--> -->
Dòng sự kiện:

Đoàn viên, người lao động không đơn độc

10/08/2021 14:25

Chia sẻ
Dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, người dân, công nhân lao động tại Thủ đô đặc biệt tại các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (KCN&CX) không rời khỏi địa bàn và thực hiện đúng chủ trương “ai ở đâu ở đấy” cùng chung tay đảm bảo phòng dịch hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động chăm lo, không để đoàn viên nào bị bỏ lại phía sau với những cách làm sáng tạo.
Công đoàn Thủ đô tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động Trợ cấp 142 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 Công đoàn Thủ đô: Vừa phòng, chống dịch, vừa chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động

Công nhân “ai ở đâu ở đấy”

Đã nhiều tháng nay, chị Đỗ Thị Hồng (huyện Ba Vì) - công nhân tại Khu Công nghiệp Quang Minh chưa thể về quê thăm 2 con do dịch bệnh Covid-19. Nói về hoàn cảnh của mình, chị Hồng không khỏi nghẹn ngào. Lấy chồng được một thời gian thì chị và chồng ly hôn, một mình chị nuôi hai con. Chị nộp hồ sơ xin làm công nhân với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh neo đơn, con còn nhỏ, chị đành gửi lại ông bà để xuống Hà Nội kiếm sống.

Dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều thứ đảo lộn, trong đó lớn nhất là kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập giảm. Trong căn phòng trọ nhỏ, với mức lương khoảng 4-6 triệu/tháng, chị Hồng đã quen với những bữa cơm đạm bạc mùa dịch. Những ngày công nhân “ai ở đâu ở đấy”, cả xóm trọ chị vẫn chưa ai bị thiếu đói nhưng nỗi lo lắng về dịch bệnh vẫn hiện hữu trên từng gương mặt những người lao động xa quê.

Đoàn viên, người lao động  không đơn độc
Công nhân lao động phấn khởi nhận quà từ “Siêu thị 0 đồng”. (Ảnh: Đinh Luyện)

“Hiện nay tôi cũng không dám đi đâu ra khỏi địa bàn theo khuyến cáo. Có thể được ăn no để chống Covid là quý lắm rồi. Một tháng trừ tiền nhà trọ tôi chỉ dám chi tiêu khoảng 1 triệu, phần tiền còn lại phải để tích lũy đề phòng trường hợp đột xuất, hoặc đợi hết dịch còn về thăm con”, chị Hồng tâm sự.

Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới nhất của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô có 254 trường hợp F0; 2.797 trường hợp F1; 8.988 trường hợp F2; 17.973 trường hợp F3, F4. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công nhân đã trở thành F0, doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp đã nâng mức phòng chống dịch lên cao nhất nhằm đảm bảo việc sản xuất được an toàn.

Để chung tay cùng Thành phố trong việc thực hiện các Chỉ thị về giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.

Đồng thời tuyên truyền, vận động công nhân lao động về công tác phòng, chống dịch bệnh, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn để người lao động yên tâm sản xuất “Ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không được di chuyển khỏi địa bàn Thành phố kể từ ngày 1/8/2021 cho đến khi hết giãn cách xã hội.

Theo đó, các phương án đã được triển khai, tại nhiều đơn vị, nhiều ngày nay công nhân đã tổ chức ăn, ở tại chỗ để hạn chế dịch lây lan. Một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và công đoàn xây dựng kịch bản, phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi tại nơi làm việc) và “1 cung đường 2 điểm đến” (người lao động chỉ di chuyển trên một cung đường, chỉ đến nơi làm việc và nơi ở) ngay cả khi đơn vị chưa có trường hợp nghi nhiễm một cách chặt chẽ, nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe người lao động và tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.

Điển hình như tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội thành phố Hà Nội, ông Đàm Xuân Dũng - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay 7 công trình của Ban Quản lý đã tạm dừng thi công, 3 công trình trọng điểm vẫn được Thành phố cho phép thi công để đảm bảo tiến độ.

Vì vậy, các công nhân tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ”, không được rời khỏi vị trí, ăn ở, làm việc tại công trường để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Mặc dù cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động nhưng đời sống chật chất và điều kiện ăn ở tại công trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Mang “hơi ấm” đến người lao động

Nắm bắt được những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ngay lập tức có những cách làm hay và vô cùng sáng tạo. Đặc biệt đẩy mạnh chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã giúp người lao động yên tâm thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở đó”, góp phần đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng thông tin, trong bối cảnh toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động tại khu cách ly tập trung và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động Thành phố đã có sáng kiến triển khai thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”.

Theo đó, trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, dù ngày nắng cũng như ngày mưa, trên các nẻo đường Thủ đô xuất hiện những chiếc xe buýt đặc biệt nối về LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn cơ sở. Không chở khách như ngày thường, chất đầy trên xe là những sản phẩm thiết yếu bao gồm: Gạo, mỳ chính, dầu ăn, bánh, sữa, đồ ăn hộp, khẩu trang, nước sát khuẩn… để hỗ trợ những công nhân lao động đang thực hiện cách ly, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Trong 10 ngày thí điểm, tổng số đoàn viên, người lao động đã được trao hỗ trợ từ chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” là khoảng 15.000 người tại 447 doanh nghiệp, với trị giá hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng. Ngay sau chương trình "Xe buýt siêu thị 0 đồng", LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tiếp tục chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhấn mạnh tới các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục triển khai các hoạt động ý nghĩa, thể hiện phương châm “ở đâu đoàn viên khó, ở đó có tổ chức Công đoàn”. Nhân rộng các “Gian hàng 0 đồng”; “Siêu thị 0 đồng”, “Ô tô siêu thị 0 đồng”, đồng thời phát huy hiệu quả của hơn 11.400 “Tổ An toàn Covid-19”, xây dựng các “Vùng xanh doanh nghiệp” tạo môi trường sản xuất an toàn.

Một trong những hoạt động nổi bật là chương trình “Siêu thị 0 đồng” phục vụ cho khoảng 2.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Khu nhà ở công nhân lao động (huyện Đông Anh) do Công đoàn các KCN&CX Hà Nội tổ chức. “Ngoài hoạt động “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, chúng tôi còn thành lập “Siêu thị 0 đồng”.

Ngay khi kích hoạt hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi đã phát 2.000 phiếu “Siêu thị 0 đồng” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi thực hiện trao hỗ trợ giãn cách, trong đó, trao 500 suất quà hỗ trợ trực tiếp tại Khu nhà ở công nhân lao động Kim Chung, số còn lại sẽ bố trí vận chuyển và trao tại các điểm cách ly, doanh nghiệp có công nhân hoàn cảnh khó khăn…”, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX cho biết.

Bày tỏ niềm cảm kích trước sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, nhận quà tại chương trình “Siêu thị 0 đồng” do Công đoàn các KCN&CX Hà Nội tổ chức, chị Đỗ Thị Hồng chia sẻ: “Những món quà từ tổ chức Công đoàn không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Tôi rất mong Công đoàn tiếp tục có những hỗ trợ với người lao động khó khăn như chúng tôi để chúng tôi có thêm niềm tin vượt qua dịch Covid-19, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại”./.

P.Ngân

Đại biểu đề nghị tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế với thuốc lá

Ngày 9/5, thảo luận về dự án Luật Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với việc tăng thuế với mặt hàng thuốc lá. Từ thực tiễn tại Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá.

Huyện Ứng Hòa: Chăm lo toàn diện cho người lao động, lan tỏa tinh thần “Cảm ơn người lao động”

Những ngày này, trong không khí sôi động của cả nước hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày Giải phóng miền Nam, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Ứng Hòa hân hoan đón chào Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện tổ chức.

Nhận định trận Fulham vs Everton: “Vua hòa” liệu có phá dớp tại Craven Cottage?

Trận giữa Fulham và Everton diễn ra vào lúc 21h00 ngày 10/5 thuộc khuôn khổ vòng 36 Ngoại Hạng Anh 2024/25 trên sân Craven Cottage. Cả hai đội đều đang trải qua những giai đoạn không mấy suôn sẻ, hứa hẹn một cuộc đối đầu khó đoán và đầy toan tính. Đội khách Everton, vốn đã có tiếng là “vua hòa” nên họ sẽ chơi thận trọng để giành lấy một điểm trên sân khách.
Xem thêm