lo khi được chở khách trở lại
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tài xế có bệnh nền hiện nay vẫn chưa dám nhận chở khách dù có thông báo cuốc xe.

Ông Tuệ cho biết thêm, nhiều ngày qua ông hay đọc được tin có người tiêm hai mũi vắc xin vẫn tử vong, nên bản thân ông mang bệnh nền cũng sợ bị nhiễm. Ông dự định sẽ đợi đến khi nào dịch được kiểm soát hoàn toàn mới dám nhận cuốc chở khách.

Hiện nay, các hãng xe công nghệ như Be, Grab, Gojek đều đã thông báo triển khai trở lại dịch vụ đón trả khách bằng xe máy, mô tô 2 bánh. Đồng thời, yêu cầu tất cả đối tác tài xế phải tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, theo quy định của cơ quan chức năng.

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm cung cấp danh sách phương tiện và người điều khiển phương tiện đang quản lý và thông tin phương tiện và người điều khiển phương tiện dự kiến hoạt động đến Sở Giao thông Vận tải để cập nhật trên trang thông tin điện tử của Sở.

Minh Tuấn

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm