--> -->
Dòng sự kiện:

Chờ mong diện mạo mới của khu tập thể Kim Liên

21/05/2025 11:57

Chia sẻ
Vận dụng cơ chế đặc thù, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô, hiện thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ trong đó có khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. Mặc dù còn nhiều băn khoăn mong được giải đáp, tuy nhiên với đông đảo người dân nơi đây, trên tất cả là kỳ vọng về sự đổi thay, về cuộc sống mới tại nơi họ từng gắn bó suốt thời gian dài.
Hà Nội bố trí 172 căn hộ cho các gia đình ở khu tập thể cũ phải di dời Hà Nội phê duyệt quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ "cổ nhất" Thủ đô

Người dân đồng thuận

Từng được gọi là “khu tập thể cao tầng cao cấp”, bắt đầu đón cư dân vào ở từ đầu năm 1962, thế nhưng sau gần 60 năm vận hành, những người gắn bó với khu tập thể Kim Liên giờ đang phải đối mặt với nỗi lo hiện hữu đó là “sự xuống cấp”. Chính vì vậy, khi được lấy ý kiến về đồ án cải tạo lại khu tập thể Kim Liên mới, phần lớn người dân nơi đây đều đồng thuận.

Nhất trí về chủ trương và sự cần thiết của việc cải tạo, tái thiết đô thị, người dân kỳ vọng về điều kiện sống mới tốt hơn, ổn định hơn tại chính nơi họ đã gắn bó, tuy nhiên một số người dân cũng còn có những băn khoăn.

Sinh sống tại toà nhà B16, tập thể Kim Liên, ông Đặng Hồng Thu có nhiều suy nghĩ về hệ số K - hệ số đền bù được nêu trong đồ án quy hoạch. “Quận Đống Đa là 1 trong 4 quận lõi của Thủ đô, vậy nên nếu nhà đầu tư đã quan tâm, đã thấy được giá trị đất dịch vụ của khu vực này, nên có phương án đền bù sao cho phù hợp, hài hòa giữa người dân và chủ đầu tư...”, ông Thu chia sẻ.

Mong muốn giải thích thêm về các thuật ngữ trong đồ án, anh Nguyễn Văn Ngân, B13, tập thể Kim Liên, đề nghị cần giải thích rõ hơn các từ ngữ và các khu đất được ký hiệu là nhà ở hỗn hợp, nhà ở tái thiết đô thị hay là nhà ở thương mại.

Chờ mong diện mạo mới của khu tập thể Kim Liên
Sau gần 60 năm vận hành, khu tập thể Kim Liên đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Lo lắng việc quy hoạch, cải tạo, nâng cao số tầng sẽ làm gia tăng mật độ dân số, tác động đến sinh hoạt, đi lại của cư dân, ông Phạm Xuân Thạch, nhà B8b, tập thể Kim Liên cho rằng cần làm rõ hơn việc quy hoạch hai con đường Lương Định Của và Đông Tác, nếu tiếp tục để mốc chỉ giới như cũ thì nguy cơ tắc đường là rất lớn.

“Theo tôi được biết, khi cải tạo nhà B14 có nhiều gia đình được bố trí diện tích lớn hơn nhưng họ không hoàn thành được vì không có tiền. Đây cũng là băn khoăn của nhiều hộ gia đình chúng tôi hiện nay”, ông Thạch lo lắng.

Giải đáp băn khoăn, lo lắng của người dân, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết: Khi lập quy hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ, quận tập trung “gom” các khu tập thể một khối nhà cao tầng từ đó có thêm quỹ đất phục vụ cho xây dựng công viên, xây dựng các chức năng đô thị như trường học, trạm y tế... để các chỉ tiêu hạ tầng xã hội được bảo đảm tốt hơn khu ở hiện có. Đặc biệt, đồ án cũng tuân thủ theo quy hoạch chung và chỉ đạo của UBND Thành phố là không tăng dân số trong toàn bộ khu quy hoạch, dân số hiện trạng các khu tập thể là bao nhiêu thì sẽ được tái định cư tại chỗ và không có gia tăng tại khu vực này.

“Liên quan đến giao thông, trên đồ án quy hoạch, quận đã nghiên cứu, khảo sát tổng thể dựa trên mối liên hệ giữa 3 khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng. Đặc biệt là mối liên hệ giữa các đồ án với nhau. Giữa các khu luôn có các hệ thống giao thông hiện đại để kết nối các phân khu lại với nhau”, ông Quang cho hay.

Kỳ vọng ở diện mạo mới

Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và phụ cận, tỷ lệ 1/500, Khu vực quy hoạch rộng 35,5 ha, thuộc phường Kim Liên và Phương Mai. Khu tập thể Kim Liên được xây dựng từ những năm 1959-1965, gồm 42 nhà chung cư cao 2-6 tầng, dân số 14.680. Quận Đống Đa đề xuất xây dựng 10 tòa nhà mới, trong đó có 3 tòa thương mại dịch vụ cao 45 tầng và 7 tòa tái định cư cao 40 tầng. Các căn hộ tái định cư sẽ có diện tích trung bình khoảng 70 m2.

Hệ thống giao thông được quy hoạch lại để kết nối các khu vực, bao gồm việc mở rộng và kéo dài tuyến đường chính. Tuyến Hoàng Tích Trí kết nối với đường Phương Mai, tuyến đường gom ven sông Lừ kết nối tuyến Đào Duy Anh, tuyến nối Lương Định Của ra ven sông Lừ, tuyến kết nối ngã tư Đông Tác - Lương Định Của ra hồ Kim Liên.

Chờ mong diện mạo mới của khu tập thể Kim Liên
Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và phụ cận, tỷ lệ 1/500, hệ thống giao thông trong khu vực sẽ được quy hoạch lại để kết nối các khu vực.

Điểm nhấn trong quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu Kim Liên là sự xuất hiện ga ngầm tại phố Hoàng Tích Trí của tuyến đường sắt đô thị số 2 (Thượng Đình - Trần Hưng Đạo). Đồ án quy hoạch này không chỉ nhằm cải tạo nhà ở, mà còn hướng tới phát triển hệ thống dịch vụ thương mại và công trình công cộng theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).

Bên cạnh đó, tại khu Kim Liên sẽ giữ lại một phần nhà thấp tầng để bảo tồn giá trị lịch sử, hòa nhập với không gian mới. Điều này không chỉ giữ gìn ký ức đô thị mà còn tạo điểm nhấn văn hóa, phục vụ du lịch và sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, việc phát triển tổ hợp thương mại quanh ga đường sắt số 2 sẽ nâng giá trị kinh tế khu vực, tạo việc làm và cơ hội kinh doanh cho người dân.

Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với những quy định đặc thù đã và đang dần được cụ thể hóa. Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, Hà Nội được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp; điều này tạo ra yếu tố rất thuận lợi trong cải tạo các khu chung cư cũ.

“Luật Thủ đô 2024 đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Luật cũng quy định rõ về bố trí các khu tái định cư và hệ số đền bù thỏa thuận giải phóng mặt bằng thì Hà Nội có đặc thù từ 1,5 - 2 lần nhà cũ”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản “đôn đốc” tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Việc một số quận đang tiến hành lấy ý kiến về đồ án cải tạp, xây dựng lại các khu tập thể cũ nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt với cư dân đang sinh sống tại đây. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác cải tạo khu tập thể cũ không phải là đập đi xây mới, mà đó là sự “tái thiết, chỉnh trang”, để quá trình ấy thành công, cần sự lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và cùng chung tay vì sự phồn vinh mới.
Tuấn Dũng

Nâng cao đời sống tinh thần và sức khoẻ cho người lao động

Nhân dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025, vừa qua, Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội đã tổ chức Chương trình mít tinh và hoạt động giao lưu tập thể tại trụ sở cơ quan, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên.

Tấm gương sáng giữa đời thường

Trong đội ngũ giáo viên mầm non tận tâm và yêu nghề, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, luôn được nhắc đến như một hình mẫu tiêu biểu. Gần 20 năm gắn bó với nghề và hơn 8 năm làm Chủ tịch Công đoàn, cô không chỉ gieo mầm yêu thương trong trái tim trẻ thơ mà còn vun đắp tinh thần đoàn kết trong tập thể sư phạm.

Chi tiết lịch thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2025 của 63 tỉnh, thành trên cả nước

Tính đến ngày 20/5, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã công bố lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026. Phần lớn các địa phương tổ chức kỳ thi trong tuần đầu tháng 6, với ba môn chính là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt đáng chú ý giữa các địa phương.
Xem thêm