--> -->
Dòng sự kiện:

Từng bước nâng tầm các giá trị di sản

13/05/2025 17:12

Chia sẻ
Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, sở hữu hệ thống di sản phong phú với nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, đậm nét văn hóa truyền thống. Thời gian qua, nhiều di tích đã được đầu tư tu bổ, phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, không ít công trình vẫn trong tình trạng xuống cấp, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một. Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản vì thế đang là mối quan tâm lớn, được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô năm 2024.
Khai mạc Festival Phở 2025, tinh hoa di sản trong kỷ nguyên số Nhóm bạn trẻ mang di sản vào đời sống đương đại Học hỏi từ di sản của hai vị vua nhà Trần

Yêu cầu cấp thiết

Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 16 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và gần 1.200 di tích cấp quốc gia. Trên cơ sở khung chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa của Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, quyết định quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản.

Đáng chú ý, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công nghiệp văn hóa ở cấp địa phương trên toàn quốc, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Nghị quyết đặt mục tiêu kép: vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Từng bước nâng tầm các giá trị di sản
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm trong danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với việc nhiều quy định pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc (2019), Luật Di sản văn hóa (2024), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt là Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết mới trong công tác bảo tồn di sản.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “nhất thể hóa” danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần ưu tiên nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị. Đây được xem là cơ chế đặc thù, giúp Hà Nội bảo tồn hiệu quả di sản văn hóa, lịch sử trong đời sống đương đại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Cụ thể hóa Luật Thủ đô bằng hành động

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 22 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa. Nghị quyết cũng xác định danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị lịch sử, văn hóa và danh mục công trình kiến trúc cần phục hồi, bảo tồn.

Về di sản văn hóa vật thể, danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý gồm 10 di tích trọng điểm: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di tích 48 Hàng Ngang, Di tích số 5 Hàm Long, Di tích 90 Thợ Nhuộm, Cụm di tích hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê, Di tích đền Bà Kiệu và Khu di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, danh mục di tích quốc gia đặc biệt gồm 22 di tích; danh mục di tích xếp hạng cấp quốc gia có 1.164 di tích; cấp thành phố là 1.600 di tích. Danh mục di tích cách mạng kháng chiến gồm 46 di tích; địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến có 354 điểm. Riêng danh mục bảo vật quốc gia đã được công nhận hiện có 34 hiện vật.

Từng bước nâng tầm các giá trị di sản
Trong lĩnh vực văn hóa, Luật Thủ đô 2024 tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Về di sản văn hóa phi vật thể, theo Nghị quyết mới được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, thành phố hiện có 6 di sản được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, 42 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hà Nội cũng xác lập danh mục 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống tiêu biểu cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển.

Đối với không gian kiến trúc - đô thị, Nghị quyết đã ban hành danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử. Cụ thể, khu phố cổ Hà Nội được chia thành hai cấp độ bảo vệ, tôn tạo: cấp I gồm 21 tuyến phố; cấp II gồm 40 tuyến phố. Ngoài ra, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cũng được xác lập rõ ràng: 222 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; 40 công trình kiến trúc công cộng có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý.

Đáng chú ý, Nghị quyết cũng nêu rõ cơ chế bảo đảm nguồn lực thực hiện. Theo đó, nguồn kinh phí được huy động từ hoạt động vận hành, khai thác du lịch tại các khu vực di sản; từ ngân sách Nhà nước, quỹ tài trợ, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, di sản văn hóa - nhân văn là loại tài nguyên đặc biệt, đóng vai trò chiến lược trong định hướng phát triển Thủ đô, sánh ngang với tài nguyên thiên nhiên hay tiềm lực kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh: “Di sản là vốn liếng vật chất và tinh thần, tích tụ và hiện hữu, vừa là nền tảng, là yếu tố cấu thành, vừa là dòng chảy bắt buộc phải khơi mở để phát triển bền vững.” Từ góc nhìn đó, ông kiến nghị Hà Nội nên lựa chọn mô hình phát triển “thâm canh” - sâu, gọn, chất lượng và bền vững - để tiếp nối và phát huy gia tài văn hóa sẵn có, đảm bảo sự phát triển thịnh vượng trong tương lai.

Luật Thủ đô năm 2024 được đánh giá là văn bản pháp lý có vai trò quan trọng, quy định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Trong lĩnh vực văn hóa, luật này đã mở rộng hành lang pháp lý, tạo cơ chế đặc thù và ưu tiên vượt trội, giúp Hà Nội có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.
Tuấn Dũng

Cận cảnh lễ rước và tôn trí Xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ, Hà Nội

Chiều 13/5, chuyên cơ chở Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia Ấn Độ đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Khoảnh khắc thiêng liêng và trang nghiêm khi Xá lợi Phật được cung rước từ sân bay Nội Bài về chùa Quán Sứ, qua các tuyến đường chính của Thủ đô trong không khí tôn kính của người dân Hà Nội đã tạo nên một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng nhất năm 2025.

Học chiêu lừa đảo ở Campuchia, nhóm đối tượng bị bắt khi thực hành tại Việt Nam

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa triệt phá một nhóm đối tượng người Việt sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Trước đó, các đối tượng từng tham gia vào những đường dây lừa đảo tại Campuchia, sau đó trở về nước và tiếp tục phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Điều đáng nói là khi bị bắt, các đối tượng đều dương tính với ma túy.
Xem thêm