--> -->
Dòng sự kiện:

Tất giả tràn lan tại La Phù: Gắn mác thương hiệu lớn, bán như hàng thật

27/05/2025 13:24

Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện lượng lớn hàng giả của một số nhãn hiệu nổi tiếng tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế phải đấu tranh quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ Cần quyết liệt xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế

Sản xuất tất giả nhãn hiệu UNIQLO, Slazenger, Adidas, Nike

Trên mặt sàn rộng hơn 300m2, căn nhà cấp 4 được chia thành nhiều khu vực nhỏ với đường đi lắt léo, được Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Sơn Vân Nam sử dụng làm nơi sản xuất, đóng gói và hoàn thiện các sản phẩm, chủ yếu là tất chân.

Cơ sở sản xuất do ông N.P.S. (sinh năm 1976) làm chủ, được đăng ký thành lập từ năm 2012, với danh mục đăng ký kinh doanh gồm hàng chục ngành nghề khác nhau từ sản xuất trang phục dệt kim, hàng may sẵn, sản xuất sợi, bán buôn máy móc, thiết bị đến bán buôn gạo...

Tại thời điểm kiểm tra, mọi hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn diễn ra bình thường. 32 máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa hoạt động tối đa công suất. Hàng chục nhân công, chủ yếu là người địa phương đang sắp xếp sản phẩm theo từng nhãn hiệu khác nhau để sẵn sàng đóng gói.

Tuy nhiên, bằng hoạt động nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra phát hiện tại nhiều ngóc ngách của xưởng sản xuất cất giấu nhiều sản phẩm mang thương hiệu UNIQLO, Slazenger… có dấu hiệu sản xuất hàng giả và giả mạo xuất xứ.

Kiểm tra xưởng sản xuất tại Hà Nội, phát hiện sản phẩm nghi giả nhãn hiệu
Đoàn kiểm tra hàng hóa tại cơ sở.

Xét thấy cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã mời Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp kiểm tra.

Đặc biệt, kiểm tra thực tế các máy đang sản xuất hàng hóa tại xưởng, Đoàn kiểm tra phát hiện trong dữ liệu của máy còn lưu các tiêu bản thể hiện nhiều thương hiệu khác nhau đã được cơ sở sản xuất trước đó.

Đoàn kiểm tra còn ghi nhận một lượng lớn tem, nhãn mác có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tiến hành đối chiếu hóa đơn cơ sở cung cấp, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tạm giữ một số lượng lớn nguyên liệu, nhãn mác, tem, cùng gần 10.000 đôi tất có dấu hiệu giả xuất xứ và nhãn hiệu và niêm phong toàn bộ các máy móc có dấu hiệu sản xuất hàng giả, để tiếp tục xác minh, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, giữa tháng 4/2025, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất hàng dệt kim tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ hơn 14.000 đôi tất cùng 6.500 tem nhãn có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Tommy Hilfiger, Asics, Yonex, NY và LA của Công ty MLB.

Tất giả tràn lan tại La Phù: Gắn mác thương hiệu lớn, bán như hàng thật
Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn những đôi tất "nhái".

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Các vụ việc trên cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là mặt hàng tất, vẫn diễn biến phức tạp tại La Phù và các khu vực lân cận. Theo cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất hàng nhái thường hoạt động bí mật, sử dụng máy móc hiện đại và đội ngũ công nhân lành nghề để cho ra đời những sản phẩm có mẫu mã gần như y hệt hàng thật. Chỉ với vài chục nghìn đồng chi phí sản xuất, những đôi tất "nhái" này có thể được bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần, thậm chí ngang ngửa hàng chính hãng, đánh lừa người tiêu dùng nhẹ dạ.

Bên cạnh đó, lợi nhuận "khủng" từ việc làm giả đã khiến tình trạng này trở nên khó kiểm soát, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Các đối tượng vi phạm liên tục thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động để trốn tránh bị phát hiện.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, đối với các trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn, gây thiệt hại lớn hoặc có yếu tố có tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đặc biệt là Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả) và các điều liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Có thế bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 1 triệu đến 500 triệu đồng (tùy giá trị hàng hóa và đối tượng vi phạm). Nặng hơn, có thể bị truy cứu hình sự, bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm, thậm chí trong một số trường hợp có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...

Theo luật sư Nguyên Hoàng, để dẹp bỏ vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành tại La Phù và các khu vực lân cận, đề nghị các cơ quan chức năng cần có những hành động quyết liệt và đồng bộ hơn. Lực lượng QLTT và Công an kinh tế cần thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kho hàng, điểm bán buôn, bán lẻ, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm như La Phù. Sử dụng phần mềm để truy vết nguồn gốc hàng hóa, phân biệt thật - giả và giám sát giao dịch trực tuyến.

"Công khai các vụ việc, phổ biến kiến thức nhận biết hàng giả cho người dân và tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, không chỉ tịch thu tang vật mà phải điều tra tận gốc các đường dây, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu hình sự để răn đe", luật sư Nguyễn Hoàng cho hay.

Minh Phương

Cơ chế vượt trội cần lời giải

Hà Nội đang đứng trước thời điểm quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị, nhất là trong bối cảnh 3 văn kiện quan trọng là Luật Thủ đô và 2 Quy hoạch của Thủ đô đều đã được phê duyệt. Xuyên suốt các văn kiện này, Hà Nội đã xác định mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) như là một giải pháp quan trọng để xây dựng một thành phố hiện đại, bền vững… Định hướng đã rõ, chủ trương lớn cũng đã được thông qua, nhưng để đạt được “lợi ích thực tế” vẫn còn chặng đường dài phải đi.

Làm sao để học sinh có một kỳ nghỉ hè bổ ích, ý nghĩa?

Hè là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi, lấy lại cân bằng sau một năm học tập đầy căng thẳng, vất vả. Tuy nhiên, làm sao để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn, ý nghĩa vẫn là mối băn khoăn, trăn trở; đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

ASEAN All-Stars vs Manchester United: Hơn cả một trận cầu lịch sử

Vào lúc 19h45 ngày 28/5, người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á sẽ chứng kiến một sự kiện được chờ đợi từ lâu: Trận giao hữu quốc tế giữa ASEAN All-Stars và gã khổng lồ nước Anh, Manchester United. Đây không chỉ là một cuộc đối đầu mang tính biểu tượng mà còn đánh dấu sự trở lại của Quỷ Đỏ tại Malaysia sau 16 năm, kể từ chuyến du đấu năm 2009. Sân vận động Bukit Jalil với sức chứa lên tới 85.000 chỗ ngồi sẽ là nơi diễn ra đêm đáng nhớ này, và hơn thế nữa, trận đấu còn mang ý nghĩa cao đẹp khi được tổ chức nhằm gây quỹ cho tổ chức từ thiện YASA (Al-Sultan Abdullah), thể hiện tinh thần thể thao gắn kết với trách nhiệm xã hội.
Xem thêm