
Bảo tồn di sản thế giới tại Thủ đô: Lấy cộng đồng làm trung tâm
21/05/2025 18:22
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Khu Phố cổ Hà Nội Khu phát triển thương mại và văn hóa: Cầu nối giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế |
Ngày 21/5, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Bộ Ngoại giao - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững".
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự hiện diện của ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới.
Thủ đô Hà Nội - "Thành phố di sản" giàu bản sắc văn hóa
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: "Thủ đô Hà Nội được biết đến là 'Thành phố di sản' với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại đã được UNESCO vinh danh như: di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản Hội Gióng, di sản Ca trù, di sản bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám... đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa".
![]() |
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội thảo. |
Thành phố Hà Nội xác định "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững", trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân. Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà cũng cho biết, Thành phố đã ban hành các quy định, cơ chế chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn, quan tâm chỉ đạo hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch với công tác quản lý, bảo tồn phát huy di sản văn hóa.
Đặc biệt, Hà Nội đang định hướng phát triển không gian sáng tạo văn hóa tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ - phù hợp với vai trò là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã nêu bật vai trò quan trọng của di sản trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng: "Di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai - một nguồn lực quý giá giúp các cộng đồng định vị bản sắc văn hóa, củng cố sự gắn kết xã hội và tạo động lực cho phát triển sáng tạo".
![]() |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo. |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cũng chỉ ra những thách thức mà di sản đang phải đối mặt: "Các giá trị di sản - cả văn hóa và thiên nhiên - đang đứng trước nhiều nguy cơ: biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người".
Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng tiêu biểu cho sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, là biểu tượng của lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô.
Điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là việc đề cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Trong Công ước 1972, UNESCO đã nhấn mạnh đến 5 chữ 'C' trong chiến lược toàn cầu, trong đó 'Community' - Cộng đồng - được coi là một trụ cột then chốt. Chữ 'Cộng đồng' ở đây không chỉ đơn thuần là một khái niệm, mà là một triết lý, một nguyên tắc cốt lõi của bảo tồn di sản".
"Chính cộng đồng là những người nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá, hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử và giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản. Khi cộng đồng được trao quyền tham gia đầy đủ và có thực quyền trong quá trình bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di sản, thì hiệu quả bảo tồn mới thực sự bền vững và lâu dài", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng chia sẻ: "Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử, nâng cao nhận thức gắn kết di sản văn hóa, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo".
Hà Nội - Mô hình kết nối di sản với phát triển đô thị bền vững
Hội thảo tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững, trong đó Hà Nội được xem như một mô hình điển hình với những thách thức và cơ hội đặc thù.
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhìn nhận: "Công tác quản lý di tích nói chung và Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng vẫn còn đặt ra nhiều thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất".
Một điểm nổi bật trong các phát biểu tại Hội thảo là việc nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo: ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng nêu rõ sự cần thiết của việc "ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản" như một trong những giải pháp quan trọng được thảo luận tại Hội thảo.
Hợp tác quốc tế được xác định là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: "Thành phố đã tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản thế giới của các quốc gia, các Thành phố có di sản ưu thế nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử".
Hội thảo cũng đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất quan trọng cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng - chủ sở hữu thực sự của di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Một điểm đáng chú ý là định hướng phát triển không gian sáng tạo văn hóa tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là một trong những mô hình tiên phong kết hợp giữa bảo tồn di sản truyền thống và phát triển các hoạt động sáng tạo đương đại, đặc biệt phù hợp với vị thế của Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Với sự chuyển dịch từ cách tiếp cận "bảo tồn thuần túy" sang "bảo tồn gắn với phát triển", trong đó cộng đồng đóng vai trò trung tâm, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ là "Thành phố di sản" mà còn là một đô thị sáng tạo, nơi giá trị truyền thống và hiện đại được kết nối hài hòa vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker nhận định: “Lấy cộng đồng làm trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ là tham vấn ý kiến người dân bản địa, mà còn là sự trao quyền chủ động. Tức là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa, và hưởng lợi về kinh tế - xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản”. Trong khi đó, khẳng định cộng đồng giữ vai trò trung tâm trong bảo tồn di sản thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: "Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, nắm quyền và đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Trong bối cảnh hiện nay, khi di sản thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và bất bình đẳng kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm. Sự công nhận vai trò của cộng đồng đã được nêu rõ trong Hướng dẫn hoạt động của Công ước Di sản Thế giới". |

Chung kết Cúp Đông Nam Á: CLB Công an Hà Nội gục ngã sau loạt luân lưu

Nhà trường không tổ chức dạy thêm, dạy trước cho học sinh trong dịp hè

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần

Hà Nội: 679 học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 năm học 2025 - 2026

Cách tính mức lương hưu hằng tháng từ 1/7/2025

“Nhờ Công đoàn, gia đình tôi không còn phải thuê trọ”

Sẽ tiến hành khởi công dự án cầu Ngọc Hồi nối Hà Nội - Hưng Yên đúng kế hoạch

Gần 200 hình ảnh, tài liệu quý tại triển lãm “Tài liệu xuất xứ cá nhân”

Ký ức về chiếc mâm đồng cũ

Kéo dài thời hạn chiêm bái xá lợi Đức Phật tại Việt Nam sau 21/5

Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở kịch "Không gia đình" dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Tăng cường quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch trên nền tảng TikTok

Hà Nội bảo tồn làng nghề gắn liền với phát triển du lịch

Lưu giữ hồn dân tộc qua di sản văn hóa dân gian

Dấu ấn cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật tạo hình

Khai mạc triển lãm số về nghệ thuật Phật giáo thời Lý

Đông đảo phật tử, người dân tiếp tục về chùa Quán Sứ chiêm bái Xá lợi Đức Phật
Tin đọc nhiều

Giá vàng hôm nay (20/5): Tăng giá mạnh mẽ cả vàng miếng và vàng nhẫn

Dự báo giá xăng, dầu trong phiên điều hành ngày mai (22/5)

Giá vàng lại tăng cao, người dân xếp hàng dài chỉ mua được... 1, 2 chỉ!

Tỷ giá USD hôm nay (21/5): Giá USD "chợ đen" tăng nhẹ
