--> -->
Dòng sự kiện:

Chung tay phát triển, sẻ chia trách nhiệm

23/05/2025 06:00

Chia sẻ
Qua gần 3 năm triển khai, đến nay, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần hình thành triết lý cao đẹp, nhân văn về tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng giáo viên, học sinh và toàn xã hội.
Nhận thức đúng để mở cánh cửa tương lai Điểm tựa vững chắc cho đội ngũ nhà giáo Ngôi trường mẫu mực về văn hóa công sở

Nâng chất lượng, giảm khoảng cách

Năm 2022, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; sự nghiệp GD&ĐT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Chung tay phát triển, sẻ chia trách nhiệm
Sự nghiệp GD&ĐT Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, điều khiến những người làm công tác quản lý giáo dục của Thủ đô luôn băn khoăn, trăn trở là: Chất lượng, khoảng cách giáo dục tại các trường ở nội và ngoại thành còn nhiều chênh lệch. Với quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời khắc phục hạn chế, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”. Đến nay, qua gần 3 năm triển khai, phong trào đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, trường học; từ đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sẻ chia, đoàn kết trong toàn ngành.

Chia sẻ về sự thay đổi của Trường Tiểu học Khánh Thượng - một ngôi trường cách trung tâm Hà Nội gần 100km, cách trung tâm huyện hơn 40km; học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết: Cách đây không lâu, khi nhắc tới việc triển khai dạy một chuyên đề để đồng nghiệp trong huyện dự, không ít thầy cô giáo của nhà trường cảm thấy e ngại, thiếu tự tin; còn học sinh thì nhút nhát, rụt rè. Việc chủ động, tích cực tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ, nhất là câu lạc bộ tiếng Anh là điều học sinh chưa thể làm được. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cùng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Khánh Thượng, Trường Tiểu học Kim Đồng, những hoạt động hỗ trợ chuyên môn, những buổi giao lưu học hỏi đã được tổ chức thường xuyên.

Từ sự hỗ trợ của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, trong suốt hơn 1 năm, cô giáo Phạm Ngọc Anh (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng) đã đều đặn 2 ngày/tuần đến Trường Tiểu học Khánh Thượng để trực tiếp lên lớp, dạy dỗ học sinh nơi đây. Những tiết dạy của cô đã giúp các học sinh đồng bào dân tộc Dao, Mường từ nhút nhát trở nên tự tin, cởi mở, mạnh dạn hơn. Các thầy cô giáo của trường cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong từng tiết dạy.

Hay như tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Đan Phượng (huyện Đan Phượng), các học sinh đã rất hào hứng với tiết Ngữ văn của cô giáo đến từ Trường THPT chuyên Chu Văn An (quận Tây Hồ). Không chỉ dạy trực tiếp tại lớp, tiết học này còn được kết nối trực tuyến với học sinh Trường THPT Tân Lập (huyện Đan Phượng) và Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) thông qua Zoom, đồng thời lan tỏa tới 237 điểm cầu của các trường THPT. Không khí sôi nổi, chủ động từ phía học sinh cùng sự tâm huyết của giáo viên là minh chứng cho sự thay đổi tích cực từ những hoạt động kết nối này. “Đây là một tiết học đặc biệt, mang lại nhiều điều mới mẻ và hứng khởi với chúng em”, Bùi Cao Thái Sơn (học sinh Trường THPT Đan Phượng) bày tỏ.

Tương tự, đã có rất nhiều tiết học như thế này được triển khai tại các trường học trên địa bàn Thành phố. Không chỉ là dịp chia sẻ chuyên môn, các tiết học còn là minh chứng sống động cho tinh thần kết nối, lan tỏa tri thức và khát vọng nâng cao chất lượng dạy - học một cách toàn diện.

“Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” rất nhân văn. Thông qua phong trào đã tạo điều kiện cho các nhà trường học hỏi lẫn nhau từ công tác quản lý, công tác giảng dạy đến đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô giáo Nguyễn Thị Tươi (Hiệu trưởng Trường THPT Trung Giã, huyện Sóc Sơn) bày tỏ.

Khơi dậy tinh thần sẻ chia, đoàn kết

Theo ghi nhận, sau gần 3 năm triển khai, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của tất cả 30 quận, huyện, thị xã và các trường THPT trên địa bàn Thành phố. Các hoạt động tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông; phát huy vai trò của cá nhân và tập thể giữa các đơn vị trong việc giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình môn học…

Giáo viên các nhà trường tăng cường giao lưu, chia sẻ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên các nhà trường tăng cường giao lưu, chia sẻ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều đơn vị đã có sáng tạo hay, cách làm tốt như: Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) tổ chức cho 32 lượt giáo viên tham gia hỗ trợ giảng dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường THPT Tự Lập (huyện Mê Linh) và Trường THPT Trung Giã (huyện Sóc Sơn), Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) hỗ trợ Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Ba Vì tôi yêu” bằng hình thức trực tuyến, Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên) tổ chức các tiết học trải nghiệm dành cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở trong khu vực đến tham gia trải nghiệm tại trường, Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) trực tiếp tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn, hỗ trợ giáo viên Trường THPT Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) xây dựng đề cương ôn thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông) hỗ trợ tư liệu chuyên môn cho Trường THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa)…

Bên cạnh các hoạt động chia sẻ, học tập trong lĩnh vực chuyên môn, việc học hỏi các mô hình quản lý, tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ - thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cũng là nội dung được các quận, huyện, thị xã cùng các nhà trường quan tâm. Nhiều hoạt động như: Tham quan; thi đấu thể dục, thể thao, văn nghệ; cùng tổ chức các Ngày hội, Hội thi… đã được các đơn vị liên kết thực hiện, từ đó tạo không khí đoàn kết, động viên tinh thần cho đội ngũ giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, phong trào còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà trường và học sinh vùng khó. Hàng trăm suất học bổng, hàng nghìn cuốn sách, vở, thiết bị học tập, lớp học miễn phí được trao tặng đã tiếp thêm động lực để các nhà trường, học sinh khắc phục khó khăn, vươn lên dạy tốt - học tốt.

Giám đốc Sở GD&&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đã trở thành một phần quan trọng trong hành trình phát triển giáo dục Thủ đô. Đây không chỉ là một sáng kiến hành chính mà còn là một nét đẹp văn hóa, là tinh thần trách nhiệm, là bản sắc của đội ngũ nhà giáo Thủ đô trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Để tiếp tục duy trì, lan tỏa phong trào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cùng các nhà trường đưa phong trào trở thành nội dung trong đánh giá thi đua - khen thưởng hằng năm, xác lập phong trào như một tiêu chí chính thức phản ánh hiệu quả hoạt động giáo dục của từng đơn vị. Cùng đó, các đơn vị, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn liên trường, liên quận, huyện, thị xã theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu giữa giáo viên, học sinh của các trường khu vực nội thành và ngoại thành; lồng ghép phong trào vào các các chương trình, hoạt động lớn của ngành; nhân rộng các mô hình đỡ đầu học sinh khó khăn, tổ chức lớp học miễn phí, hỗ trợ thiết bị, học bổng và phương tiện học tập cho học sinh...

Thảo Nguyên

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0

Thảo luận tại Tổ 1, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nông dân, để từng bước hình thành một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thời đại 4.0; phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2024 - 2025

Sáng nay (23/5), tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2024 - 2025. 851 học sinh giỏi tiêu biểu, đại diện cho gần 2,3 triệu học sinh các cấp học thuộc ngành GD&ĐT Hà Nội vinh dự có mặt tại buổi Lễ.

Lan tỏa những tấm gương “Công nhân giỏi Thủ đô”

Phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã và đang được các cấp Công đoàn và công nhân lao động Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng. Danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được duy trì, phát triển đến nay đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa lan tỏa rất sâu sắc, danh hiệu là niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu của các thế hệ công nhân Thủ đô.

Giao thông đường Kim Mã điều chỉnh, các phương tiện cần lưu ý gì?

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ bổ sung khu vực rào chắn để thi công gia cố nền đất tại khu vực giếng đứng trên đường Kim Mã để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (khu vực ngã tư nút giao Kim Mã - Núi Trúc) trong quá trình thi công khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Các phương tiện chỉ được lưu thông một chiều trên đường Giáp Nhất

Do phương án rào chắn thi công cống thoát nước trên đường Giáp Nhất (cạnh ngã ba Giáp Nhất - Nguyễn Trãi) gây thu hẹp mặt đường còn từ 3-4m, để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông, tại ngã ba Giáp Nhất - Nguyễn Trãi chỉ cho phép các phương tiện lưu thông một chiều.
Xem thêm