--> -->
Dòng sự kiện:

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

14/05/2025 12:18

Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực.
Hà Nội triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Sáng nay (14/5), Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay (14/5), Quốc hội khóa XV, họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đại biểu, việc triển khai, thi hành Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay yêu cầu một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải xem xét các yếu tố mang tính vĩ mô, dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là việc sáp nhập, giảm đầu mối, giải thể.

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Quang Minh đồng tình sửa Điều 110 về việc bỏ nội dung “phải lấy ý kiến Nhân dân “khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính”. Nội dung này do Quốc hội quy định tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là phù hợp.

Đề cập đến quy định “trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, đối với cấp tỉnh là phù hợp vì các tỉnh nhập lại là ngang cấp.

Tuy nhiên, đối với cấp xã không nên quy định là trường hợp đặc biệt, vì thực tế hiện nay việc bố trí cán bộ chủ chốt của Đảng giữ chức danh Chủ tịch HĐND mà không là đại biểu HĐND của một trong những đơn vị cấp xã sáp nhập sẽ là phổ biến.

Theo quy định của các địa phương trong cả nước hiện nay, đa số chức danh Bí thư và Phó Bí thư (dự kiến kiêm Chủ tịch HĐND) là nhân sự ở huyện về, thậm chí ở cả tỉnh về thì không thể là đại biểu HĐND của một hay một trong số các xã sáp nhập được.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ từ “trường hợp đặc biệt” đối với các xã, phường sau sáp nhập và có thể dùng từ “cho phép”, “được phép”, hoặc “có quyền chỉ định các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã hình thành sau sáp nhập mà nhân sự không phải là đại biểu HĐND “là thích hợp hơn trong thực tế hiện nay.

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) thống nhất việc sửa đổi khoản 2 Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, với quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng thời, đại biểu tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và cho rằng, sáng kiến lập pháp này tập trung ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề xuất sửa khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, bây giờ chúng ta tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa khoản 8 Điều 96 để đảm bảo thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp.

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Quốc hội

Tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, sửa đổi Điều 10 Hiến pháp về tổ chức Công đoàn, đã bổ sung cụm từ "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn" là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu quy định chung như Dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp Công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này là không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở mà các tổ chức này lại đưa yêu sách có quyền như tổ chức Công đoàn ở cơ sở.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “Cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn".

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân.

Đại biểu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Nữ đại biểu cũng thống nhất với sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.

Về tổ chức chính quyền 2 cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 6/5/2025 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Phương Thảo

Hà Nội: Hướng dẫn lấy số dịch vụ công online trên ứng dụng iHanoi

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ đợi, thực hiện các biện pháp xử lý việc xếp hàng giữ chỗ trực tiếp từ sớm, gây mất trật tự công cộng, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội hướng dẫn việc lấy số dịch vụ công online trên ứng dụng iHanoi.

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn quảng cáo sai sự thật

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, trong thời gian từ ngày 15/5-15/6.

AI Overviews: Tương lai tìm kiếm hay thách thức mới cho người dùng?

AI Overviews, tính năng tổng hợp thông tin bằng trí tuệ nhân tạo của Google, đang ngày càng khẳng định vị thế trên trang kết quả tìm kiếm, mang đến một cách tiếp cận thông tin nhanh chóng và tiện lợi chưa từng có cho người dùng. Tuy nhiên, sự phổ biến và mở rộng của AI Overviews không chỉ là một cải tiến công nghệ đơn thuần, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức đáng kể cho cả người dùng, các nhà xuất bản nội dung trực tuyến và cộng đồng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).
Xem thêm