--> -->
Dòng sự kiện:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin việc sửa đổi Hiến pháp và công tác bầu cử

16/04/2025 12:21

Chia sẻ
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 (khóa XIII), sáng 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.
Hà Nội: Hoàn thành 18/18 chỉ tiêu của Chương trình 06-CTr/TU Văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính mới Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII)

Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin việc sửa đổi Hiến pháp và công tác bầu cử
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TƯ ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam… mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung, cụ thể: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Hai là, các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989 và 2001).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6/5 đến ngày 5/6. Đề nghị Chính phủ cùng với Mặt trận tiến hành khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch, lưu ý việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Luật Dân chủ ở cơ sở”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức theo phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách, đã tiến hành rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin việc sửa đổi Hiến pháp và công tác bầu cử
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.

Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8/2025; các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/9/2025.

Từ ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 44 để xem xét, cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín. Ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (bảo đảm giảm 60%-70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước) và thống nhất về nội dung trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 tiến hành phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ - Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Về phương hướng, nhiệm vụ tổ chức và công tác chuẩn bị, yêu cầu mới là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả bầu cử...

Về số lượng đại biểu Quốc hội và HĐND, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ chuyên trách ít nhất 40%. Định hướng chung, cơ cấu đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin việc sửa đổi Hiến pháp và công tác bầu cử
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 (khóa XIII).

Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì có 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu), cơ cấu đại biểu chuyên trách ở HĐND nhân dự kiến là 1 Phó Chủ tịch và 2 Phó Trưởng ban. Định hướng chung về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp, đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10% ở từng cấp. Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.

Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên có điểm mới là ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật. Tính đến tháng 3/2026, phải đủ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ, nam (tháng 3/1969), nữ (tháng 9/1972) trở lại đây. Trường hợp tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, nam (tháng 3/1967), nữ (tháng 5/1971) trở lại đây.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như sau: Có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử. Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, trực tiếp chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Đồng thời, lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu, đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý.

Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, các ban Đảng ở Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng dẫn thực hiện.

Hoàng Phúc

Độc đáo không gian triển lãm nghệ thuật từ vật liệu tái chế giữa lòng Hà Nội

Những ngày này, tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm nghệ thuật công cộng. Điểm đặc biệt của triển làm là những thiết kế độc đáo có nguyên liệu chủ yếu từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công, kết cấu thép hiện đại và các vật liệu tưởng chừng như phải bỏ đi khác.

Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho 22 gia đình từng là công nhân nông trường

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh, Hà Nội, các hộ dân đang gặp vướng mắc liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim phần lớn là công nhân Nông trường Đông Anh II trước đây. Các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, không thể tạo lập được chỗ ở sau khi thu hồi đất.

Kết thúc hoạt động 32 cơ quan thanh tra tại Nghệ An

Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An thống nhất nội dung Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả theo Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khám sức khỏe miễn phí: Hành động thiết thực trong Tháng Công nhân

Không chỉ là khẩu hiệu, Tháng Công nhân hằng năm đã trở thành dịp để nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn triển khai những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người lao động. Trong đó, các chương trình khám sức khỏe miễn phí là minh chứng cụ thể cho sự thấu hiểu, đồng hành cùng công nhân không chỉ trong công việc mà cả hành trình giữ gìn sức khỏe và an sinh lâu dài.
Xem thêm