--> -->
Dòng sự kiện:

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

23/05/2025 19:07

Chia sẻ
Chiều 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Bổ sung sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Xử lý vi phạm hành chính Chính phủ trình dự án một luật sửa 7 luật về đầu tư, tài chính

Giải quyết các vướng mắc thực tiễn

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 7 luật nêu trên, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị, giải quyết các vướng mắc thực tiễn, thúc đẩy phát triển đất nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sửa 7 luật, vì đây là các quy định tác động trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Góp ý cụ thể về sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu cho rằng, dù đã cải thiện một số điều, Luật vẫn còn rắc rối và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Luật áp dụng cho nhiều lĩnh vực, từ y tế, đầu tư công đến lựa chọn nhà đầu tư, nhưng không phù hợp với tất cả.

Ví dụ, quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng chủ yếu liên quan đến vốn ngân sách nhà nước, nên có thể đưa vào các luật cụ thể như Luật Ngân sách nhà nước hoặc Luật Đầu tư, thay vì duy trì một luật riêng. Điều 16 về hành vi bị cấm quá chi tiết, phức tạp, trong khi các tổ chức quốc tế chỉ quy định vài hành vi cấm, như xung đột lợi ích.

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quốc hội

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc bãi bỏ Điều 6 về Hội đồng thẩm định dự án là tiến bộ, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, tại Điều 82 về cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, quy định hiện hành đã cải thiện, nhưng chưa rõ ràng.

Ví dụ, Điểm c, Khoạn 2, Điều 82 quy định xem xét chia sẻ khi doanh thu chưa đạt 75%, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho. Các nước như Hàn Quốc, Philippines quy định mức doanh thu tối thiểu (ví dụ 90%) để bù đắp ngay, tránh lỗ nặng cho nhà đầu tư. “Tôi đề nghị quy định rõ mức doanh thu tối thiểu để hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả hơn”, đại biểu nói.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cùng thảo luận về sửa đổi Luật Đấu thầu. Đại biểu đồng tình quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ vào quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của từng gói thầu, dự án để lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Bởi thực tế thời gian qua, việc chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong các công trình, dự án thường rất hạn chế. Đại biểu cho rằng, quy định cho phép lựa chọn nhà đầu tư là rất cần thiết, nhưng cần chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm tham gia nhiều dự án trong và ngoài nước để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cần có cơ chế phòng ngừa sự móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với việc giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động. Tuy nhiên, cần chọn nhà thầu có tiềm lực tài chính, uy tín, và đã thực hiện nhiều dự án chất lượng.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề nghị xem xét kỹ việc lựa chọn nhà thầu trong các gói thầu xây lắp, áp dụng chỉ định thầu khi cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, cần có chế tài mạnh tay với các nhà thầu trúng thầu nhưng bỏ thầu, như cấm tham gia đấu thầu trong vài năm, để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án...

Sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính: Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đồng tình với việc sửa đổi Khoản 7, bổ sung Khoản 8, 9, 10, Điều 3 của Luật Đấu thầu, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, khi các bệnh viện tự chủ tài chính bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu giống đầu tư công.

Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị điều chỉnh điểm a, khoản 1, Điều 1 như sau: “Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7, 8, 9, 10 Điều 3 của Luật này”...

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị rà soát các quy định liên quan để đảm bảo thống nhất với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số.

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Phương Thảo

Hoàn Kiếm: Tích cực các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết

“Với vị trí của quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô, nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn, tập trung đông người dân, khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng luôn được quận xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài” - ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm cho biết.

Cần sớm ban hành quy định các biện pháp giảm phát thải nhựa tại Hà Nội

Ngày 23/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết quy định các biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội và biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn Thành phố (thực hiện điểm D, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô).

Công đoàn ngành GTVT Hà Nội khám sức khỏe miễn phí cho 2.000 đoàn viên

Nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo cho người lao động nhân dịp Tháng Công nhân, thiết thực vì lợi ích đoàn viên, Công đoàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thông tin, đơn vị đã và sẽ tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động. Dự kiến từ 22/5 đến hết tháng 6/2025, khoảng 2.000 đoàn viên sẽ được khám sức khỏe miễn phí.
Xem thêm