
Giải pháp liên kết vùng trong phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô
13/05/2025 19:20
Kết nối mạng lưới không gian sáng tạo: Động lực mới phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Đánh thức tiềm năng du lịch và công nghiệp văn hóa xứ Đoài |
Chiều 13/5, tại Hà Nội, Hội thảo "Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030" đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà văn hóa, nhà quản lý và đại diện của Hà Nội cùng các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Ngọc Anh - Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công nghiệp văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TS Lê Ngọc Anh khẳng định, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành một trụ cột mới của tăng trưởng kinh tế, góp phần khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà còn bằng bản sắc, tinh thần và sáng tạo.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo. |
Ở Việt Nam, quá trình thúc đẩy công nghiệp văn hóa không chỉ là chiến lược phát triển ngành văn hóa mà còn là định hướng mang tính quốc gia. Việc này nhằm khai thác tài nguyên văn hóa như một nguồn lực mới cho phát triển bền vững, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng lòng tự hào dân tộc và tự tin trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa toàn cầu.
Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa còn là một phần quan trọng của việc củng cố sức mạnh mềm của quốc gia. Sức ảnh hưởng của một quốc gia không chỉ đến từ lợi thế quân sự và kinh tế mà còn từ văn hóa đặc sắc và sức sống sáng tạo của cộng đồng.
Trước những điều kiện, tiềm năng ưu biệt về văn hóa của thành phố ngàn năm văn hiến và của vùng đồng bằng sông Hồng, thành phố Hà Nội đã luôn chủ động thực hiện các hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với nhiều giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy liên kết vùng để tạo thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo, có sức cạnh tranh cao, đem lại giá trị gia tăng cho các chủ thể về nhiều mặt.
Đây được xem là một trong những động lực khơi nguồn sáng tạo trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả vùng, góp phần tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế và hình ảnh về một Thủ đô của một quốc gia đang phát triển năng động, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thế giới.
![]() |
PGS. TS Trần Thị Ngọc Quyên - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. |
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được đặt ra, ngày 8/11/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5832/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ "Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030". Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được giao là đơn vị chủ trì cùng phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 và 2025.
Nhằm làm rõ hơn những luận cứ khoa học cho nhiệm vụ nghiên cứu này, tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận với nhiều nội dung xoay quanh việc phân tích cơ sở lý luận, các quan điểm, khái niệm về công nghiệp văn hóa, sản phẩm công nghiệp văn hóa và liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích các đặc điểm, thành tố và chủ thể của liên kết vùng trong phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa; thực hiện nghiên cứu vai trò và các yếu tố ảnh hưởng; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và trong nước; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu nhận diện và đánh giá hiệu quả liên kết vùng; đánh giá tiềm năng và thực trạng liên kết vùng từ năm 2020 đến nay; dự báo xu hướng đến năm 2030; đề xuất sản phẩm cụ thể thuộc ba lĩnh vực trọng điểm; và cuối cùng là đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng...
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, trên lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, với lợi thế của vùng và nhất là lợi thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội - Thành phố ngàn năm lịch sử văn hiến - anh hùng, Thành phố của Di sản, Thành phố Hòa bình, Thành phố Sáng tạo, liên kết vùng sẽ tạo các không gian phát triển, sẽ tạo cho Hà Nội hoàn thàn trách nhiệm là vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển của vùng và cả nước.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cũng lưu ý khi lựa chọn một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô trong liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cần bảo đảm các yêu cầu: Sản phẩm, dịch vụ văn hóa khi liên kết phải có tiềm năng, lợi thế phát triển; có khả năng gây ấn tượng, uy tín, quan tâm, ưa thích của nhiều người. Sản phẩm có tiềm năng mang tính đại diện, tiếng vang, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc; có khả năng quảng bá, phổ biến sản phẩm, dịch vụ và tiêu dùng rộng rãi; có khả năng mở rộng quy mô và có sức cạnh tranh; có tính độc đáo và khả năng xây dựng thương hiệu riêng; có khả năng liên kết trong sản xuất, phổ biến, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm.
Các sản phẩm cần góp phần định hướng phát triển văn hóa thẩm mỹ cho người tiêu dùng, nhất là lớp trẻ; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; tạo ra và góp phần đóng góp giá trị kinh tế và giá trị văn hóa cho địa phương, vùng và đất nước (quy mô, số lượng lao động, số lượng doanh nghiệp, mức đóng góp thuế trong GRDP, tác động tới tư duy, tình cảm, thái độ, hành vi của công chúng)...
Trong khi đó, PGS. TS Trần Thị Ngọc Quyên - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội quan tâm vấn đề các sản phẩm văn hoá chỉ có thể phát triển và tiếp cận được với khách hàng khi được thể hiện thông qua các không gian sáng tạo. Cách tiếp cận này cũng đem đến cơ hội học hỏi cho nhiều người và mở rộng cơ hội huy động các nguồn lực trong cộng đồng để đem lại giá trị và phát triển văn hoá của từng địa phương và liên vùng. Phát triển liên kết vùng sẽ giúp có những sản phẩm được triển khai theo mô hình "cụm" công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, PGS. TS Trần Thị Ngọc Quyên cũng nhấn mạnh vai trò của các sản phẩm văn hóa trong phát triển bền vững và bảo tồn bản sắc. Quà lưu niệm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn kết nối du khách với văn hóa bản địa. Phát triển công nghiệp văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng cần kết hợp sáng tạo với công nghệ hiện đại để tạo sản phẩm đặc trưng.
Những đóng góp tại hội thảo sẽ được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổng hợp và hoàn thiện để đưa vào báo cáo tổng hợp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030.
Hội thảo cũng đề xuất những giải pháp thiết thực để phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây chính là tiền đề quan trọng để Thủ đô Hà Nội khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của cả vùng, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

Ảo tưởng quyền lực mạng: Cái giá phải trả cho những TikToker “ngông cuồng”

Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội: "Xây" nên những điển hình tiên tiến từ các phong trào thi đua

Hàng nghìn người ken đặc quanh Hồ Gươm chiêm bái Xá lợi Phật

Công đoàn quận Long Biên: Đậm nghĩa tình qua Chương trình “Cảm ơn người lao động”

Khẩn trương chuẩn bị, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Những "người hùng" thầm lặng bảo vệ môi trường Thủ đô

Công an Hà Nội đình chỉ công tác cán bộ Công an phường Dương Nội bị tố đánh người

Từng bước nâng tầm các giá trị di sản

Đánh thức tiềm năng du lịch và công nghiệp văn hóa xứ Đoài

Phổ biến chính sách tiền lương cho người lao động ngành Giáo dục

Tháo gỡ điểm nghẽn để Hà Nội phát triển thương mại và văn hóa

Hà Nội: Tiếp tục tuyên truyền Luật Thủ đô và các dự thảo chính sách triển khai thi hành Luật

Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn tới cán bộ Công đoàn, người lao động

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều chính sách ưu đãi

Khai thác tiềm năng đơn vị sự nghiệp công lập trong phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa cần thực hiện theo lộ trình phù hợp, chắc chắn

Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại các bãi sông phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô
Tin đọc nhiều

Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo xử lý vụ Công an phường Dương Nội

Công an Hà Nội đình chỉ công tác cán bộ Công an phường Dương Nội bị tố đánh người

Chuẩn bị, tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh dịp Quốc khánh 2/9

Vesak 2025 tại Hà Nội: Lộ trình cấm đường, phân luồng giao thông chi tiết từ 13 - 21/5
