--> -->
Dòng sự kiện:

Chất “thép” của chiến sĩ trên mặt trận chống ma túy

08/11/2022 14:57

Chia sẻ
Hơn 20 năm công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an thành phố Hà Nội), Trung tá Phạm Như Trường đã trực tiếp thâm nhập vào các “điểm nóng” để khảo sát, nắm tình hình. Đồng thời, cùng tập thể đơn vị xây dựng kế hoạch đấu tranh, giải quyết, không để tình trạng phức tạp về ma tuý trên địa bàn thành phố. Anh là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022.
Nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống ma túy

Xông pha các điểm nóng

Trung tá Phạm Như Trường - Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an thành phố Hà Nội sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, năm 2000, anh Trường được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy. Hơn 20 năm công tác, Trung tá Trường đã nhiều lần phải đối mặt với nguy hiểm khi tổ chức truy bắt tội phạm ma túy, vì thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, manh động và liều lĩnh, sẵn sàng nổ súng tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Chất “thép” của chiến sĩ trên mặt trận chống ma túy
Trung tá Phạm Như Trường (đứng) luôn nỗ lực vì sự bình yên của nhân dân.

Trung tá Phạm Như Trường nhớ lại, thời điểm năm 2012-2014, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Thủ đô diễn biễn phức tạp. Trong đó có một ổ nhóm ma túy hoạt động kiểu boongke tại phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng) gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đối tượng cầm đầu bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, lôi kéo cả gia đình, họ hàng cùng tham gia tổ chức buôn bán ma túy. Chúng dùng thủ đoạn tinh vi, bán ma túy trong ngõ ngách nhỏ, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập.

Được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình, anh Trường và các chiến sĩ Đội 3 đã lên kế hoạch tổ chức đấu tranh triệt xóa. Xác định ổ nhóm này rất phức tạp, Đội 3 đã chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tập trung bắt giữ. Khi triển khai bắt khám xét khẩn cấp, đối tượng đã dùng dao lam để rạch bụng, vẩy máu vào cán bộ chiến sĩ. Rất đông người thân trong gia đình, họ hàng của đối tượng chống đối lực lượng cảnh sát. Thậm chí, các chiến sĩ phải nổ súng cảnh cáo. Nhưng bằng sự linh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ đã vừa động viên thuyết phục vừa tiếp cận khống chế đối tượng thành công.

Trong một lần cùng đồng đội triệt phá tụ điểm bán lẻ ma túy phức tạp trên địa bàn huyện Ứng Hòa do Dư Ngọc Vượng cầm đầu vào năm 2016, anh Trường đã bị thương trong lúc bắt giữ đối tượng. Theo đó, Vượng có 2 tiền án về tội ma túy, lại nghiện nên tổ chức bán lẻ ma túy ngay tại nhà riêng. Hàng chục con nghiện qua lại nhà Vượng mua bán mỗi ngày gây bức xúc cho người dân. Để đối phó với cơ quan Công an, Vượng xây tường bao quanh nhà, chăng dây thép gai cao 3 mét, khoét một ô nhỏ chỉ đủ lọt một bàn tay trên tường rào để bán ma túy. Vượng không bao giờ cho con nghiện vào nhà mà chỉ ở trong sân, giao dịch ma túy qua ô tường này.

Việc bắt giữ quả tang đối với Vượng là rất khó. Phía sau nhà Vượng lại là sông, trường hợp yêu cầu đối tượng mở cổng thì khả năng tên này có thời gian phi tang tang vật ra sông. Do đó, sau khi đã thu thập đủ tài liệu chứng cứ về việc Vượng bán ma túy để ra lệnh bắt khẩn cấp. Anh Trường và đồng đội quyết định thực hiện phương án bắt giữ bí mật, bất ngờ để đối tượng không kịp trở tay tẩu tán tang chứng. Chờ cho đối tượng mở cửa đi ra sân, anh Trường cùng các trinh sát đồng loạt từ ngoài vượt tường rào vào khống chế đối tượng. Trong chuyên án này anh đã bị thương, gãy ống chân trái. Đồng đội của anh đã tiếp ứng kịp thời bắt giữ tên Vượng và đưa người chỉ huy đi cấp cứu.

Sau 3 tháng điều trị, mặc dù còn chống nạng nhưng Trung tá Trường đã trở lại vị trí chiến đấu. Tháng 1/2018, Trung tá Phạm Như Trường được công nhận là thương binh hạng 4/4. Dẫu vậy, anh vẫn trực tiếp chỉ huy các trận đánh và bao giờ cũng ở mũi trực diện tấn công, khống chế, bắt giữ đối tượng.

Nỗ lực vì sự bình yên của nhân dân

Những năm qua, trên cương vị lãnh đạo chỉ huy của Đội 3, Trung tá Phạm Như Trường luôn chỉ đạo, hướng dẫn, động viên anh em chiến sĩ nắm tình hình kịp thời, chủ động trong công việc để làm sao giữ được ổn định tình hình địa bàn, không phát sinh điểm, tụ điểm, điểm nóng mua bán ma túy công khai công khai gây bức xúc. Đặc biệt, trong quãng thời gian công tác, chuyên án bắt giữ đối tượng Nguyễn Nhự Lý và đồng bọn đã để lại cho Trung tá Phạm Như Trường những kỉ niệm không quên.

Anh nhớ lại, khoảng đầu năm 2020, qua công tác nắm tình hình, Đội 3 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội, phát hiện đường dây vận chuyển ma tuý đá với số lượng lớn từ Hà Tĩnh về Hà Nội do Nguyễn Nhự Lý (sinh năm 1992, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều hành. Tham gia vào đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý của Lý còn có Đinh Văn Thành (sinh năm 1994, cũng trú tại quận Cầu Giấy); Dương Minh Quang (sinh năm 1984, ở tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và một số đối tượng khác. Cứ khoảng một tháng, Lý, Thành cùng Quang lại đi Hà Tĩnh; vận chuyển từ 30 đến 50kg ma tuý “đá” về Hà Nội tiêu thụ.

Khi đó, Trung tá Phạm Như Trường đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ Đội 3 giám sát di, biến động của các đối tượng trong đường dây. Qua nhiều ngày “nằm gai, nếm mật”, Trung tá Phạm Như Trường và đồng đội xác định Lý là đối tượng có lệnh truy nã về hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý. Lý vì thế có nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi đối phó với sự phát hiện của cơ quan Công an.

“Nguyễn Nhự Lý là đối tượng truy nã nên rất manh động, liều lĩnh, có thể gây nguy hiểm cho tổ công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và người dân đi đường. Đối tượng chủ yếu hoạt động về tối và đêm đến rạng sáng hôm sau; địa điểm giao hàng cũng không cố định… Đây là vụ án mà khi khám phá, các trinh sát Đội 3 nhiều ngày đêm rất vất vả, giám sát đối tượng”, Trung tá Phạm Như Trường chia sẻ.

Quá trình lần theo dấu vết của các đối tượng, khoảng 20h ngày 30/3/2021, Đội 3 đã phối hợp với Công an phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bắt giữ Lý khi đang lẩn trốn tại một căn hộ chung cư ở đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng. Quá trình khám xét, đã thu giữ tại nơi ở của Lý khối lượng lớn Methamphetamine cùng nhiều tang vật khác liên quan đến hành vi phạm tội.

Mới đây, Trung tá Phạm Như Trường là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022. Anh cho biết “Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực để tôi cùng đồng đội tiếp tục lập thêm những chiến công mới, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, đem lại sự bình yên cho nhân dân Thủ đô”.

Bên cạnh danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022, những năm qua, Trung tá Phạm Như Trường cũng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen… Từ năm 2017 đến năm 2021, Trung tá Phạm Như Trường đã liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2019 được Bộ Công an phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng”…/.

“Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng trinh sát phải chịu nhiều áp lực, gian khổ, thiệt thòi, hi sinh rất nhiều. Nhưng khi ra đường, chúng tôi thấy đường phố, xã phường yên vui, tội phạm và tệ nạn ma túy được kiềm chế, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng Công an ngày càng được nhân lên. Đây chính là nguồn động lực để chúng tôi phát huy truyền thống của lực lượng Công an nhân dân”, Trung tá Phạm Như Trường bày tỏ.
K.Tiến - M.Phương

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm