--> -->
Dòng sự kiện:

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0

23/05/2025 13:31

Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ 1, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nông dân, để từng bước hình thành một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thời đại 4.0; phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030 Đề xuất chi trả hỗ trợ học phí theo phương thức cấp trực tiếp cho người học Đại biểu Quốc hội: Không để tình trạng “ai cũng đúng nhưng kết quả vẫn sai”

Đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với Dự thảo báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 của chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) nêu một số giải pháp để tiếp tục đột phá phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ.

Đối với vấn đề “được mùa mất giá” trong nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, nông sản là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, nhưng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến, chế biến sâu và tổ chức thương mại, nên phần lớn nông sản xuất khẩu thô, bán ở phân khúc thị trường giá thấp; nếu không cải thiện được thực trạng này thì không thể khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” và làm gia công cho nước ngoài.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là phần lớn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp - bao gồm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy móc và thiết bị chế biến - vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, trong thời gian tới phải lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại để phát huy các ngành lợi thế của địa phương, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định và đủ lớn.

Trong đó, việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; hạn chế tiến tới xóa bỏ xuất khẩu nông sản thô, hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi hợp lý giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiếp tục có chính sách đột phá thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản và các doanh nghiệp này giữ vai trò là chủ chốt trong chuỗi ngành hàng nông sản...

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề xuất tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nông dân, để từng bước hình thành một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thời đại 4.0. Đây là những người vừa am hiểu kỹ thuật, vừa làm chủ công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nông nghiệp. Từ đó, xây dựng một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hiện đại - những người làm chủ sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát triển lực lượng công nhân nông nghiệp trình độ cao đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp số và công nghệ cao, là lực lượng chủ lực trong nền nông nghiệp thông minh, xanh và bền vững.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho biết, năm 2024, GDP nước ta ước tính tăng 7,09%, tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD; quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, là nền kinh tế lớn thứ 32 trên thế giới. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,0% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Hà Nội tổng thu ngân sách 4 tháng năm 2025 ước thực hiện 310,2 nghìn tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán, bằng 1/3 tổng thu ngân sách cả nước. Đây là dư địa rất lớn để chúng ta thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mô hình PPP, đặc biệt là hình thức “đầu tư công - quản trị tư”, là hướng đi phù hợp, cần được đẩy mạnh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho PPP vẫn còn chưa hoàn thiện, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân tham gia sâu vào quản lý, vận hành. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận.

Ngoài các biện pháp Chính phủ đã và đang tích cực triển khai, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất bên cạnh việc đàm phán với Hoa kỳ thì vẫn phải giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới Trung đông và châu Âu. Đồng thời, cần áp dụng chính sách thưởng xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu bù đắp phần sụt giảm do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, phải giữ vững thị trường nội địa, ngăn chặn buôn lậu, hàng từ các nước không xuất khẩu sang Mỹ chảy vào Việt Nam, đội lốt hàng Việt; đồng thời, cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tăng khách du lịch quốc tế thông qua miễn phí thị thực, rút ngắn thời gian cấp thị thực, thí điểm miễn thị thực cho tất cả khách du lịch đến Phú Quốc và thưởng các hợp đồng lưu trú khách du lịch từ các thị trường ưu tiên...

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ mặt bằng, miễn thuế, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, không giới hạn thời gian các hoạt động kinh tế đêm ở các trung tâm du lịch. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nóng thông qua thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Cần thúc đẩy đầu tư công tạo lan tỏa lôi kéo thu hút đầu tư tư thông qua cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư công; chủ động hướng dẫn, định hướng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý.

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo, xây dựng tầng lớp nông dân 4.0
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu thảo luận.

Về đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và mô hình đầu tư công - quản trị tư (PPP), đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, cả khu vực nhà nước và tư nhân đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực văn hóa, thể thao với nhiều công trình như nhà hát, sân vận động, công viên... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Ai quản lý, ai vận hành các thiết chế đó để đạt hiệu quả cao?

Thực tế cho thấy, sau khi đầu tư xây dựng, nhiều thiết chế lại phải kéo theo bộ máy quản lý, biên chế, chi phí vận hành - điều này đi ngược với chủ trương tinh giản bộ máy hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhiều công trình hiện nay rơi vào tình trạng khai thác kém, vắng người sử dụng. Do vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, không phải cứ Nhà nước đầu tư thì Nhà nước phải trực tiếp vận hành. Trong nhiều trường hợp, việc giao cho khu vực tư nhân vận hành sẽ khai thác tốt hơn nguồn lực đã đầu tư.

Hoàng Phúc

Nhiều kiến nghị được giải đáp thỏa đáng tại Diễn đàn “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng” EVN 2025

Diễn đàn “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng” năm 2025 do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức chiều nay (23/5), là một trong những hoạt động chính trị - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là điểm nhấn trong Tháng Công nhân, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần dân chủ trong hệ thống chính trị, nơi người lao động được bày tỏ tâm tư, kiến nghị, trực tiếp đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 hoạt động vào cuối năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 BV Bạch Mai chậm trễ như hiện tại là có lỗi với nhân dân. Do đó, phải quyết tâm khắc phục bằng được những tồn tại hạn chế để có thể hoàn thành trong năm nay.

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chiều 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Từ thực tiễn sản xuất, sáng kiến của công nhân giỏi làm lợi cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hội nhập và phát triển, vai trò của người công nhân ngày càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm, mà còn là những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi đổi mới và sáng tạo. Đặc biệt, những "Công nhân giỏi" với tinh thần cống hiến, ý chí vươn lên và khả năng đưa ra các sáng kiến từ chính thực tiễn sản xuất đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Phấn, công nhân may thuộc Công ty TNHH May HNA VINA (huyện Ứng Hòa), là một điển hình như vậy.
Xem thêm