--> -->
Dòng sự kiện:

Công nhân lao động phải ở nhà thuê xập xệ, làm sao tái tạo được sức lao động?

01/06/2022 19:52

Chia sẻ
Các khu công nghiệp mọc lên trên khắp mọi miền của đất nước, nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân chưa được quan tâm thỏa đáng. Để người lao động dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội, các chính sách cần hướng đến việc tăng nguồn cung.
Nhanh chóng giải quyết chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là cần thiết

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) phát biểu như trên tại phiên thảo luận của Quốc hội bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 1/6.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề cập đến chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế với quy mô 350.000 tỷ (Nghị quyết 43), nhưng đến nay Nghị quyết 43 chưa thực sự đi vào cuộc sống.

“Tại sao một chính sách đúng đắn như thế, kịp thời như vậy lại chậm triển khai? Tôi đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá thật sâu, kỹ vấn đề này, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, thời điểm hiện tại có thể nói, Covid-19 đã được kiểm soát tốt, xã hội đang dần trở lại cuộc sống bình thường, những khó khăn mà đại dịch kéo dài đã gây ra cũng đang từng bước được giải quyết, trong đó, đối tượng công nhân, người lao động phổ thông được Đảng, Nhà nước quan tâm với những chính sách hết sức cụ thể.

Công nhân lao động phải ở nhà thuê xập xệ, làm sao tái tạo được sức lao động?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đề nghị có giải pháp phù hợp về nhà ở cho công nhân lao động.

Để hỗ trợ phần nào khó khăn của người lao động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo đó, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỷ đồng, dự kiến trên cả nước sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách này.

Vậy nhưng sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước chỉ phê duyệt gần 10.000 lao động, chiếm tỷ lệ là 0,3%, với khoản tiền 33 tỷ, chiếm tỷ lệ 0,002% trong tổng số tiền hỗ trợ.

“Một chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn như vậy vì sao chúng ta triển khai chậm? Tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo thật cụ thể và nêu những giải pháp nào để giải quyết, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, nhưng một thực tế là đời sống của hàng triệu công nhân lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp hết sức khó khăn, vất vả, nhất là vấn đề về nhà ở, với diện tích nhà ở xập xệ, khoảng hơn 10m2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình, như vậy làm sao tái tạo được sức lao động để tạo ra của cải cho xã hội?

Pháp luật hiện hành có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như là miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các dự án hoặc cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, chi phí thuê hoặc mua nhà cho công nhân được tính vào chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện tại hầu hết công nhân vẫn thuê ở những nhà trọ trong khu dân cư. Các khu công nghiệp mọc lên trên khắp mọi miền của đất nước, nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân rất ít được quan tâm. Để công nhân, người lao động dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội, các chính sách cần hướng đến việc tăng nguồn cung.

Công nhân lao động phải ở nhà thuê xập xệ, làm sao tái tạo được sức lao động?
Toàn cảnh phiên họp ngày 1/6.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không triển khai được các dự án là do vướng mắc khâu thủ tục về vấn đề xây dựng. Như vậy, trước mắt cần phải giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, để cho các chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh dự án, qua đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Cùng với đó, Chính phủ phải nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp với thực tế của đất nước ta để triển khai. Ví dụ, như ở Singapore hay Nhật Bản, nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng, quản lý nên thực chất đây là nhà ở của Nhà nước cho người dân thuê có thời hạn, thường là rất dài, lên đến 99 năm.

Ở Việt Nam, theo đại biểu đoàn Bình Thuận, có thể xem xét kết hợp theo hướng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của chủ đầu tư cho thuê theo giá thị trường và Nhà nước bù phần chênh lệch giá thuê cho công nhân, người lao động theo chính sách xã hội của mình được hay không? Nếu có thể giữ cho người lao động gắn bó lâu dài với công việc thông qua con đường an cư thì đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của đất nước ta trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi dịch bệnh đi qua.

“Tôi đề nghị Chính phủ sớm đánh giá một cách toàn diện và cụ thể vấn đề giải quyết nhà ở công nhân, người lao động để kịp thời tháo gỡ những bất cập, có những chủ trương đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người công nhân, người lao động được thực hiện hóa, tránh lặp lại câu "khâu triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu" qua sơ kết, tổng kết”, đại biểu nhấn mạnh.

H.L

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm